Trong báo cáo ngày 9-11, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật đến từ Trung tâm Y tế học thuật NYU Langone Health (New York, Mỹ) cho biết bệnh nhân 46 tuổi Aaron James là người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép mắt.
James gặp tai nạn điện cao thế nghiêm trọng trong lúc làm việc vào tháng 6-2021. Theo Hãng tin AP, việc ông sống sót sau khi bị dòng điện 7.200 volt tác động là một kỳ tích. Dù vậy, ông bị mất cánh tay trái, bị hủy phần lớn khuôn mặt và hỏng mắt trái. Mắt phải của ông vẫn hoạt động bình thường.
Quá trình phẫu thuật ghép hốc và mí cho mắt trái của James bắt đầu từ tháng 5-2022. Hiện tại ông đang hồi phục tốt và mắt trái của ông rất tốt.
“Tôi cảm thấy rất tuyệt. Tôi vẫn chưa thể khiến mắt của mình chuyển động. Mí mắt của tôi vẫn chưa chớp được. Nhưng tôi đã có cảm giác trở lại”, nam bệnh nhân trả lời Hãng tin AP.
Chia sẻ về việc mình là ca đầu tiên trên thế giới được ghép mắt, James nói: “Bạn phải bắt đầu từ đâu đó, phải có người đầu tiên ở đâu đó. Bạn có thể sẽ học được điều gì đó giúp ích cho người tiếp theo”.
Hiện nay việc cấy ghép giác mạc (phần mô trong suốt bọc phía trước mắt) là phương pháp phổ biến để điều trị một số tình trạng mất thị lực. Nhưng việc cấy ghép toàn bộ mắt, bao gồm nhãn cầu, mạch máu và dây thần kinh thị giác quan trọng kết nối với não, thì chưa. Ca ghép mắt của James được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực chữa mù lòa.
Tiến sĩ Eduardo Rodriguez, trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ của Đại học NYU đồng thời là người đứng đầu ca cấy ghép, cho biết hiện chưa rõ ông James có thể phục hồi thị lực mắt trái hay không, nhưng ca phẫu thuật đã giúp “chúng ta tiến gần hơn một bước” đến việc chữa trị.
Một số chuyên gia lo con mắt được cấy ghép sẽ nhanh chóng teo lại như nho khô. Tuy nhiên vào tháng trước, các bác sĩ cho biết mắt trái của ông James lưu thông máu tốt và không có dấu hiệu đào thải.
Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu phân tích các bản ghi từ quá trình quét não của ông James và phát hiện một số tín hiệu khó hiểu từ dây thần kinh thị giác bị tổn thương.
Tiến sĩ Jeffrey Goldberg, chủ tịch nhãn khoa tại Đại học Stanford ở bang California, đã ca ngợi sự “táo bạo” của nhóm nghiên cứu NYU trong mục tiêu sửa chữa dây thần kinh thị giác và hy vọng ca cấy ghép này sẽ thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận