11/03/2020 11:17 GMT+7

Sinh viên kiếm việc thời dịch COVID-19 quá khó!

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Khi kỳ nghỉ tết dài hơn nhiều so với dự kiến vì dịch COVID-19, cuộc sống của các bạn sinh viên theo đó xảy ra không ít xáo trộn.

Sinh viên kiếm việc thời dịch COVID-19 quá khó! - Ảnh 1.

Bạn Trần Văn Nghĩa (trái, sinh viên năm cuối ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) trong một ca làm thêm tại tiệm thức ăn nhanh T.C vào trưa 10-3 - Ảnh: C.NHẬT

"Từ câu chuyện chỗ trọ đến làm thêm đều khiến tôi đau đầu những ngày này" - Tuấn Minh (sinh viên một trường ĐH tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) than thở.

Trọ học ở thành phố gần hai năm, thu nhập chính của Tuấn Minh đến từ việc làm phục vụ ở các quán ăn gần trường. "Thu nhập dĩ nhiên không quá cao nhưng đủ để trang trải tiền trọ và ăn uống, cha mẹ dưới quê chỉ cần lo học phí cho tôi" - Tuấn Minh cho biết.

Thu nhập giảm, chỉ mong nhà trọ giảm giá

Dẫu vậy, sau nghị định 100 về cấm chạy xe sau khi uống bia rượu thì nhiều quán ăn giảm khách nên giảm lương nhân viên. Rồi giờ đến dịch bệnh nên Tuấn Minh cho biết họ đóng cửa luôn.

Còn bạn Thu Phương (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết lịch học gián đoạn dẫn đến việc nhiều sinh viên chưa lên lại thành phố, nhà trọ không vì thế mà giảm tiền và chủ các doanh nghiệp không chấp nhận chờ đợi nhân viên vì họ vốn có nhiều sự lựa chọn. "Chắc khi đi học lại thì tôi cũng kiếm việc chỗ mới luôn vì quản lý công ty truyền thông - sự kiện mà tôi làm thêm mới thông báo sẽ không nhận lại các bạn sinh viên nghỉ quá lâu" - Thu Phương tâm sự.

Hiện các bạn chỉ có một mong ước giản đơn là nhà trọ cho giảm tiền vì rất ngại xin thêm tiền từ gia đình.

May mắn hơn vì là người thành phố, bạn Phan Minh Nhật (ĐH Tài chính - marketing) cho biết bạn không gặp nhiều khó khăn về chi phí nhà trọ, sinh hoạt phí. 

"Dẫu vậy, thử thách tôi đang gặp là về vấn đề tìm việc làm vì bản thân là sinh viên năm cuối. Theo kế hoạch thì tôi sẽ đi thực tập để viết khóa luận tốt nghiệp vào đầu tháng 2. Tuy nhiên do dịch bùng phát nên lịch thực tập của tôi bị từ chối rồi dời nhiều lần do hoạt động kinh doanh của các công ty đều ngưng trệ" - Minh Nhật kể.

Linh động tìm giải pháp

Ngay cả khi bạn kiếm được chỗ thực tập thì thử thách vẫn chưa dừng lại. "Công ty yêu cầu chúng tôi làm việc tại nhà, hạn chế lên văn phòng để tránh tiếp xúc. Chính vì vậy sinh viên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi trực tiếp, tìm thông tin cho bài luận lẫn kiến thức thực tế" - Minh Nhật cho biết. 

Tương tự, bạn Phan Thị Thu Sương (ĐH Tài chính - marketing) cho biết do bạn và người thân đều sống ở TP.HCM nên không gặp vấn đề gì đáng kể khi dịch bệnh xảy ra. "Chỉ có chút bất tiện với tôi về việc đi gặp giáo viên hướng dẫn" - Thu Sương nói.

Tại Úc, tuy tình hình COVID-19 không quá nghiêm trọng nhưng cũng ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của du học sinh Việt. 

"Tình trạng ế ẩm của một số cửa hàng, quán ăn tại các vùng ngoại ô dẫn tới sự cạnh tranh về việc làm cho du học sinh. Tình hình cũng không khả quan lắm với các bạn đã tốt nghiệp do các công ty không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà còn trong các hoạt động thường ngày, từ đó họ rất dè chừng trong việc tuyển dụng mới, thay vì vậy họ tập trung tối ưu hóa nguồn nhân lực hiện có" - bạn Nguyễn Dương Nguyên (chủ tịch Hội du học sinh Việt tại bang New South Wales) nói.

"Tôi quyết định chuyển sang chạy xe ôm công nghệ "cầm chừng", thu nhập nghe mấy anh nói không được tốt như trước đây vì học sinh, sinh viên nghỉ. Và tôi phải tìm cách giấu nhà vì người nhà dưới quê nói chạy xe trên thành phố nguy hiểm quá. Nhưng dù sao vẫn còn đỡ hơn các bạn nữ vì họ không thể linh động lựa chọn như chúng tôi" - Tuấn Minh nói.

Còn với Minh Nhật, bạn cho biết do thực tập thường không được trả lương nên bạn đã kiếm các công việc bán thời gian để đảm bảo sinh hoạt phí. "Do dịch bệnh nên số lượng việc bán thời gian không nhiều, nhưng giải pháp của tôi là kiếm những công việc có thể làm tại nhà. Chẳng hạn như các việc liên quan đến dịch thuật, quản lý website hay bán hàng trực tuyến... Đây là những việc có thể làm tại nhà vì chỉ cần có máy tính" - Minh Nhật cho biết.

Tư duy tích cực

Với các bạn du học sinh thì tình hình căng nhất có lẽ là các bạn hiện ở châu Âu và một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Hầu hết các bạn đều cho biết tình trạng việc làm thêm, nghiên cứu ở trường đều bị đình trệ vô thời hạn.

"Khách sạn nơi tôi làm thêm bị du khách hủy đặt phòng gần hết. Chúng tôi lẽ ra được nghỉ không lương nhưng tôi vẫn xin đi làm vì muốn tích lũy kinh nghiệm về quản trị khách sạn, đồng thời muốn biết làm việc trong giai đoạn khủng hoảng sẽ có những vấn đề gì phát sinh.

Một số bạn bè của tôi thì tranh thủ thời gian nghỉ làm này để đi tập thể dục, đọc sách nhiều hơn... vì ai cũng nhận thức được rằng có sức khỏe, kiến thức thì sẽ đề kháng được virus. Không phải tôi quá chủ quan mà chỉ nghĩ rằng tư duy tích cực là điều vô cùng quan trọng trong thời điểm này, càng bi quan thì cơ thể sẽ càng suy yếu, càng dễ bệnh" - Nga Nguyễn (du học sinh tại Hàn Quốc) nói về giải pháp của bản thân.


Cô gái tìm thấy tình yêu nhờ... nhường cuộn giấy vệ sinh mùa dịch Cô gái tìm thấy tình yêu nhờ... nhường cuộn giấy vệ sinh mùa dịch

TTO - Nhờ hành động 'nhường' lại hai cuộn giấy vệ sinh ở siêu thị, một cô gái trẻ người Nhật Bản đã tìm thấy tình yêu của đời mình.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên