21/07/2013 15:55 GMT+7

Người tù lạc quan

Nelson Mandela (Nguyễn Hằng dịch)
Nelson Mandela (Nguyễn Hằng dịch)

TT - Lúc đầu thì không cấm hát trong tù. Mọi người hát khắp nơi, nhất là khi làm việc. Họ đưa chúng tôi đến mỏ để đào đá vôi. Một việc rất khó vì anh dùng cuốc chim.

Đá vôi nằm lẫn trong các tầng đất đá khác. Anh gặp phải một tầng đá và để lấy được đá vôi ra thì anh phải đập vỡ tầng đá đó. Họ đưa chúng tôi đến đó vì muốn cho chúng tôi thấy rằng đi tù không thích thú gì, hoàn toàn không phải đi chơi, và anh không bao giờ nên đi tù lần nữa. Họ muốn đập tan ý chí của chúng tôi.

M4cPcGxl.jpgPhóng to
Hướng dẫn viên tham quan nhà tù trên đảo Robben giới thiệu về bức ảnh Mandela và các tù nhân đập đá trong sân tù vào thập niên 1970 - Ảnh: Trung Nghĩa

Cai tù cấp tiến

Chúng tôi hát những bài ca tự do trong khi làm việc và mọi người đều thấy hứng khởi. Thế là chúng tôi làm việc với tinh thần rất cao, tất nhiên còn nhảy theo nhạc khi làm nữa. Ban quản lý nhà tù nhận ra điều đó. Họ rất quân phiệt. Họ kiên quyết nói rằng: “Không được hát khi làm việc”, để anh thật sự cảm thấy công việc rất cực nhọc. Và dĩ nhiên, trong bản quy định họ có một điều khoản cấm hát và họ thực thi điều đó. Mặc dù chúng tôi nghe lời họ, nhưng khi về phòng giam, đặc biệt trong đêm Giáng sinh và năm mới, chúng tôi tổ chức đêm văn nghệ và hát. Nên cuối cùng họ cũng phải quen với chuyện đó.

Hồi ở tù có một chuyện khiến tôi rất lo lắng, đó là tôi đã vô tình tạo ra một hình tượng không thật về mình đối với thế giới bên ngoài. Mọi người coi tôi như một vị thánh. Tôi chưa bao giờ là thánh, kể cả theo cách mà con người chúng ta vẫn định nghĩa: thần thánh là kẻ có tội nhưng không ngừng cố gắng.

Hồi đó, những người cai tù hiển nhiên không phải tầng lớp được học hành cao nhất trong xã hội. Phần lớn họ có thái độ thù địch trước mong muốn của chúng tôi và coi tù nhân da đen là nhóm người thấp kém. Họ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc quyết liệt, đối xử với chúng tôi rất thô bạo và tàn nhẫn. Nhưng trong số họ cũng có những ngoại lệ nổi bật, những người kiên nhẫn cảnh báo với đồng nghiệp của họ rằng ở nhiều nơi trên thế giới, phong trào giải phóng thường là phe giành thắng lợi và trở thành giai cấp nắm quyền lực. Những người cai tù cấp tiến này hiểu rằng cần đối xử với tù nhân tốt và đúng theo luật, để sau này nếu họ giành chiến thắng và nắm quyền hành thì đến lượt họ sẽ phải đối xử tốt với người da trắng.

ANC (Đại hội Dân tộc Phi) luôn nhấn mạnh nguyên tắc rằng chúng tôi không đấu tranh chống lại người da trắng mà chống lại chính sách người thượng đẳng da trắng, được phản ánh rất rõ trong cơ cấu chủng tộc của bộ máy quản lý ở các tổ chức và cơ quan nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương.

Tôi không muốn tạo ra ấn tượng rằng tất cả cai tù đều dữ dằn, đểu giả. Không. Ngay từ đầu đã có những cai tù biết rằng cần đối xử đúng mực với chúng tôi.

Tôi không hề khoe đâu, nhưng họ hay đến nói chuyện với tôi lắm, nhất là buổi tối và cuối tuần. Một vài người trong số họ thật sự là người tốt. Một vài người nói: “Chúng ta không thể đối xử với tù nhân như thế này. Chúng ta phải đối xử với họ một cách tôn trọng.

Chúng ta phải cho họ đọc báo, nghe đài”. Và những người khác nói: “Không, các anh làm như thế là tăng thêm nhuệ khí cho bọn họ. Không được làm thế”. Nhóm kia trả lời: “Có tăng nhuệ khí thì họ vẫn phải ở lại trên đảo cơ mà”. Họ cứ tiếp tục tranh cãi.

Sau khi thấy sự chia rẽ giữa các cai tù, chúng tôi quyết định lãn công. Gần cả buổi sáng chúng tôi chỉ chở một chuyến đá. Họ thử đủ mọi cách nhưng chúng tôi vẫn không nhúc nhích. Mặc dù chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những thời điểm mọi chuyện thật sáng sủa - là khi những người cai tù đối xử với chúng tôi đúng như đối xử với con người.

Pq9NpbBZ.jpgPhóng to
Phòng giam Nelson Mandela trong nhà tù Robben - Ảnh: T.Nghĩa

Những đám mây dày đặc và bầu trời xanh đến tận đường chân trời

Thi thoảng lại có tin đồn sức khỏe của tôi bị suy sụp và tôi sắp chết rồi. Tin đồn gần đây nhất hẳn đã làm gia đình và bạn bè tôi choáng váng. Sự thật là có căn bệnh nguy hiểm có thể ăn dần ăn mòn cơ thể ta mà ta chẳng biết gì cả. Nhưng cho đến giờ thì tôi vẫn cảm thấy khỏe lắm.

Tôi cũng hiểu rằng mọi người ở trong và ngoài nước đã có những nỗ lực lớn lao để đòi tự do cho tôi và các tù nhân chính trị khác.

Chiến dịch này đã động viên chúng tôi rất nhiều và cho thấy chúng tôi đang có hàng trăm nghìn người bạn. Cho dù kẻ thù có làm đủ mọi cách để cách ly, làm mất thể diện của chúng tôi thì chúng tôi vẫn được mọi người ở khắp nơi nhớ đến. Ngoài tình cảm của vợ và của cả gia đình thì với tôi, gần như không gì có sức động viên lớn hơn thế. Nhưng chúng tôi biết rất rõ kẻ thù - họ muốn thả chúng tôi với tư cách là kẻ mạnh chứ không phải ở thế yếu. Họ đã bỏ lỡ cơ hội này mãi mãi.

Nhưng cho dù tôi cảm động trước việc được bạn bè đòi trả tự do thế nào đi nữa thì tư duy thực tế cho thấy chúng ta phải hoàn toàn bác bỏ khả năng yêu cầu đó sẽ được chấp nhận. Nhưng tôi cũng rất lạc quan, ngay cả khi đang ở giữa bốn bức tường nhà tù.

Tôi có thể thấy những đám mây dày đặc và bầu trời xanh đến tận đường chân trời. Cho dù tính toán của chúng ta có sai lầm, cho dù chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng trong cuộc đời này tôi sẽ vẫn được bước ra với ánh mặt trời, được bước đi vững vàng trên đôi chân, sức mạnh của tổ chức và lòng quyết tâm của dân tộc tôi sẽ mang đến cho tôi điều đó.

Rồi còn vấn đề tinh thần đấu tranh của các tù nhân. Mọi người có thể nghĩ rằng với điều kiện sống khắc nghiệt, nhất là hồi những năm 1960, thì chúng tôi sẽ sợ hãi. Không hề.

Chúng tôi đấu tranh ngay từ ngày đầu tiên, chống lại những bất công ngay trong nhà tù. Anh sẽ thấy anh không cần phải có bằng cấp mới có năng lực làm lãnh đạo, chỉ cần năng lực của một người muốn đấu tranh chống lại bất công ở bất cứ đâu anh ta đặt chân đến. Có rất nhiều người có thể nhận vai trò làm người tranh đấu, thà bị trừng phạt, thậm chí bị đánh đập còn hơn là nhượng bộ... Ở phòng giam của tôi có những người biết chữ, đọc rộng biết nhiều, từng đi nước ngoài, và thật thú vị khi được nói chuyện với họ. Khi anh ngồi xuống thảo luận cùng họ, anh sẽ thấy mình học được rất nhiều.

Hồi ở đảo Robben thì tôi quá bận, chẳng học thêm được chút nào. Năm thứ nhất tôi làm được, năm thứ hai tôi vẫn ổn, nhưng đến năm cuối thì tôi không có thời gian học do nhiều khó khăn về chính trị. Tôi nhớ là tôi trượt ba lần, năm cuối ấy. Chỉ đến khi tôi chuyển đến nhà tù Pollsmoor thì tôi mới có cơ hội tập trung học, nhất là lúc ở một mình. Ngay khi bắt đầu tập trung học tôi biết mình sẽ thi đỗ. Nhưng sau đó, anh biết đấy, tôi bỏ học - đúng là tôi đã bỏ học.

Kỳ tới: Tôi buộc phải làm tổng thống

Kỳ 1: Theo đuổi lý tưởng Kỳ 2: Những năm tháng khó khăn Kỳ 3: Hai nỗi đau đớn

Nelson Mandela (Nguyễn Hằng dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên