17/11/2019 10:24 GMT+7

Người nấu phở ngon đua tài

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Một anh chàng tự nhận là “tay ngang” nấu phở từ Pháp bay về, một đầu bếp 70 tuổi đi khắp Việt Nam dạy nấu phở, và một đầu bếp nhà hàng đã cùng chiến thắng tại cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon 2019, vòng sơ khảo phía Bắc.

Người nấu phở ngon đua tài - Ảnh 1.

Ba thí sinh đạt điểm cao nhất vòng sơ khảo phía Bắc (từ trái qua): ông Đặng Ngọc Bích (Nam Định), anh Trịnh Duy Thanh (Thanh Hóa) và anh Nguyễn Quang Huy (Pháp) - Ảnh: NGỌC QUANG - MAI THƯƠNG

9h sáng 16-11, tại địa điểm cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon 2019 - nhà hàng Lộc Việt (Hà Nội) ngào ngạt hương thơm của phở.

Rất nhiều thí sinh sáng tạo, đam mê nấu phở. Đó là những tín hiệu rất tốt để ta có thể đưa phở trở thành một món ăn lan tỏa trên toàn thế giới.

Chuyên gia ẩm thực Trịnh Quang Dũng

Từ Pháp bay về, từ Nam Định ngược lên

Đầu bếp Đặng Ngọc Bích vừa tới nơi đã bắc một chảo mỡ chiên gừng, hồi, thảo quả... Ông Bích cười nói: "Phải làm thế này để kích thích, mời gọi ‘con tì, con vị’ của thực khách chớ". 

Đây là thí sinh lớn tuổi nhất cuộc thi (70 tuổi), ông đã đi xe máy một mạch từ Nam Định lên Hà Nội để "hội quân" với hai đệ tử là bà Lê Thị Thiết và anh Lê Quang Sửu. Nhóm phở Nam Định của ông Bích có ba người, nhưng cuối cùng "sư phụ" Bích lại là người lọt vào top 3.

Tám tuổi ông Bích đã theo người nhà lên Hà Nội bán phở gánh. Sau này lớn lên ông rong ruổi từ Nam chí Bắc nấu phở và dạy mọi người nấu phở. Ông Bích gây ấn tượng với ban giám khảo bằng món phở áp chảo với cách xào thịt bò kèm cà chua, cà rốt. Theo ông Bích, đây là một món phở gánh thời xưa.

Trong số top 3, anh Nguyễn Quang Huy (người Hà Nội) là trẻ nhất. Huy từng làm phóng viên ảnh, sang Pháp học về nhiếp ảnh thời trang, cuối cùng anh chuyển sang mở hàng phở bên Pháp, với cái tên cửa hàng dịch sang tiếng Việt là "Phở nhà làm". Khi biết tin báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi nấu phở, anh lập tức bay về Hà Nội. 

"Đi đâu tôi cũng vẫn nhớ vị phở của bà, của mẹ, nên phở tôi nấu cho người Pháp dựa theo công thức của gia đình. Ở bên này nhiều nhà hàng điều chỉnh vị cho hợp với khách Tây, nhưng tôi vẫn cố gắng giữ nguyên vị phở Hà Nội. Vào chung kết có thể tôi sẽ mang thịt bò bên Pháp về" - anh Huy nói.

Thí sinh Trịnh Duy Thanh (Thanh Hóa) là người kín tiếng nhất trong top 3. Anh hiện đang làm đầu bếp cho một công ty, mỗi sáng phục vụ khoảng 100 thực khách. Dù không phải người mạnh về thuyết trình nhưng hương vị phở của anh Thanh đã thuyết phục được ban giám khảo khó tính.

Đầu bếp tại gia và những biến tấu với phở

Giám khảo Trịnh Quang Dũng - chuyên gia ẩm thực, tác giả cuốn Hành trình 100 năm phở Việt - cho biết ông cảm thấy rất thú vị vì cuộc thi không chỉ thu hút những người nấu phở chuyên nghiệp mà còn thu hút nhóm thí sinh "phở nhà làm". Và nhóm này dẫu không mạnh về kỹ năng nhưng lại là những người rất sáng tạo, không ngại thử sức với những công thức mới.

Thí sinh Huỳnh Thanh Hà hiện đang làm cho một công ty marketing, là người Sài Gòn đã lấy chồng và sinh sống tại Hà Nội 8 năm, cho biết cô nấu phở theo phong cách "Hà Nội + Sài Gòn". Những nguyên liệu Hà sử dụng đều do bố chồng cung cấp vì ông là người làm thuốc Bắc. 

"Sau nhiều năm nấu phở, con gái khen mẹ nấu phở ngon nhất. Còn bố chồng, vốn là người không thích ăn thịt bò, đã có lần ăn hai tô phở con dâu nấu" - Hà cho biết.

Do căng thẳng nên thí sinh Phan Quý Long (Hà Nội) cho hơi nhiều gia vị vào nước dùng. Nhưng những lát bắp bò, ba chỉ bò cuốn của anh đã thu hút ban giám khảo. Anh Long là một đầu bếp tại gia đã nghiên cứu, thử nghiệm công thức nấu phở suốt 10 năm nay vì đam mê. 

"Tôi là dân tự nhiên nên rất thích nghiên cứu công thức. Học hỏi cách người Nhật dùng rong biển và cá tạo vị ngọt cho nước dùng, tôi dùng thịt và rau củ tạo độ ngọt cho nước phở. Ngoài ra tôi còn biết nấm hương là thứ có thể kết hợp các chất trong thịt và nâng cao vị nước dùng nên tôi đã cho với liều lượng nhỏ" - anh Long hào hứng chia sẻ. Đầu bếp tại gia này tuần nào cũng nấu phở cho vợ con ăn.

Kết thúc cuộc thi, trưởng ban giám khảo, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Đỗ Văn Dũng bày tỏ: "Nếu được trao nhiều giải, tôi muốn trao giải cho tất cả những người tham gia ngày hôm nay. Ban tổ chức rất biết ơn vì các thí sinh đã chuẩn bị quá công phu, kỹ lưỡng và hết lòng vì cuộc thi". 

Sự hết lòng ấy, nói như ông Lê Tân, phó chủ tịch - tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, phó ban giám khảo: "Tôi cảm nhận thấy rất rõ tình yêu lớn của các thí sinh với món phở". 

Vượt qua 12 thí sinh khác, ba thí sinh đạt điểm cao nhất của vòng sơ khảo phía Bắc là Nguyễn Quang Huy, Đặng Ngọc Bích, Trịnh Duy Thanh sẽ tham gia vòng chung kết cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon năm 2019 diễn ra ngày 8-12 ở White Palace, TP.HCM.

Vòng chung kết sẽ chọn ra top 5 Hoa hồi vàng (với giải thưởng mỗi người trị giá 30 triệu đồng) và top 5 Hoa hồi bạc (với giải thưởng trị giá 10 triệu đồng) kèm chứng nhận của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, thành viên ban giám khảo - nói: “26 năm trước tôi đã đến Việt Nam và lần đầu được nếm phở. 10 năm sau tôi đã trở thành giám đốc của Acecook Việt Nam và cho sản xuất bánh phở khô.

Tôi mong muốn thời gian tới tiếp tục được ăn phở và bán bánh phở. Các món mì của Nhật Bản làm bằng bột mì, trong khi phở của Việt Nam làm bằng chính hạt gạo trên quê hương của các bạn. Tôi đánh giá cao điều đó”.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên