Người dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) phơi lại lúa sau lũ chiều 14-10 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Ngày 14-10, Huế trời đã tạnh mưa. Nhiều khu vực ngập sâu như huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang nước đã rút. Đây cũng là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh vì môi trường bị ô nhiễm nặng.
Lương thực ngâm trong nước bẩn
Tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền), nước lũ vừa rút, người dân đã bắt tay ngay vào dọn bùn non, phơi lúa, giặt lại quần áo ngâm trong lũ. Theo người dân ở đây, lũ năm nay lên bất ngờ và cao nên lúc đó ai cũng đi di tản, đồ đạc, lương thực ngâm trong nước bẩn 4-5 ngày.
Bà Lê Thị Linh (thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn) cho biết cả gia đình dọn nhà cả ngày chưa xong. Do ngâm lũ lâu, áo quần hư hết, phải giặt sạch, khử khuẩn mới sử dụng lại. Nhiều đồ đạc hư hỏng phải vứt bỏ nhằm đảm bảo an toàn. Dù nước sạch sau lũ thiếu thốn nhưng tuyệt đối gia đình ai cũng phải uống nước sạch để bảo vệ sức khỏe.
Đại diện Trạm y tế xã Phong Sơn cho biết ngay khi hết lũ, đơn vị đã phối hợp Đoàn thanh niên đi khử khuẩn môi trường tại trường học và chợ; phát động người dân lũ ra đến đâu dọn nhà đến đó, chôn xác động vật đúng nơi quy định, xa khu dân cư nhằm tránh mùi hôi.
Nước lũ chứa nhiều tạp chất
Theo nhiều chuyên gia, các khu vực ngập sâu nhiều ngày thiếu nước, thức ăn, nguồn nước lũ chứa nhiều tạp chất, vi khuẩn, xác động thực vật chết... nên dễ gây bệnh cho người dân. Bác sĩ Trương Như Sơn, giám đốc Bệnh viện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), cho biết đặc thù lũ năm nay khá đặc biệt khi vừa lũ lớn vừa kéo dài nhiều ngày nên nguy cơ mắc các bệnh sau lũ rất cao.
Do bị cô lập, nhà ngâm trong nước thời gian dài, thiếu thức ăn, nước uống nên các bệnh về dạ dày rất dễ xảy ra. Ngoài ra, những bệnh lý liên quan đến viêm da, da liễu cũng phổ biến do người dân ngâm nước khá lâu.
"Người dân cần quan tâm đến ăn chín uống sôi, bổ sung dưỡng chất đầy đủ bù lại những ngày lũ ăn tạm bợ. Các làng xóm, dân phố cần sớm khắc phục vệ sinh môi trường, dọn rác, xử lý xác chết động vật, bùn đất... để môi trường thông thoáng, khô ráo. Đặc biệt dịch bệnh rất dễ xảy ra ở trẻ em hiếu động nên phụ huynh cần lưu ý" - bác sĩ Sơn nói.
Đề nghị hỗ trợ khẩn cho bà con vùng lũ
Đến chiều 14-10, nhiều khu vực ở Quảng Nam lũ đã rút hẳn, người dân dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh. Hiện nay còn một số ngôi nhà sát mép sông Bàn Thạch còn ngập lũ nhưng mực nước rất thấp.
Theo tỉnh này, đợt mưa lũ vừa qua có 9 người chết, 2 người mất tích, hơn 15.000 ngôi nhà bị ngập lũ, 487ha lúa, 1.200ha hoa màu bị hư hại do lũ. Tỉnh này cũng có công văn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị hỗ trợ hàng dự trữ quốc gia, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh này đề nghị hỗ trợ 3 tấn cloramin B tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ. Bên cạnh đó hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 10.000 thùng mì gói, 2 tấn lương khô cứu trợ cho dân vùng bị ảnh hưởng của lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận