11/10/2012 16:17 GMT+7

"Lạnh lùng kế" của cô chủ nhiệm

LÊ THỊ KIM LOAN (Trung tâm Văn hóa Quận 7, TP.HCM)
LÊ THỊ KIM LOAN (Trung tâm Văn hóa Quận 7, TP.HCM)

TTO - Năm lớp 10 tôi thi đậu vào Trường THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM) với số điểm gần tuyệt đối. Dù học lớp chọn và có điểm khởi đầu oanh liệt vậy, tôi vẫn không thôi lo ngại và ghét môn lý - môn tôi cực dốt. Từ đó, tôi ghét lây cô chủ nhiệm - người dạy môn này.

Thương tặng cô Nguyễn Thị Tường Vân, Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM

Q5AAUYXA.jpgPhóng to

"Đây là bức ảnh lớp A3 của tôi chụp trong lễ tổng kết năm học 2003. Cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Tường Vân là người mặc áo xanh, đứng giữa các bạn nữ. Đây là bức ảnh duy nhất về cô mà tôi có và giữ chín năm nay trong cuốn lưu bút. Vào thời điểm đó, cả lớp chỉ một bạn có máy chụp ảnh dùng phim" - Ảnh và chú thích ảnh do tác giả bài viết cung cấp

Từ lâu, tôi đã nghe các bạn kháo nhau rằng cô Tường Vân rất khó tính nên tôi có chút lo và ác cảm với cô. Quả thật, cô rất khắt khe, nhất là với những học sinh không thuộc bài hay làm bài không đầy đủ. Điểm các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết hay học kỳ môn lý của tôi bao giờ cũng thật tệ, cao nhất chỉ được 5 điểm. Điểm trung bình môn lý cũng vì thế mà rất... kinh khủng. Phần bị “choáng” trước cách chấm điểm khắt khe của cô, phần vì sẵn ghét môn lý nên tôi quyết định buông xuôi. Hễ đến giờ lý là tâm hồn tôi “treo ngược cành cây".

Học kỳ 1, tôi gần như tuột dốc không phanh ở môn lý. Ỷ vào sự kéo đỡ của điểm những môn khác nhưng tôi đã sai lầm. Điểm môn lý thấp lè tè khiến tôi được xếp loại trung bình và có nguy cơ bị chuyển khỏi lớp chọn.

Đúng vào giai đoạn đó, tôi cảm nhận được sự lạnh nhạt từ cô. Cô dường như không màng đến tôi, không gọi tôi trả bài, không gọi làm bài tập, bỏ mặc tôi với những ray rứt bắt đầu len lỏi. Càng giận bản thân mình vì thành tích học tập thê thảm nên vốn đã ít nói, tôi càng trầm lắng hơn. Tôi chú tâm quan sát cô nhiều hơn nhưng hình như cô không hề để ý đến tôi, cứ như thể tôi không tồn tại trong lớp vậy.

Tôi đâm chán nản và ghét cô. Và vì ghét cô nên... tôi cố gắng học môn lý. Tôi học từ lý thuyết, tự xem bài trước, chỗ nào không hiểu thì tự mày mò. Mày mò không ra, tôi tìm tới nhỏ bạn giỏi lý của lớp để nhờ giúp đỡ. Kể từ đó, điểm bài kiểm tra môn lý của tôi được cải thiện. Cuối năm lớp 11 tôi là học sinh đứng đầu lớp.

Ngày phát sổ học bạ, cô đến gần tôi nhoẻn miệng cười, đôi mắt cô rơm rớm: “Em đã thật sự không làm cô thất vọng!”. Tôi nhìn cô, gương mặt ấy, tiếng nói ấy sao ấm ấm áp lạ lùng. Đó là điều từ lâu tôi hằng ao ước. Bất giác, tôi thấy mắt mình cay cay. Đó cũng là năm cô tiễn tôi đi thi học sinh giỏi cấp thành phố và căn dặn: “Cố gắng nha em!”.

Ngày họp lớp đầu tiên sau nhiều năm xa cách, cô giáo chủ nhiệm cũng là cô giáo dạy lý năm xưa nay tóc đã lấm tấm bạc, đôi mắt ân cần nhìn từng đứa học trò rồi hỏi thăm chuyện học, chuyện việc làm, chuyện xây dựng gia đình... Đến lượt tôi, cô hỏi: “Ngày xưa chắc Loan ghét cô lắm?”. Tôi nhìn cô mà nước mắt lưng tròng. Cả nhóm im phăng phắc. Hai cô trò chúng tôi giàn giụa nước mắt nhớ lại từng kỳ niệm năm nào. Rồi cô bật mí: “Khi em gặp khó khăn với môn lý, cô đã nghĩ thật nhiều để tìm ra giải pháp “chữa trị” riêng cho em! Em là học trò có cá tính rất đặc biệt mà lần đầu tiên cô gặp”.

Cô kính yêu, cảm ơn sự "lạnh lùng" xuất phát từ yêu thương của cô đã giúp em vượt qua những giới hạn của chính mình.

Mời tham gia viết về "Người thầy đáng kính của tôi"

Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới.

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết "Người thầy đáng kính của tôi" để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu.

Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn.

Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài. Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào. Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm và hoàn cảnh chụp.

Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012. Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.

LÊ THỊ KIM LOAN (Trung tâm Văn hóa Quận 7, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên