10/09/2024 08:48 GMT+7

Người Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng nhau đi dọn cây sau bão số 3

Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... tan hoang sau bão số 3 Yagi. Thiệt hại về con người, cơ sở vật chất chưa thể đong đếm. Công tác khắc phục cần sự chia sẻ, chung tay, khẩn trương hơn bao giờ hết.

Người Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng nhau đi dọn cây sau bão số 3 - Ảnh 1.

Các thành viên CLB chạy Starlake cưa cây, dọn dẹp đường phố sau khi chạy bộ - Ảnh: Starlake Running Club

Hai ngày qua sau khi bão Yagi đi qua, không ít người dân thủ đô không ai bảo ai đã đội mũ, đeo găng tay, cầm dao, rìu để cùng với các cơ quan chức năng dọn dẹp lại nơi mình sống, con đường mình đi qua mỗi ngày, nơi tập luyện thể thao mỗi tối.

Vừa chạy bộ vừa dọn cây gãy đổ trên phố sau bão số 3

Một ngày sau bão số 3, nghệ sĩ hài Xuân Bắc đưa lên Facebook cá nhân hình ảnh anh và hai con trai xuống phố dọn dẹp cây xanh gãy đổ.

Hình ảnh của anh đã lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Xuân Bắc nói: "Bão tàn phá ghê gớm quá, cây đổ khắp nơi. Lực lượng hỗ trợ và công ty cây xanh, giao thông công chính quá tải. Bố con em xin góp một phần công sức nhỏ để khắc phục sau bão với khu phố".

Ngày chủ nhật 8-9 vốn là ngày chạy dài của nhiều CLB chạy bộ trên địa bàn Hà Nội.

Thông thường, các đội chạy sẽ có mặt tại các khu vực như hồ Hoàn Kiếm, công viên Hòa Bình, khu đô thị Starlake... từ 4h-5h sáng để chạy.

Thế nhưng chủ nhật vừa qua, hàng trăm VĐV chạy phong trào đã mang đến địa điểm mình tập thể thao hằng ngày nhiều thiết bị để cưa cây đổ, vệ sinh đường phố ngổn ngang sau bão.

Hết cưa lại chặt, quét, bê cành nhỏ lên vỉa hè, hàng chục anh chị CLB chạy bộ Starlake đã giúp di chuyển những cây to đổ ngang đường vào vỉa hè để lấy lối đi cho người dân. Ngoài ra họ còn cố gắng dọn dẹp phần nào con đường quanh khu đô thị này.

Hàng chục thành viên CLB Chạy 365 cũng có mặt tại hồ Hoàn Kiếm để dọn dẹp các con phố quanh hồ Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Lý Thái Tổ cùng các cơ quan chức năng. Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh cho biết nếu mỗi người góp một tay vào làm, sớm thôi Hà Nội sẽ dần trở về cuộc sống thường nhật.

Chị Lê Thị Tuyết, nhân viên vệ sinh TP Hà Nội làm việc ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, chia sẻ: "Công việc của công nhân môi trường đô thị chúng tôi làm không xuể vì cây đổ khắp nơi, rác thải các loại, lá cây tứ tung.

Thêm một người góp tay dọn dẹp thì chúng tôi đỡ phần vất vả. Tôi được giao làm ở địa bàn quanh hồ Hoàn Kiếm, với tiến độ làm hết tốc lực thì cũng phải cả chục ngày nữa chúng tôi mới dọn dẹp xong mọi thứ quanh đây".

Người Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng nhau đi dọn cây sau bão số 3 - Ảnh 2.

Cây ngã đè lên ô tô trên đường Trương Định (Hà Nội) - Ảnh: BAN QUẢN LÝ NAM ĐÔ

Mới chỉ dọn tạm cho có lối đi

Hai ngày sau khi bão đi qua, các lực lượng chức năng làm ngày làm đêm nhưng hầu hết các con phố của Hà Nội vẫn ngổn ngang cây bật gốc, cành gãy đổ, mái tôn rơi...

Ở nhiều tuyến phố, hiện cây mới chỉ được cưa ngọn và cành lá, xếp gọn vào vỉa hè để có lối đi. Nhiều cây đổ vào mái nhà, cột điện cần nhiều thời gian để tìm cách di dời và đảm bảo an toàn.

Nhiều khu đô thị trong TP, cư dân chủ động góp tay dọn dẹp cây nhỏ. Cây được để gọn lại, hy vọng sẽ được công ty cây xanh ít ngày tới đưa đi dưỡng lại.

Câu chuyện từ Hải Phòng, trên Facebook cá nhân, phó giáo sư Phạm Xuân Dương, hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), đã chia sẻ những hình ảnh xúc động của thầy trò nhà trường trong nỗ lực dọn dẹp khuôn viên để sinh viên sớm trở lại giảng đường.

48 giờ thầy hiệu trưởng cùng nhiều đồng nghiệp ăn ngủ tại trường. "Chứng kiến từng giây Yagi gào thét, quần thảo, quật ngã từng gốc cổ thụ ngay trước mắt..., những giây phút không thể nào quên trong cuộc đời.

Ngay từ sáng 8-9, khi Yagi đã đi qua, tôi và đồng nghiệp cùng các em sinh viên đầy nhiệt huyết đã bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả sau bão bằng tất cả những gì chúng tôi có", thầy Dương viết.

Không điện, không nước, không sóng điện thoại, thầy trò cùng chung tay cắt cành, dọn lá, dọn đường, bảo vệ các gốc cổ thụ bị đổ. Nặng nhọc nhưng không ai than vãn. Một tinh thần tuyệt vời.

"Tự đáy lòng, tôi mong rằng sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam hãy chủ động chung tay cùng quê nhà, địa phương nơi cư trú, hoặc chủ động tình nguyện đến những nơi bị ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi. Những nơi đó đang rất cần đến sự nhiệt huyết đầy trách nhiệm của các em", thầy Dương bày tỏ.

Cây trồng lại: không nên trồng cây to

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 9-9, PGS.TS Nguyễn Minh Thanh, giảng viên cao cấp Trường đại học Lâm nghiệp Hà Nội, cho biết những cây xanh gãy đổ do bão số 3 tại Hà Nội khả năng "cứu" được là vẫn còn. Tuy nhiên, khi trồng lại phải để ý tới phần hố đào.

"Đa phần cây xanh tại Hà Nội hiện hố đào đang rất là nông, giờ muốn trồng lại phải đào hố sâu hơn.

Ngoài ra, cải tạo đất ở chỗ trồng lại cây, nếu đất quá ẩm mà trồng lại cây thì cây cũng dễ chết. Cây trồng lại cần các biện pháp chăm sóc đặc biệt như kích thích rễ, thuốc trừ nấm, cắt tỉa bớt cành trước khi trồng lại", PGS.TS Thanh nói.

PGS.TS Thanh cho rằng điều kiện trồng cây tại Hà Nội đã bị bó hẹp ở việc quá nhiều bê tông, đất nông, một số nơi mực nước ngầm lớn khiến rễ cây khó phát triển.

Nếu muốn trồng lại cây xanh nên trồng cây vừa tầm, không nên trồng cây quá to. Nếu trồng cây lớn quá thì sẽ không có rễ cọc vì đã cắt rễ trong quá trình di chuyển. Cây mà không có rễ cọc như nhà không có trụ", ông Thanh lưu ý.

Chúng tôi đã có mặt, góp sức cùng thủ đô

Cùng nhau đi... dọn cây - Ảnh 2.

Trung tâm công viên cây xanh TP Huế đã có mặt tại Hà Nội ngày 9-9, cắt tỉa, dọn dẹp cành cây ngã đổ - Ảnh: VÕ NHƠN

Cuối giờ chiều 8-9, tôi và đồng nghiệp nhận được cuộc gọi của lãnh đạo Trung tâm công viên cây xanh TP Huế về việc lên đường đi Hà Nội phối hợp, cứu sống những cây xanh lớn còn có thể cứu được sau gãy đổ do bão. Chúng tôi chuẩn bị hành trang lên đường ngay.

15 nhân viên của trung tâm tập trung tại cơ quan ngay sau đó. Sau cuộc họp ngắn, anh em chúng tôi lên xe khách hướng về Hà Nội.

Trung tâm còn cử thêm hai xe cẩu cỡ lớn chở theo dây thừng, cưa máy... cùng các dụng cụ hỗ trợ lên đường theo sau. Sáng 9-9, đoàn chúng tôi tới Hà Nội. Đập vào mắt anh em là những hàng cây đổ rạp xuống đường, cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy. Là người chăm sóc cây xanh đô thị hằng ngày, thật lòng tôi không kìm được.

Ngay trong chiều 9-9, nhóm chúng tôi được chia làm hai tổ, một tổ phụ trách hỗ trợ cưa cây, loại bỏ những cây không thể cứu chữa. Tổ còn lại kiểm tra, đánh giá xem cây nào có thể dựng lại được.

Những cây có cơ hội sống thì chúng tôi sẽ cắt tỉa ngọn, loại bỏ rễ bị hư và cẩu cây đến vị trí mới để dựng lại. Công việc còn ngổn ngang trước mắt nên anh em sẽ cố hết sức, để góp phần sức nhỏ dựng lại những mảng xanh của thủ đô thân yêu.

Anh Võ Văn Nhơn (trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế)


Sân Mỹ Đình trước trận Việt Nam - Thái Lan 10-9

Ông Nguyễn Trọng Hổ, giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, cho biết: Theo thống kê ban đầu thì sân Mỹ Đình có trên 40 cây gãy đổ.

Các cơ quan chức năng đang ưu tiên dọn dẹp bên ngoài đường với khối lượng công việc rất lớn. Cán bộ, nhân viên sân Mỹ Đình chủ động tự dọn dẹp để tối (10-9) trận đấu đội tuyển Việt Nam - Thái Lan có thể tổ chức bình thường tại đây.

Cùng nhau đi... dọn cây - Ảnh 3.TP.HCM cử lực lượng cây xanh, cấp nước, chiếu sáng, điện lực hỗ trợ các tỉnh phía Bắc

UBND TP.HCM vừa yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị có chuyên môn về hạ tầng công chính khẩn trương cử lực lượng đến các tỉnh thành phía Bắc để hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên