14/03/2020 12:56 GMT+7

Người lao động chung tay chia sẻ với doanh nghiệp

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Trong lần “bùng” thứ hai của dịch Covid-19, nhiều công ty, doanh nghiệp bắt đầu cho người lao động nghỉ luân phiên không lương hoặc làm việc từ xa với mức thu nhập thấp hơn bình thường do doanh thu bắt đầu giảm.

Người lao động chung tay chia sẻ với doanh nghiệp - Ảnh 1.

hiều công việc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, những kế toán, nhân viên văn phòng, tiếp tân khách sạn... không khỏi lo lắng nhưng họ cũng đồng cảm để cùng sẻ chia với công ty. Công ty còn thì công ăn việc làm mới còn.

Thu nhập giảm 30-50%

Nguyễn Thị Thu Cúc (27 tuổi), kế toán một đại lý vé máy bay cấp 1 ở Q.Tân Bình (TP.HCM), đã bắt đầu tuần đầu tiên nghỉ không lương trong tháng 3. Cô cho biết công ty của cô có hơn 20 nhân viên và đang được sắp xếp nghỉ luân phiên không lương mỗi người một tuần, lương tháng chỉ còn lãnh 50%.

"Ai cũng lo lắng vì đột nhiên thu nhập giảm thì cũng phải cân đong lại chi tiêu trong nhà. Nhà tôi lại đang nuôi con nhỏ nên nhiều khoản không thể cắt giảm" - cô chia sẻ. Tình hình kinh doanh của công ty cô kể từ sau tết đến nay ngày càng giảm thê thảm. 

"Đến đợt bùng dịch thứ hai thì hàng loạt vé đặt trước bị hủy. Mọi người né sân bay và nhiều chuyến bị hủy nên lượng đặt vé giảm hẳn. Bình thường doanh thu công ty tầm 30-35 tỉ đồng/tháng, tháng sau tết giảm còn 20 tỉ, tháng này chắc chỉ còn 10 tỉ" - Cúc kể.

Không chỉ đại lý vé máy bay ế ẩm mà khách sạn, thẩm mỹ viện, công ty sự kiện cũng chịu cùng cảnh ngộ. Hồng Thanh (25 tuổi), nhân viên đang làm việc tại một trung tâm thẩm mỹ viện ở Q.3, và nhiều đồng nghiệp cùng công ty đã xôn xao mất mấy ngày khi công ty thông báo cho làm tại nhà một số bộ phận và giảm 30-50% lương.

"Bình thường mỗi ngày bên tôi có chừng 5-7 khách, vắng thì 3-4 khách nhưng thời gian gần đây nhiều ngày liên tiếp không có khách nào bước chân vào. Tháng sau tết công ty còn ráng trả lương đủ cho nhân viên và mọi người đều đi làm nhưng đến đợt bùng dịch thứ hai thì vắng quá, doanh thu hầu như không có nên chỉ thay nhau đi làm để duy trì" - Thanh kể.

Cô cho biết phần đông mọi người sợ lây bệnh và có xu hướng tiết kiệm, ít chi tiêu hơn cho những thứ không thiết yếu như làm đẹp nên thẩm mỹ viện ít khách. "Nhiều phẫu thuật lớn như hút mỡ phải thực hiện ở các bệnh viện lớn nhưng hiện tại các bệnh viện đều từ chối" - Thanh nói thêm.

Đỗ Quỳnh Hoa (28 tuổi), đang làm việc tại một công ty chuyên tổ chức các sự kiện về thời trang, cũng chịu cảnh giảm thu nhập khi nhiều chương trình "đinh" như Vietnam Fashion Week mà công ty tổ chức 11 mùa đang hoãn vô thời hạn. "Ai cũng buồn khi nhiều bộ phận bắt đầu làm ở nhà và thu nhập giảm đi" - Hoa chia sẻ.

Chia sẻ để vượt qua khó khăn

"Đây là chuyện bất khả kháng mà. Mọi người cũng tự đoán khi dịch bệnh bùng lên lần thứ hai là công ty phải giảm thu nhập của nhân viên nên dù buồn nhưng không ai phản đối hay có ý định nghỉ việc. Ai cũng mong dịch bệnh chóng qua để công ty hoạt động ổn định trở lại" - Đặng Tuấn (27 tuổi), đang làm tại một công ty truyền thông sự kiện, chia sẻ. 

Rất nhiều sự kiện của công ty anh đã phải hoãn vô thời hạn. Tuấn vẫn lạc quan khi cho rằng vì dịch bệnh nên thu nhập giảm đi 50% "nhưng cũng có cái hay". 

"Dịch bệnh thì ít đi cà phê, rạp phim. Tôi có sở thích đi du lịch bụi. Bình thường cứ ngày nghỉ là xách balô đi Thái, Indonesia, Hội An... nhưng mùa dịch không đi được nên tiết kiệm hẳn được khoản đó cũng đỡ" - Tuấn kể.

Bà mẹ trẻ Thu Cúc vừa được nghỉ không lương tuần đầu tiên thì "thả" ngay bà nội về quê. 

"Dịch bệnh con không đi học nên bà phải lên đây trông cháu. Bà ở đây cả tháng cũng muốn về quê lắm rồi. Công ty cho nghỉ luân phiên có khi lại hay. Tôi ở nhà trông con và làm từ xa để bà nội về nhà với ông nội ở quê mấy bữa" - cô kể. Cúc bảo giờ hầu hết các công ty đều cùng cảnh làm ăn khó khăn nên không có ý định nghỉ đi tìm công việc khác.

"Công ty cũng khó. Tiền thuê văn phòng, trả lương nhân viên cũng nặng mà doanh thu giảm quá thì nhân viên phải chia sẻ để cùng công ty vượt qua. Công ty còn thì công việc mới còn. Mong cho dịch bệnh chóng qua thì lúc đó mọi thứ mới bình thường trở lại" - cô bảo.

Tham gia sản xuất khẩu trang để phòng chống dịch bệnh

Khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, để gỡ khó, không ít công ty may mặc chưa từng may khẩu trang trước đây đã cùng tham gia may sản phẩm này, vừa góp phần làm công tác phòng chống dịch bệnh, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động.

Chị Lê Nguyên Trang Nhã, giám đốc Công ty Viking VN (Hóc Môn) chuyên sản xuất đồ bảo hộ, leo núi để xuất khẩu, cho biết từ tháng 2 vừa qua, mỗi ngày công ty may 20.000-30.000 khẩu trang để phục vụ nhu cầu người dân.

"Khi Hiệp hội Doanh nghiệp TP vận động doanh nghiệp tham gia sản xuất khẩu trang, chung tay vì cộng đồng thì chúng tôi muốn đóng góp một phần để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất" - chị Nhã chia sẻ.

Sinh viên kiếm việc thời dịch COVID-19 quá khó! Sinh viên kiếm việc thời dịch COVID-19 quá khó!

TTO - Khi kỳ nghỉ tết dài hơn nhiều so với dự kiến vì dịch COVID-19, cuộc sống của các bạn sinh viên theo đó xảy ra không ít xáo trộn.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên