07/04/2025 12:16 GMT+7

Người Mỹ giàu có tỉ lệ tử vong tương tự như người châu Âu nghèo

Một nghiên cứu mới cho thấy ngay cả những người nghèo nhất ở các quốc gia như Hà Lan và Pháp cũng có xu hướng sống lâu hơn người giàu ở Mỹ.

Mỹ - Ảnh 1.

Người Mỹ giàu có tỉ lệ tử vong tương tự như người châu Âu nghèo - Ảnh: BRITANNICA.COM

Đây là kết quả được đưa ra trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New England vào tuần trước. Nghiên cứu được dẫn đầu bởi nhóm nghiên cứu tại Trường Y tế công cộng Đại học Brown.

Theo trang Brown.edu Euro News, nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 73.000 người trưởng thành ở Mỹ và các nước khác nhau ở châu Âu, trong độ tuổi từ 50 - 85 vào năm 2010, nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của sự giàu có đến khả năng sống sót. Dữ liệu được theo dõi đến năm 2022.

Trong suốt giai đoạn nghiên cứu, tỉ lệ tử vong của Mỹ là 6,5 trên 1.000 người. So sánh với các khu vực khác: Bắc và Tây Âu là 2,9; Nam Âu là 4,9; và Đông Âu là 5,8.

Dữ liệu cho thấy dù giàu có đến đâu, tỉ lệ tử vong ở Mỹ đều cao hơn so với các khu vực châu Âu được nghiên cứu.

Những người giàu nhất ở Mỹ có tuổi thọ trung bình ngắn hơn so với những người giàu nhất ở châu Âu. Thậm chí trong một số trường hợp, tỉ lệ sống sót của người Mỹ giàu ngang bằng với những người châu Âu nghèo nhất ở các quốc gia như Đức, Pháp và Hà Lan.

Theo nghiên cứu, những người thuộc nhóm giàu nhất có tỉ lệ tử vong thấp hơn 40% so với những người thuộc nhóm nghèo nhất.

Người dân ở lục địa châu Âu có tỉ lệ tử vong thấp hơn khoảng 40% so với người tham gia nghiên cứu Mỹ. Những người từ Nam Âu có tỉ lệ tử vong thấp hơn khoảng 30%, còn từ Đông Âu thì thấp hơn từ 13 - 20% so với người Mỹ.

Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng cách sức khỏe giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ lớn hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.

Nguyên nhân tác động

"Những phát hiện này là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng ngay cả những người Mỹ giàu có nhất cũng không được miễn nhiễm khỏi các vấn đề mang tính hệ thống ở nước này, vốn góp phần làm giảm tuổi thọ. Trong đó bao gồm bất bình đẳng kinh tế hoặc các yếu tố rủi ro như căng thẳng, chế độ ăn uống hay nguy cơ về môi trường", bà Irene Papanicolas - chuyên gia kinh tế học về sức khỏe tại Đại học Brown, người đứng đầu nghiên cứu - cho biết.

Bà lưu ý rằng việc hiểu các yếu tố của những sự chênh lệch khác nhau này là chìa khóa để cải thiện sức khỏe ở Mỹ.

Nghiên cứu cũng ghi nhận rằng các yếu tố hành vi và văn hóa mang tính hệ thống có thể đóng vai trò, chẳng hạn như chế độ ăn uống, hút thuốc và sự dịch chuyển xã hội. Tỉ lệ hút thuốc và việc sống ở vùng nông thôn (các yếu tố liên quan đến sức khỏe kém) phổ biến hơn ở Mỹ, theo Brown.edu.

Nghiên cứu còn nhấn mạnh hiện tượng "hiệu ứng người sống" ở Mỹ. Theo đó, người nghèo có sức khỏe kém thường chết sớm, để lại dân số khỏe mạnh và giàu có hơn khi tuổi tác tăng lên. Điều này tạo ra ảo tưởng rằng bất bình đẳng giàu nghèo giảm theo thời gian, trong khi thực tế là do người ở Mỹ chết sớm hơn.

Người Mỹ giàu có tỉ lệ tử vong tương tự như người châu Âu nghèo - Ảnh 3.Trong 10 năm, tài sản của 1% người giàu nhất tăng hơn 40.000 tỉ USD

Theo báo cáo của Tổ chức Oxfam, tài sản của nhóm 1% người giàu nhất trên thế giới đã tăng hơn 40.000 tỉ USD trong vòng 10 năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên