Tính đến chiều 9-9, đã có 200 lượt bạn đọc Tuổi Trẻ ủng hộ gần 400 triệu đồng cho bà con vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 Yagi.
Ông Hà Tiến Công (86 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) gọi xe ôm gần nhà đưa mình tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ để gửi chút tấm lòng đến bà con miền Bắc.
Ông đã gửi cho đồng bào miền Bắc số tiền ông tiết kiệm 5 tháng qua.
Quê ông ở Nam Định, ông Công kể mình không thể kìm lòng trước cảnh bà con ngoài đó thiệt hại nặng nề do bão nên không chần chừ mà đi ủng hộ ngay.
Ông hy vọng với số tiền của mình và nhiều bạn đọc khác gửi gắm báo Tuổi Trẻ sẽ giúp được phần nào cho bà con khắc phục hậu quả.
Những tấm lòng của bà con Tây Nam Bộ cũng đã sớm gửi chút "của ít lòng nhiều" chia sẻ cùng bà con thiệt hại do bão. Bà Bùi Thị Tìm - 80 tuổi, cán bộ hưu trí (ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - đã gửi 2 triệu đồng trích từ lương hưu đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ vùng Tây Nam Bộ.
Đại diện một bệnh viện tư nhân (xin giấu tên) tại TP Cần Thơ cũng đến trao hỗ trợ 20 triệu đồng. Đại diện Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều) góp 2 triệu đồng từ quỹ Hội Chữ thập đỏ của trường.
Và còn nhiều tấm lòng thơm thảo từ những bạn đọc không ghi tên, chỉ mong gửi gắm thêm chút nghĩa tình cho miền Bắc giữa thiên tai.
Thương lắm bà con miền Bắc!
Tôi xem tivi thấy nhiều người hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, xe ô tô lớn che cho xe máy... rất xúc động.
Khi xem thấy mưa gió tốc mái nhà dân, người đi đường bị gió quật ngã lăn lóc mà thương. Tôi luôn nói với cháu mình được ở nơi không bị bão quét qua như thế này là may mắn lắm!
Tôi quê ở Quảng Ngãi, chẳng còn lạ gì cảnh dông bão, nhưng cũng hiếm khi có đợt nào lớn như bão Yagi vừa qua. Bão nhỏ cũng đủ khổ rồi, tới siêu bão thì bà con ngoài đó khổ sở lắm!
Tôi muốn gửi 20 triệu đồng tiền mình tiết kiệm được cho người dân vùng bão lũ. Không nhiều đâu!
Đồng bào ngoài đó hư biết bao nhiêu ngôi nhà, tài sản không cánh mà bay mất. Chừng này của tôi là tấm lòng nhỏ muốn góp vào với mọi người.
Tuổi này rồi đâu có xài tiền gì nhiều nữa, khám bệnh cũng có bảo hiểm lo hết rồi. Tiền này cứ để ủng hộ đồng bào gặp khó khăn thôi.
Ông Phan Dần (93 tuổi, TP.HCM)
Cần ưu tiên đảm bảo an toàn cho người sau bão
Quảng Trị từng phải gồng mình gánh chịu nhiều trận bão lũ, đặc biệt là bão lớn. Nhiều người đã bị thương, bị chết do bão, nhưng cũng có những trường hợp bị thương vong sau bão. Nên việc đảm bảo an toàn ngay cả khi bão đã qua cũng phải được quan tâm.
Khi bão quét qua, hậu quả thường thấy nhất là mái nhà bị xé một phần, hoặc bóc luôn toàn bộ mái nhà. Cây cối gãy đổ hàng loạt. Nhiều vật dụng có thể bị tàn phá. Trong đó các sự cố về hệ thống điện là nguy cơ lớn nhất với người dân sau bão.
Bão không chỉ quật ngã trụ điện hay đường dây điện, mà còn có thể làm hư hỏng, hở các mối nối ở các thiết bị điện, hoặc làm ẩm, rò rỉ điện (khó nhìn thấy). Việc cần làm đầu tiên với người dân vùng bão là phải kiểm tra tổng thể hệ thống điện, cũng như các thiết bị điện, các ổ cắm, mối nối điện trong nhà.
Gió bão có thể làm nhiều vật dụng vỡ, gãy và bay khắp nơi. Mảnh chai, mảnh sành hay những chiếc đinh cũng có thể khiến trẻ em bị thương sau bão.
Bạn đọc Nguyễn Viết Phương
(người dân Cam Lộ, Quảng Trị)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận