23/10/2012 10:36 GMT+7

Thầy ơi, con đã hiểu

NGUYỄN THỊ HIỂU (lớp 10cbc, khoa ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) 
NGUYỄN THỊ HIỂU (lớp 10cbc, khoa ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) 

TTO - Đã lâu lắm tôi chưa gặp lại thầy. Nhưng khuôn mặt ấy, dáng đi ấy và đặc biệt là những lời thầy giảng đã trở thành hành trang không thể thiếu trong hành trình cuộc sống mà tôi không thể quên.

Người tôi đang nói đến là thầy Nguyễn Văn Đạt - giáo viên dạy toán Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương, Nghệ An).

RgrrFVtN.jpgPhóng to

"Thầy Nguyễn Văn Đạt (áo đỏ) và tập thể lớp 12A1 hè cuối năm 2009. Hình này tôi chụp lại từ một hình gốc nên hơi mờ và có dòng chữ kỷ niệm. Đó cũng là tấm hình duy nhất tôi có về thầy" - Ảnh và chú thích ảnh do tác giả bài viết cung cấp

Ba năm phổ thông, tôi học chuyên ban D, thầy dạy chuyên ban A nên chỉ được học với thầy vào những buổi học thêm. Nhưng tôi biết thầy ngay trong những ngày đầu tiên bước vào lớp 10. Thầy là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là cánh chim đầu đàn của tổ toán, luôn dẫn đầu trong thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp toàn trường. Và hơn hết, hoàn cảnh gia đình thầy với những đứa con không may nhiễm chất độc da cam làm tôi xúc động vô cùng.

Trong những bài giảng của thầy, ngoài kiến thức chuẩn môn toán, chúng tôi còn được thầy dành ít phút tái hiện những tháng ngày đất nước đứng lên chống Mỹ cứu nước và thầy cũng là một chiến sĩ Trường Sơn năm xưa sống sót trở lại quê hương. Những câu chuyện kể, những tâm sự rất đời thường của chính bản thân thầy làm tôi có ý chí, có sức mạnh để vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Nhớ đến thầy, trong tôi là hình ảnh một ông giáo luôn đội mũ cối đứng bên dòng nước chảy xiết dắt từng chiếc xe đạp cho học sinh trong những ngày lụt lội, chờ cho đứa cuối cùng lên xe thầy mới yên tâm mang đôi dép rọ đã phai màu theo năm tháng tới trường. Chưa bao giờ tôi thấy thầy bận bộ quần áo đạo mạo mà nghề giáo cần phải thế để lên lớp. Thầy vẫn giản dị và mộc mạc như chính con người thầy vậy.

Tôi nhớ nhất là ngày biết tin mình rớt đại học, niềm tin và hoài bão trong tôi tưởng chừng vụt tắt. Tôi ngồi trên hành lang tầng hai của trường cả tiếng đồng hồ chỉ để khóc. Sân trường mùa hè vắng lặng đến đáng sợ, tôi như con chim non bay ngược chiều gió chao đảo và sắp rơi. Tôi chỉ biết khóc, tiếc công 12 năm đèn sách đã đổ sông đổ biển và trách bản thân.

Tôi không dám về nhà, không dám đối diện với bất kỳ ai vì xấu hổ. Bao nhiêu suy nghĩ dại dột thoáng qua trong đầu. Vừa đúng lúc thầy lên trường đi dạo, thấy tôi, thầy nhẹ nhàng đến bên hỏi han, động viên. Thầy khuyên tôi ôn thi lại thêm một năm nữa. Rồi thầy hướng mắt về phía đường chạy của sân thể dục ôn tồn: “Con biết không, trên đường chạy đó, nếu chỉ vì vấp ngã mà bỏ cuộc thì sẽ chẳng bao giờ về tới đích. Nhưng nếu biết đứng lên ngay chính nơi ngã thì đôi chân ấy sẽ đưa con đến bất kỳ đâu con muốn”. Sau đó, thầy gửi tôi vào lớp luyện thi gần nhà để có điều kiện học hành và giúp đỡ bố mẹ.

Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển với số điểm khá cao, tôi cố chạy thật nhanh về khoe thầy. Thầy xoa đầu tôi khen: “Được”. Tôi vặn vẹo sao thầy chưa bao giờ khen ai giỏi mà luôn ở mức “được”. Thầy nhoẻn miệng hiền lành: “Thầy muốn con sẽ luôn cố gắng. Thầy sợ các con lại thỏa mãn với những thành công ban đầu”.

Thầy ơi! Con đã đã hiểu. Giờ đây đã là sinh viên đại học năm thứ ba, con biết được thêm những điều mới mẻ và đầy bất ngờ của cuộc sống. Con hiểu rằng đường con đi không trải hoa hồng mà đầy những thử thách. Con sẽ tự mình đứng lên và đi tiếp như ngày xưa thầy đã đỡ con dậy.

Ở nơi xa ấy, nếu thầy đọc được những dòng tâm sự này, con tin rằng thầy vẫn mỉm cười khen “Được!”. Từ sâu thẳm trong trái tim, con vẫn luôn nguyện cầu thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Mời tham gia viết về Người thầy đáng kính của tôi

Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới.

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết Người thầy đáng kính của tôi để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu.

Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn.

Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài.

Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào.

Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chụp. File ảnh vui lòng gửi riêng (không dán vào file bài viết).

Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012.

Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.

Các bài viết đã đăng:

Người lái đò "cộc tính"Vị "khô mộc đại sư" kính yêu của tôiNụ cười của thầy tiếp thêm nghị lực cho tôi"Lạnh lùng kế" của cô chủ nhiệm"Má Hương" của A10Thầy tôiCảm ơn điểm 0 cô dành cho em

NGUYỄN THỊ HIỂU (lớp 10cbc, khoa ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên