Phóng to |
Ảnh được chụp vào lễ bế giảng năm học 1993-1994. Đứng ngoài bên phải là thầy Cầu của tôi (dạy lớp 4A-5A Trường tiểu học Chu Văn An, Hà Nội từ năm 1993-1995). Ảnh và chú thích ảnh do tác giả bài viết cung cấp |
Vừa mới lên lớp 4, được chuyển vào lớp chuyên toán, tôi sướng lắm, có phần “tinh vi” nữa, nhưng cái thái độ kiêu căng đó đã tắt ngấm khi nhìn thấy thầy: “Ơ, cái ông béo này mà dạy lớp chuyên toán à”. Thầy chỉ vào tôi: “Em kia, lơ đễnh đi đâu thế, giới thiệu đi chứ”. “Dạ thưa thầy, em tên là…”. Thầy nói ngay: "Con tên là chứ không anh em gì hết”. Cả lớp cười ồ lên.
Tôi cứng đầu cãi: “Nhưng từ bé đến giờ em đã quen gọi thế rồi, thầy cứ cho em gọi thế đi”. Thầy cười hiền: "Nếu ở ngoài đường thì con phải xưng cháu gọi thầy là ông đấy”. Tôi ngượng chín mặt, lí nhí: “Con biết rồi ạ”. Thầy bảo xưng hô như thế để tăng sự gắn bó giữa thầy và trò: “Có thể các con hơi ngượng một tí nhưng ấm áp lắm”.
Thầy giảng rất hay và dễ hiểu theo một phong cách “không giống ai”. Giờ toán của thầy thì quyển sách giáo khoa chỉ “để cho có”, thầy vừa giảng vừa kể chuyện và liên hệ bài giảng với những điều thực tế cuộc sống nên cả lớp hiểu bài rất nhanh và nhớ lâu. Học các môn khác tôi khá ngại giơ tay phát biểu nhưng riêng môn toán thì tôi lại rất hăng hái tham gia.
Vừa học được mấy buổi, thấy học sinh mải chơi không tập trung học, thầy đã tung “tuyệt chiêu vé số”. Thầy cắt giấy và viết những tờ xổ số nhỏ xinh để thưởng cho những người điểm cao liên tục, những người tích cực xây dựng bài. Đến cuối tháng thầy tổ chức quay thưởng với những phần thưởng nhỏ nhưng rất ý nghĩa: sách, vở, bút, những chiếc bản đồ, lịch, la bàn thầy thức đêm làm với tấm lòng thương yêu học sinh vô bờ bến. Những tờ vé số của thầy đã khơi dậy sự ham học hỏi của bọn trẻ ham chơi chúng tôi.
Thầy tuy hiền nhưng rất nghiêm khắc. Tôi còn nhớ như in chuyện “kẻ tay”. Lần đó, tôi bị ngã gãy tay. Thầy cho phép tôi được kẻ bằng tay, không cần dùng thước kẻ. Tôi sướng lắm vì được kẻ nguệch ngoạc, lần nào tôi cũng làm xong bài trước cả lớp rồi hí hửng đưa vở lên khoe thầy. Thầy nhìn hình kẻ xấu xí trên vở tôi rồi nói: “Sau khi khỏi nếu con còn kẻ bằng tay thì thầy đánh luôn, thầy hứa đấy”. Tôi ậm ừ vâng dạ cho qua.
Đến khi tháo bột, tôi vẫn quen tay kẻ luôn hình vào vở, thế là thầy cầm thước vụt luôn. Tôi bị vụt mà vẫn ngơ ngác không tin mình bị đánh. Thầy nói giọng giận dữ: "Lần sau con còn kẻ tay thầy sẽ đánh đau hơn”. Tôi im lặng ấm ức, nhưng sau khi tan học thầy đưa tôi lọ dầu thì tôi ứa nước mắt: "Con biết lỗi rồi ạ, lần sau con hứa sẽ không tái phạm nữa”. Thầy mỉm cười nói: “Thầy đánh con bởi vì thầy biết giữ lời hứa, con cũng cố gắng giữ lời hứa nhé”.
“Tuyệt chiêu” của thầy mà tôi nhớ nhất là “bài diễn văn khích lệ tinh thần” trước khi chúng tôi thi chuyển cấp. Thầy đã cho chúng tôi nhớ lại những tháng ngày học tập bên nhau tuy vất vả nhưng rất vui, và thầy mong chúng tôi hãy sống cố gắng xứng đáng với thầy, với cha mẹ và với chính công sức của bản thân mình. Tất cả những học sinh và phụ huynh dự buổi chia tay đó đều đã khóc, để rồi tất cả lớp đều đã thi được vào những lớp chuyên, lớp chọn của những trường nổi tiếng ở Hà Nội.
Đã 18 năm rồi, xem lại tấm ảnh cũ lớp tôi chụp với thầy, tôi bồi hồi tự hỏi: không biết đã có bao nhiêu thế hệ học sinh được thầy dùng những “tuyệt chiêu” của mình để giáo dục trở thành những người con ngoan, trò giỏi, công dân tốt?
Mời tham gia viết về Người thầy đáng kính của tôi Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới. Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết Người thầy đáng kính của tôi để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu. Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn. Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài. Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào. Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chụp. File ảnh vui lòng gửi riêng (không dán vào file bài viết). Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012. Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận