Thương gửi cô Lý Anh Nguyệt - giáo viên Trường THPT Đốc Binh Kiều, Cai Lậy, Tiền Giang
Trong hành trình tìm kiếm tri thức, tôi nhận được không ít sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần của nhiều thầy cô. Người tôi luôn cảm thấy gần gũi, thân thương và rất đỗi tự hào mỗi khi nhắc đến là cô Lý Anh Nguyệt - giáo viên Pháp văn Trường THPT Đốc Binh Kiều (Cai Lậy, Tiền Giang).
Phóng to |
Cô dạy tôi từ lớp 10 đến lớp 12 và chỉ chủ nhiệm năm lớp 12. Lớp tôi thay đổi giáo viên chủ nhiệm hằng năm, nhưng lạ ở chỗ nếu hỏi các bạn trong lớp: "Cô Nguyệt chủ nhiệm mình lớp mấy?” thì các bạn của tôi sẽ trả lời: "Cô chủ nhiệm mình suốt ba năm phổ thông mà!”.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn lại mồ côi cha từ rất sớm nên tôi luôn tự ti, mặc cảm và co người lại ngay cả khi là học sinh được tuyển thẳng vào trường cấp III, được khen là “vượt khó học tốt”. Mỗi lần họp phụ huynh, nhìn ba mẹ các bạn dự họp, hỏi thăm cô giáo tình hình học tập của con mình mà tôi chạnh lòng. Cha mất sớm, mẹ tôi phải bươn chải kiếm cái ăn cho các con, thời gian đâu để dự họp?
Cô giáo của tôi đã âm thầm tìm hiểu hoàn cảnh và giúp đỡ từng học sinh của cô, trong số đó có lẽ người cô quan tâm nhiều nhất là tôi. Ngoài giờ học trên lớp, cô còn dạy bổ sung kiến thức cho các bạn chậm bắt kịp nội dung và luyện nhóm tham dự đội tuyển học sinh giỏi, trong đó có tôi. Cô làm việc không ngừng nghỉ, tôi cảm giác như cô không bao giờ biết mệt mỏi. Cô còn gửi sữa cho tôi, lo tôi không đủ sức học tốt, thi tốt vì khi ấy trông tôi rất ốm yếu. Cô tìm đến tận nhà để gặp mẹ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình tôi.
Nhớ ngày đó tôi học thêm môn toán, đến ngày đóng tiền, thầy bảo: "Cô Nguyệt có nói với thầy về em. Em cứ học tốt đi!”. Và thầy đã không nhận học phí.
Lúc nào cô cũng bảo với các học trò của mình: "Có gì khó khăn thì cứ nói với cô”. Nhưng hình như cô đều dõi mắt quan tâm đến từng đứa học trò của mình. Cái cảm giác trường như nhà, cô giáo như mẹ hiền, như người bạn ngự trị trong chúng tôi, để mỗi khi nghĩ về trường, về cô sao gần gũi lạ.
Năm tôi vào đại học, cô chỉ nói một câu: "Cố gắng học tốt để mẹ em tự hào về em nhé!”. Năm sau, em gái tôi cũng được cô chủ nhiệm. Ngày nhận giấy báo em được tuyển thẳng vào Đại học Nông lâm TP.HCM, mẹ tôi đã nhiều đêm thức trắng vì không biết mượn vay ai đủ số tiền đóng học phí cho con mình. Cô đã đến và đặt lên tay mẹ số tiền 2 triệu đồng để đóng học phí cho con trong học kỳ đầu và đề nghị giúp đỡ đến khi em tôi ra trường. Số tiền không nhỏ đối với gia đình tôi và cũng không nhỏ đối với khoản lương giáo viên của cô thời đó.
Vậy đó, tôi cứ nhận được sự quan tâm từ cô. Từng năm trôi qua, từng lứa học trò ra trường, công tác trên mọi miền đất nước và đến khi lập gia đình cô đều dự đám cưới từng đứa không ngại gió mưa, công việc và sức khỏe.
Giờ ngồi viết những dòng này, tôi ước gì được cô trách một lần: "Sao lâu quá không về thăm cô?”. Để giữa những bộn bề lo toan, tôi nhận ra sớm hơn mình tệ quá! Hoặc để tôi giật mình nhìn lại chính mình và thấy mình thiếu một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng - một lời tri ân chân thành nhất đối với người đã hạnh phúc khi mình thành công, chìa tay ra khi mình chới với.
Cô ơi! Con cảm ơn cuộc sống này đã cho con được gặp cô - người mẹ thứ hai của con. Ngàn lần cảm ơn cô. Không chỉ riêng con mà các thế hệ sau này đều rất cần cô, cần những người thầy, người cô tận tụy với nghề, tận tâm với học trò. Cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là tấm gương sáng về cách sống là để cho đi - để chúng con noi theo và tiếp bước.
Mời tham gia viết về Người thầy đáng kính của tôi Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới. Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết Người thầy đáng kính của tôi để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu. Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn. Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài. Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào. Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chụp. File ảnh vui lòng gửi riêng (không dán vào file bài viết). Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012. Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận