12/10/2012 17:05 GMT+7

Nụ cười của thầy tiếp thêm nghị lực cho tôi

HUỲNH THANH ĐÔNG(học sinh Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, huyện Đại Lộc, Quảng Nam khóa 1993-1995)
HUỲNH THANH ĐÔNG(học sinh Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, huyện Đại Lộc, Quảng Nam khóa 1993-1995)

TTO - Tôi bước vào trung học với sự hụt hẫng, chán nản khi gia đình suy sụp kinh tế. Tôi khép kín trong quan hệ bạn bè, thầy cô.

Người thầy đáng kính của tôi:

Từ một học sinh giỏi ở cấp II, tôi trở thành đứa “cá biệt”, học dốt nhất trong lớp chuyên toán nổi tiếng của trường.

5DpGGQAd.jpgPhóng to

Trong ngôi trường, lớp học ấy, nếu không có thầy, không có sợi chỉ tình cảm dù mong manh bằng cảm nhận sâu kín của mình thì liệu tôi có vượt qua được và có được như ngày hôm nay?

Tôi chán ghét hầu hết môn học và ghét cả thầy cô dạy môn đó. Duy có môn văn là tôi không ghét cũng chẳng thương, tôi học môn này bình bình như một học sinh bình thường, và cũng bình thường với thầy dạy văn. Thầy tên Lơ, họ thầy tôi không nhớ và cũng không cố tìm hiểu.

Thấy Lơ sống rất nghiêm khắc, hầu như không thể hiện tình cảm riêng tư yêu ghét với bất cứ đứa học trò nào, trừ tôi (theo cảm nhận của riêng tôi). Thầy hay gọi tôi đọc diễn cảm các đoạn văn và có vẻ mỉm cười sau khi tôi phát biểu, trả lời những câu hỏi.

Những bài văn của tôi luôn đạt điểm 6 trở lên dù chữ viết như… cua bò và tôi chẳng thấy mình làm được gì hay ho trong những bài văn ấy.

Thời gian trôi. Tuy học dở nhất nhưng là dở của lớp chuyên nên tôi vẫn là học sinh trung bình, vẫn lên lớp. Thầy vẫn phụ trách môn văn và tôi vẫn là học sinh “cá biệt”, nhưng với môn văn, tôi “cá biệt” theo chiều hướng tích cực.

Tôi dần cảm nhận rõ ràng năng khiếu văn học của mình cũng như tình cảm mà thầy dành cho tôi, và đó là động lực duy nhất thôi thúc tôi tới trường.

Nhà tôi ở trong làng, trường học ngoài thị trấn. Từ nhà tới trường phải đi trên bờ kênh qua cánh đồng, từ điểm cao nhất của bờ kênh nhìn về làng, cảnh vật đẹp đến nao lòng, trông như một bức tranh thủy mặc, nhất là lúc hoàng hôn. Những nóc nhà ẩn hiện sau lũy tre làng, rặng dừa, bờ cau, phía cuối bức tranh là dãy núi mờ xa... Chiều nào đi học về tôi cũng dừng lại đó, ngắm nghía một tí mới chịu về nhà.

Một chiều, khi tôi đạp xe từ thị trấn về, bất ngờ thấy thầy Lơ đứng đó, tư lự nhìn về phía bức - tranh - của - tôi. Nghe tiếng xe, thầy quay lại, gặp tôi thầy cười, nụ cười rất tươi, rất đẹp và duy nhất mà tôi thấy. Vốn nhút nhát, tôi lúng túng cười đáp lễ rồi vội vã nhấn bàn đạp.

Sau lần đó, mỗi khi gặp nhau trên sân trường, ánh mắt thầy nhìn tôi như tươi hơn, cởi mở hơn, tôi cảm nhận mình và thầy có sự đồng cảm, và điều ấy khiến tôi thấy ấm áp, vui vẻ - niềm vui duy nhất của tôi ở ngôi trường ấy. Từ đó, tôi bắt đầu yêu thích môn học của thầy và quyết tâm theo đuổi nó.

Tốt nghiệp trung học, hầu hết bạn bè trong lớp thi vào các trường kỹ thuật, kinh tế. Duy nhất tôi thi ngành khoa học xã hội và tôi đỗ. Hiện tôi đang công tác ở một cơ quan truyền thông, vững vàng với nghề.

Đã xa trường gần 20 năm. Mỗi khi nghe ai đó kể về những kỷ niệm với thầy cô thời trung học, tôi luôn thấy mình lạc lõng và thèm. Tôi tự trách mình, giá như ngày xưa mình không suy nghĩ lệch lạc, không bị hoàn cảnh tác động thì có lẽ thời trung học của mình sẽ khác đi.

Nhưng dù sao tôi vẫn còn may mắn khi có được chút kỷ niệm với thầy - những kỷ niệm, tình cảm mà tôi chưa bao giờ chia sẻ cùng ai. Tôi tự hỏi nếu trong hoàn cảnh ngày ấy, trong ngôi trường, lớp học ấy, nếu không có thầy, không có sợi chỉ tình cảm dù mong manh bằng cảm nhận sâu kín của mình thì liệu tôi có vượt qua được và có được như ngày hôm nay?

Viết những dòng này tôi chỉ mong một lần được kể về kỷ niệm duy nhất thời học trò của mình đối với thầy cô và xin gửi lời cảm ơn thầy Lơ. Ở một nơi nào đó, nếu đọc được những dòng này và nhận ra em, xin thầy một lần nữa cười thật tươi như nụ cười thầy cười với em và mong thầy được nhiều sức khỏe.

Mời tham gia viết về "Người thầy đáng kính của tôi"

Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn trở thành động lực để ta vươn tới.

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết "Người thầy đáng kính của tôi" để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu.

Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của mình.

Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài. Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào. Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm và hoàn cảnh chụp.

Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012. Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.

TTO

HUỲNH THANH ĐÔNG(học sinh Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, huyện Đại Lộc, Quảng Nam khóa 1993-1995)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên