14/10/2012 11:48 GMT+7

Người lái đò "cộc tính"

ĐINH THÚY QUỲNH
ĐINH THÚY QUỲNH

TTO - Lần tôi ngẫm nghĩ tới người thầy sâu sắc nhất ấy là trên một chuyến xe buýt muộn sau buổi học thêm Anh văn. Tiết học đó, giáo viên có hỏi đến cách dùng “forget to V” và phân biệt với “forget V-ing”.

r9Sk0NQY.jpgPhóng to
"Chộp lén" thầy Huỳnh Duy Đức - giáo viên Anh văn Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân trong giờ ra chơi (Thủ Đức, TP.HCM năm 2009)

Kể ra cũng không khó là mấy, nhưng cả lớp chỉ có mình tôi trả lời trọn vẹn. Thế là, con bé tôi được dịp nghếch mũi cười hả hê vì được khen. Trên chuyến xe ra về, lòng con bé chợt quắt quay với những hoài niệm xưa cũ, về người đã xây cho nó những nền móng vững chắc, để từ đó có thể đưa tầm kiến thức của mình lên những độ cao hơn, bao la hơn.

Ai đó ví người thầy là người lái đò, tôi ví thầy tôi là người lái đò cộc tính.

Các bài viết đã đăng:

Vị "khô mộc đại sư" kính yêu của tôiNụ cười của thầy tiếp thêm nghị lực cho tôi"Lạnh lùng kế" của cô chủ nhiệm

Buổi đầu thầy nhận lớp vác theo bộ mặt quạu đeo, đôi mắt gườm gườm, nói chuyện dằn mạnh từng câu làm tim học trò muốn rớt. Vô lớp, thầy chú trọng nhất phần ngữ pháp khô khan, thầy bảo đó là “cái nền”, mai mốt thi gặp gì cũng không sợ. Suốt 2 năm chủ nhiệm, sinh hoạt chủ nhiệm lèo tèo vài buổi, còn lại thầy "chiếm" hết thời gian cho Anh văn, bọn tôi chẳng dám một lời kêu ca.

Ngữ pháp như rơm khô, dân ban D bọn tôi lại ham những gì lãng mạn bay bổng, ham thả hồn theo mây gió bướm trăng, tới tiết Anh văn chỉ biết lấy tay phải che miệng ngáp, tay trái che mắt lờ đờ. Đến giờ nhắc lại bọn tôi vẫn cười nghiêng ngả, nhớ những lần bị gọi trả lời mà cái mặt còn ngơ ngơ chưa tỉnh, vậy là bị thầy quát “học hành gì mà đơ đơ”. Thầy “đơ đơ”, thầy “cái nền”- những biệt danh chúng tôi đặt cho thầy Đức - giáo viên Anh văn Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân tự thuở nào.

Chưa bao giờ tôi thấy thầy khoác lên người chiếc áo đạo mạo mà nghề giáo đòi phải thế. Thầy tôi bộc trực và chân tình, thầy vụng về che đậy bằng vẻ ngoài khô khan, cộc tính. Điều đó mãi sau này tôi và lũ bạn mới ngẫm ra, chứ còn lúc ấy, trẻ người và ham bay cao, chạy xa, có khi nào bọn tôi chịu dừng chân mà ngẫm nghĩ.

Chúng tôi không hề thắc mắc có ông thầy nào khác trên đời, đứng trước lớp vén môi chỉ chỗ khuyết trên hàm răng, rồi hăm he: “Các con mà không học hành đàng hoàng, coi tấm gương thầy bị ba đánh gãy răng mà sợ nghen”, chỉ thấy buồn cười.

Chẳng có mấy ai cảm nhận được hết cái ơn nặng tày non của người thầy thân hình to lớn, lóc cóc đi theo giáo viên môn công nghệ, xin nhẹ tay hơn chút với hai đứa học trò lỡ quay bài, đặng cho chúng còn cơ hội mà thi đại học.

Và cả tôi nữa, ngây ngô làm sao, khi thầy một mực thuyết phục tôi vô lớp Anh văn bồi dưỡng của thầy, mà tôi cho là chán ngắt, để ôn thi đại học, thậm chí sẵn sàng miễn phí vì thầy biết gia cảnh tôi khó khăn, chẳng thể lường hết những quan tâm chân tình đến hoàn cảnh, sức học của tôi - một đứa học trò chẳng gì nổi bật và nhiều đứa học trò rất - đỗi- bình - thường khác nữa.

Người lái đò chở ta qua sông sâu, người im lìm chẳng đưa đẩy một câu, ta trách người kém duyên, tiếc với ta chi một lời nói, nụ cười. Ta có biết đâu nỗi vất vả của người trước sông sâu, sóng dữ, con đò mỏng tênh, còn thân ta lại mong manh như sương khói…

Rồi cũng tới lúc tôi nhận ra triết lý một đời làm thầy của thầy: hãy cứ tận tụy cống hiến, mục tiêu là cung cấp một nền tảng kiến thức vững chắc cho học sinh, chẳng cần quan tâm có được đền đáp hay không. Lúc đó, tôi càng yêu thương và biết ơn thầy, nhưng trên hết là buồn vô hạn.

Gặp chúng bạn, dường như chúng cũng cùng tâm trạng, thủ thỉ với nhau “Cái gì quên được thì quên, nhưng “nhai” mãi món “cái nền” nên giờ muốn quên cũng không được, nhớ thầy quá mày ơi”. Buồn, vì trách mình đã chẳng nhận ra điều đó sớm hơn. Buồn, vì biết những lớp trẻ sau này ít nhiều cũng sẽ như mình, cũng vô tâm, ngây ngô như thế, cũng sẽ bày đủ trò nghịch tinh để quấy quá ông thầy quạu quọ.

Tôi chắc thầy chẳng để tâm đâu, nhưng vẫn sợ một ngày, có trò quái ác nào đó làm trái tim người thầy tổn thương thật sự. Lại ước rằng, giá như thầy chịu diễn xuất đôi chút với cuộc đời…

Mời tham gia viết về "Người thầy đáng kính của tôi"

Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới.

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết "Người thầy đáng kính của tôi" để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu.

Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn.

Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài.

Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào.

Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm và hoàn cảnh chụp.

Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012.

Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.

ĐINH THÚY QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên