17/08/2015 11:20 GMT+7

Người nối biển với bờ

TRẦN MAI - TẤN VŨ
TRẦN MAI - TẤN VŨ

TT - Người trực đài Icom Gành Cả, ông Nguyễn Thanh Nam (52 tuổi), bảo mình là “cựu ngư dân” vẫn ra khơi theo cách riêng của mình.

Ông Nam chỉnh đài Icom, chuẩn bị nối biển với bờ -  Ảnh: T.Mai
Ông Nam chỉnh đài Icom, chuẩn bị nối biển với bờ - Ảnh: T.Mai

19 năm không trở lại Hoàng Sa nhưng ông vẫn là người dẫn lối chỉ đường cho ngư dân vượt qua dông tố. Mỗi khi bị tàu Trung Quốc tấn công, ngư dân lại gọi qua máy Icom về cho ông báo tin. 

Người trực tổng đài Hoàng Sa

19g ông bật máy Icom đặt tại nhà mình, theo đúng lịch hẹn với ngư dân đang đánh bắt ngoài Hoàng Sa. Đây là giờ “lên sóng” của ông, tiếng sóng âm rè rè, ông Nam nói lớn: “Alô alô, anh em Hoàng Sa có tin gì không?”, đáp lại là tiếng của nhiều tàu cá chen nhau.

Tần số chung 8294 quá đông ngư dân điện về. Sau khi lược qua thông tin ở Hoàng Sa mà ngư dân báo về, ông Nam đề nghị ngư dân chuyển qua tần số riêng để dễ bề nói chuyện.

Đó là những ngày sóng yên biển lặng, ngư dân không gặp nhân tai, thiên tai gì. Còn những ngày sóng cả “rền vang” ông Nam phải trực 24/24 giờ, liên tục bật máy để nhanh chóng tiếp cận thông tin của ngư dân báo về từ Hoàng Sa.

13g ngày 21-7, tàu cá QNg 90190 gọi Icom về thông báo giọng hớt hải: “Tàu bị tàu Trung Quốc cướp sạch tài sản rồi”.

Nhiều ngư dân khác cũng chen vào khiến cuộc nói chuyện trở nên “lộn xộn”, ông Nam yêu cầu: “Một người nói thôi, báo lại tình hình đi, việc hệ trọng không thể chen nhau nói được”. Ông Nam phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần, phía bên kia đầu dây mới ổn định và báo rõ tình hình.

Thuyền trưởng Thơ thông báo: “Lúc 12g ngày 21-7 tại tọa độ 16’38 độ vĩ Bắc, 111’40 độ kinh Đông, tàu tôi bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 37103 tấn công, rồi lên tàu khống chế, ép ngư dân về phía mũi tàu cướp đi toàn bộ hải sản đánh bắt được, toàn bộ máy móc đã bị cướp sạch, hiện tại tàu đang gấp rút về đất liền”.

Ông Nam lắc đầu nhìn về phía chúng tôi nói: “Lại bị tàu Trung Quốc cướp nữa rồi”. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, ông Nam trấn an các ngư dân bình tĩnh chạy về đất liền.

Ông nhanh chóng làm một báo cáo nhanh gửi lên Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, đồng thời điện thoại báo cáo lên Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi và trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ nắm tình hình. Những thông tin ngư dân ở Hoàng Sa không ai ở đất liền biết nhanh hơn ông Nam.

Ở Quảng Ngãi, người ta bảo ông Nam nổi tiếng bởi không đi biển nhưng nắm bắt được tất cả thông tin, ông bảo thấy họ nói cũng đúng bởi đôi chân ông tàn phế, chỉ có tiếng nói vẫn còn to và vang lắm nên đành an phận “nổi tiếng”.

Bị tai nạn trong một lần lặn biển khi ở tuổi 33, gần 20 năm không trở lại biển khơi, nỗi nhớ biển cồn cào trong ông.

Ông tâm sự: “Nhiều khi tôi ước chỉ cần khỏe mạnh lại là sẽ ra ngay Hoàng Sa, trở lại các tọa độ đánh bắt, lên các đảo lấy trứng chim hay đào rễ cây nhàu về ngâm rượu như trước khi bị tai nạn rồi chết cũng cam lòng. Nghe anh em ở Hoàng Sa báo tin bị Trung Quốc cướp phá tài sản hay có gió bão là nhớ Hoàng Sa không chịu được”.

Có lẽ vì tình yêu dành cho Hoàng Sa quá lớn mà ông gắn đời mình với nghề “vác tù và hàng tổng” trực đài Icom cộng đồng không lương.

Cái cơ duyên “trời chọn người” đến với ông khi chiếc đài Icom của xóm Gành Cả có người trực mà cũng như không, khi người trực đài không theo sát nhiều thông tin quan trọng ở Hoàng Sa để kịp thời báo cáo lên trên.

Bực quá, ông lên cầm máy liên lạc với Hoàng Sa, rồi từ đó được ngư dân tín nhiệm cho giữ đài thông tin này. Đó là vào năm 2009.

Trong nghề mới “trực Icom”, ông nhớ nhất là bão Conson đổ bộ vào Biển Đông tháng 7-2010, nhiều ngày liền ông ở trên đài Icom nghe ngóng thông tin, gia đình phải mang cơm nước cho ông.

“Vì đài báo không rõ hướng đi của bão nên hàng chục con tàu của ngư dân nằm trọn trong tâm bão, khi biết thông tin, làng chài kéo hết về đài Icom Gành Cả chờ tin. Những người vợ, người mẹ không liên lạc được với chồng con gào khóc. Hết trận bão ấy, sáu ngư dân ở Gành Cả mãi mãi không trở về”.

Rồi ông Nam tiếp lời: “ Trong tâm bão Conson cũng có con trai cả của tôi là Nguyễn Thành Linh. Nhưng thú thật lúc đó tôi không chỉ nghĩ đến con mà còn lo nghĩ cho hàng chục tàu cá của xóm đang biệt vô âm tín”.

Làm trên đài Icom cộng đồng Gành Cả được ba năm, ông Nam được cất nhắc lên làm thư ký Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu. Đang “thăng tiến” ông Nam xin “từ chức”, chuyển về nhà vay 30 triệu đồng tự trang bị một máy Icom để tiện liên lạc với các tàu ở Hoàng Sa.

Thậm chí ông còn liên lạc với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn miền Nam để nắm trước thông tin dự báo bão gió, áp thấp.

Ông Nam (trái) nối máy Icom cho chủ tàu Nguyễn Văn Quang nói chuyện với tàu QNg 90205 (hai lần bị cướp tài sản) - Ảnh: T.Mai
Ông Nam (trái) nối máy Icom cho chủ tàu Nguyễn Văn Quang nói chuyện với tàu QNg 90205 (hai lần bị cướp tài sản) - Ảnh: T.Mai

Đi Hoàng Sa theo cách của mình

Trở lại với 19 năm về trước, ông không phải thế hệ đầu tiên của ngư dân Gành Cả trực chỉ tàu ra Hoàng Sa đánh bắt, nhưng trước lúc gặp nạn ai cũng phải nể phục vì “độ lì” bám đảo của ông.

Phiên biển cuối cùng trước khi ông giã từ Hoàng Sa là một đêm sóng êm, dù là thuyền trưởng nhưng ông vẫn tham gia lặn bắt hải sản, trong lúc đang chinh phục độ sâu 40m ông có cảm giác mệt, khi lên tới mặt nước ông đã bị tê liệt.

Một năm chạy chữa ở Quảng Ngãi nhưng đôi chân vẫn không lành lặn. Thời bấy giờ ở TP.HCM mới thành lập Trung tâm Oxy cao áp, gia đình lại đưa ông vào chạy chữa nhưng mọi tác động của y khoa đều vô hiệu, đôi chân ông khập khễnh.

Từ bỏ biển khơi, ông bó gối ở nhà, nhiều hôm bước thấp bước cao ra gành biển trước xóm nhìn những ngư dân mang đồ lặn chèo thúng đi đánh bắt gần bờ, ông lại ước gì mình có thể lành lặn để quẫy đạp trùng khơi.

Rồi ông Nam chọn cho mình cách đi Hoàng Sa bằng việc bỏ vốn đóng tàu, sau đó cho anh em trong gia đình không có điều kiện cầm lái đi Hoàng Sa, ba người con trai lớn lên ông cũng đóng thêm một con tàu nữa với mong muốn con sẽ thay mình ra Hoàng Sa.

Nguyện vọng đó của ông đã được đáp đền, hai tàu cá có tổng công suất 1.500CV của ông vẫn đang ngày đêm ở Hoàng Sa.

“Với tôi thế là hạnh phúc rồi, ngày nào gọi Icom ra ngoải nghe hai chiếc tàu của gia đình cùng với các tàu cá khác vẫn đang hoạt động tốt là lòng vui lắm” - ông Nam tâm sự.

Như bao thế hệ người dân Gành Cả dù trong hoàn cảnh nào cũng muốn đóng góp một phần trách nhiệm của mình cho Hoàng Sa, ông Nam làm luôn việc viết đơn trình bày, làm việc với bảo hiểm mỗi khi có tàu cá gặp nạn ở Hoàng Sa.

Trong những ngày tàu Trung Quốc liên tục quấy phá, tàu ngư dân bị cướp tài sản, va chạm hư hỏng máy móc rất nhiều, ông Nam ngày nào cũng lên xã, huyện, tỉnh để chứng đơn cho người dân Gành Cả rồi gửi lên các cấp chính quyền xin nguồn hỗ trợ cũng như bảo hiểm đền bù sớm cho ngư dân có tiền sắm sửa tàu thuyền ra khơi.

Rồi chuyện cải hoán, đóng mới, đăng kiểm, gia hạn tàu thuyền dân xóm Gành Cả lại tìm đến ông Nam nhờ trợ giúp. Ông Nam cười khà khà nói: “Xẹo xẹo chứ trời phú cho cái miệng ăn nói cũng ngon nên đi đâu cũng xong việc”.

Ông Phùng Đình Toàn - phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiêm phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi - cho biết ông Nam là người rất tâm huyết với ngư dân, dù đi lại khó khăn nhưng vẫn luôn theo dõi sát tình hình của ngư dân đánh bắt ngoài Hoàng Sa, những thông tin ông Nam cung cấp luôn có độ chính xác cao.

Còn ngư dân Nguyễn Thành Biên cho biết: “Có chú Nam trực đài anh em đánh bắt ở Hoàng Sa rất an tâm”.

Giờ trong chồng sổ cũ mèm xỉn màu của "ông Icom" là đầy đủ những thông tin báo về mỗi ngày từ khơi xa. Ông Nam bảo đó là nhật ký Hoàng Sa.

-----------

Xem toàn hộ hồ sơ "Gành Cả, xóm biển Hoàng Sa"

>> Kỳ 1: Nơi trai làng luôn “trực” ở Hoàng Sa

>> Kỳ 2: Sinh ra để lặn đêm

>> Kỳ 3: Chạm trán ở Hoàng Sa

>> Kỳ 4: Cái chết không do bão tố

TRẦN MAI - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên