16/08/2015 11:47 GMT+7

Gành Cả, xóm biển Hoàng Sa - Kỳ 4: Cái chết không do bão tố

TRẦN MAI - TẤN VŨ
TRẦN MAI - TẤN VŨ

TT - Không phải đến những năm gần đây tàu Trung Quốc mới tấn công ngư dân trên Biển Đông. Trong ký ức của xóm Gành Cả có một ngư dân tên Phạm Huy từng bị tàu Trung Quốc bắn chết năm 1996.

Người dân Gành Cả tập trung tại bến khi nghe có tàu bị tấn công - Ảnh: Trần Mai

 Câu chuyện vẫn còn được nhắc lại như một trang đời buồn mà can trường của ngư dân nơi đây.

Ngày 12-3-1996 giữa Hoàng Sa

Nhiều ngư dân trong chuyến biển năm đó vẫn không thể nào quên được nỗi đau đớn giữa biển khơi ngày hôm ấy.

Ngư dân Nguyễn Văn Tiến (52 tuổi), thuyền trưởng chiếc tàu cá 33CV ngày đó khởi hành ra Hoàng Sa, vẫn nhớ như in trong óc mình hình ảnh một lính Trung Quốc cầm súng bóp cò đoạt đi mạng sống của ngư dân Huy.

Ông Tiến kể: tháng 3-1996, ba tàu cá máy 2 (33CV) của ông và hai ngư dân Ngô Văn Dũng, Nguyễn Cư tạo thành một đội tàu ra Hoàng Sa đánh bắt. Thời đó tàu nhỏ đêm bám đảo hành nghề lặn, ban ngày cho tàu neo lại rạn san hô các đảo ngủ.

Hôm đó là ngày 12-3, ba chiếc tàu đang đánh bắt ở vùng biển thuộc đảo Cây chừng 2 hải lý, cách đảo Phú Lâm chừng 20 hải lý.

Vào năm 1996 đảo Cây không có người ở, ba chiếc tàu cá nhỏ bé của ngư dân Gành Cả đang ngủ thì bất ngờ một canô của Trung Quốc chở theo một toán lính kéo lên tàu ông Nguyễn Cư, trong đó có một tên lính cầm súng liên tục chĩa về phía các ngư dân. Sau khi dồn ngư dân về phía mũi tàu lấy đi hết hải sản, tên lính này hò hét, dọa nạt rồi bất ngờ cướp cò, tiếng nổ chát chúa vang lên.

“Lúc nghe tiếng nổ tôi nghĩ họ bắn chỉ thiên, mãi cho đến khi Huy gục xuống và các ngư dân khóc thét trong hoảng loạn...”, ông Tiến kể.

Ngư dân Trương Văn Đức, vừa mới bị Trung Quốc đâm chìm tàu tối 9-7 ở Hoàng Sa, chính là người phát hiện ngư dân Huy bị bắn chết.

Lục lại ký ức của mình, ông Đức kể: “Lúc thấy toán lính có súng ai cũng sợ, khi bị dồn về phía mũi tàu, tôi ngồi sau lưng Huy. Vì quá sợ mà tôi ôm chầm lấy Huy, khi nghe tiếng nổ tôi vẫn cúi mặt xuống sàn tàu. Tôi cũng như anh Tiến không nghĩ là Huy bị bắn chết, cho đến khi máu chảy thấm xuống áo, tôi hốt hoảng thả Huy ra thì Huy ngã gục, lúc này tôi chỉ biết khóc”. Khi thấy các ngư dân khóc thét, toán lính Trung Quốc vội xuống canô bỏ đi.

Vùng biển Hoàng Sa hôm đó như dậy sóng, thông tin anh Huy chết lan truyền nhanh chóng qua máy đàm. Những chiếc tàu của ngư dân Gành Cả vội kéo neo chạy về đất liền. Trong hải trình trở về hôm đó, không khí tang thương bao trùm lấy những con tàu trập trùng trên sóng biển.

Thời đó, việc lính Trung Quốc dùng súng bắn xối xả lên trời, cướp tài sản rồi đuổi tàu ngư dân Việt Nam trở về vẫn thường xuyên xảy ra nhưng bắn chết ngư dân đó là lần đầu tiên.

Lúc anh Huy chết, vợ anh là chị Trương Thị Nhị đang có bầu ba tháng. Nhìn thi thể anh trên sàn tàu, các ngư dân chết lặng.

Hai ngày lênh đênh trên sóng, các ngư dân cũng đưa thi thể anh Huy về đến đất liền. Cảng Sa Kỳ ngày 14-3-1996 bao trùm tiếng khóc của những người dân ở xóm biển Gành Cả dù không máu mủ ruột rà.

Ngày đó cả làng chung tay lo đám tang cho ngư dân Huy. “Đám tang đó có tất cả những người trong làng, chỉ duy nhất thiếu một người là chị Nhị. Vì đang có thai, không chịu nổi cú sốc mất chồng, chị đã ngất lịm đi từ khi hay tin” - lão ngư Phạm Luận (75 tuổi) nhớ lại.

Vợ góa con côi

Từ nhà ngư dân Tiến đi về hướng đầu xóm chừng 300m, căn nhà của chị Trương Thị Nhị (40 tuổi, vợ ngư dân Huy) nằm ngay con đường cắt ngang xóm Gành Cả.

Đã 19 năm trôi qua, nỗi đau của người phụ nữ góa chồng khi vừa 21 xuân xanh vẫn ập về dồn dập như sóng biển rì rào vỗ vào bờ cát trắng ngay phía sau nhà.

Những người phụ nữ mất chồng vì biển cả ở xóm Gành Cả giống nhau ở điểm họ an phận sau khi chồng mất, cả đời còn lại họ sống vì con. Chị Nhị cũng thế, nhưng nỗi đau của chị là mất chồng vì họng súng Trung Quốc ở Hoàng Sa chứ không phải vì bão tố trùng khơi.

Nhìn hai đứa con trai của mình, chị Nhị đôi mắt ngấn nước nghẹn ngào kể: “Tối 14-3-1996, mấy ngư dân đi cùng phiên biển với chồng tôi đến nhà, tôi cứ nghĩ là vừa đánh bắt trúng lớn trở về nên đến nhà báo tin cho biết, nào ngờ họ nhìn tôi rồi khóc báo tin anh Huy chết. Lúc đó tôi ngã quỵ đến cả ngày chôn cất cũng không kịp đi bỏ cho anh nắm đất...”.

Những ngày dài đau đớn sau khi mất chồng, chị Nhị nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết nhưng nhìn xuống bụng mình chị dặn lòng phải cố gắng. Ngày con ra đời không chỉ một mà đến hai người con, chị hạnh phúc vì còn giữ lại giọt máu của chồng, nhưng gánh nặng lại thêm chồng chất.

Từ ngày có con, chị quần quật làm đủ thứ việc để chăm con. Cứ 3g sáng người dân xóm Gành Cả lại nghe tiếng xe đạp cọc cạch của chị vượt con dốc đá dựng ngược đầu xóm đi xay bột gạo về đúc bánh xèo bán cho người dân trong vùng.

“Ở đây nhà nhà sống nhờ dựa vào biển, nhiều hôm thấy trai tráng trong làng vác chèo đồ lặn ra biển tôi lại nước mắt ngắn dài vì nhớ chồng. Có hôm biển động gió lớn nhà tốc mái, ba mẹ con quần quật chằng chống, tôi lại nghĩ đến anh rồi khóc” - chị Nhị bùi ngùi.

Nhưng những nỗi buồn tủi vì cơm áo gạo tiền không đau đớn bằng hai đứa con lớn lên thấy không có cha cứ hỏi mẹ cha đi đâu sao không thấy về. Chị Nhị đành phải an ủi con: “Cha đi biển Hoàng Sa cùng các chú trong xóm, hai đứa ráng học giỏi ba về thưởng”.

Nhưng rồi sự tò mò của con trẻ đã “lật tẩy” những gì mẹ chúng che giấu bấy lâu nay. Khi thấy trong xóm có ai đi biển về hai đứa lại lon ton qua hỏi bố Huy về chưa, người làng mới đầu cũng nói dối chúng nhưng càng về sau ai cũng thương hai đứa nhỏ đành nói thật. “Thế là ba mẹ con ôm nhau khóc ngon lành” - chị Nhị kể trong nước mắt.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Châu, cho biết lúc anh Huy bị bắn chết ông đang làm bí thư xã đoàn, không khí ngày hôm đó ông vẫn chưa thể nào quên.

Ông Hùng nói: “Thời điểm ấy có hai cán bộ đồn biên phòng Bình Hải cùng lãnh đạo xã Bình Châu lấy thông tin và hoàn tất hồ sơ vụ việc ngư dân Phạm Huy bị lính Trung Quốc bắn chết ở Hoàng Sa và cùng người làng lo mai táng cho anh Huy”.

Một trong hai cán bộ đồn biên phòng xã Bình Hải đến lập hồ sơ “Vụ án lính Trung Quốc bắn chết ngư dân” là ông Lê Văn Chương, hiện là phóng viên báo Biên Phòng. Ông Chương trước đây là trinh sát đồn biên phòng Bình Hải, trong vụ việc năm 1996 ông trực tiếp lập hồ sơ vụ việc.

“Năm đó tôi trực tiếp tham gia lập hồ sơ và chôn cất anh Huy. Vào thời điểm đó vụ việc được lưu lại trong hồ sơ của biên phòng” - ông Chương cho biết.

Từ ngày anh Huy bị bắn chết, chị Nhị ngày ngày bán bánh xèo kiếm tiền nuôi con - Ảnh: Trần Mai
Từ ngày anh Huy bị bắn chết, chị Nhị ngày ngày bán bánh xèo kiếm tiền nuôi con - Ảnh: Trần Mai

Theo thống kê của UBND xã Bình Châu, xóm Gành Cả có khoảng 20 phụ nữ mất chồng, con ở Hoàng Sa. Tất cả những phụ nữ này đều không tái hôn mà ở vậy nuôi con. Những người chết ở Hoàng Sa vì hai nguyên nhân chính là bão tố và tai nạn trong nghề lặn. Anh Huy là trường hợp duy nhất ở xóm Gành Cả chết do bị lính Trung Quốc bắn khi đang đánh bắt hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Kỳ tới: Người nối biển với bờ

TRẦN MAI - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên