24/08/2015 21:33 GMT+7

​Người dân biên giới liên Triều phải sống trong hầm trú ẩn

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên đã buộc nhiều người dân Hàn Quốc sống dọc biên giới liên Triều phải sống tạm trong hầm trú ẩn những ngày qua.

Người dân Hàn Quốc sống ở một làng gần biên giới di chuyển đến hầm trú ẩn do tình hình căng thẳng Ảnh: WSJ

Đối với ông Eun Geum-Hong - 64 tuổi, một nông dân Hàn Quốc sống ở biên giới liên Triều, việc phải chui xuống hầm trú ẩn mỗi khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên căng thẳng, đối đầu là điều đã quen thuộc. Tính đến hôm nay, ông Eun phải sống trong hầm trú ẩn liên tiếp ba ngày.

“Tôi đã sống ở đây vài chục năm rồi. Không dễ để chuyển đến một nơi mới” - báo Wall Street Journal dẫn lời ông Eun nói. Ông bày tỏ hi vọng quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên đang đàm phán ở làng Bàn Môn Điếm sẽ sớm đạt được một thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng.

Sau vụ nổ mìn trong khu phi quân sự khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương, quân đội hai nước nã pháo sang nhau gây tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Dù đang đàm phán, hai bên tăng cường dữ dội lực lượng quân sự ở biên giới.

Từ trước vụ nổ mìn, biên giới liên Triều đã là vùng quân sự nóng bỏng nhất thế giới. Gần 1 triệu binh sĩ Triều Tiên và 500.000 binh sĩ Hàn Quốc đóng tại đây. Cả hai đều triển khai vũ khí hạng nặng dọc biên giới.

Nhưng rìa phía nam của biên giới liên Triều là một vùng đồi núi và ruộng đồng đẹp như tranh vẽ. Tại đây có hàng trăm hầm trú ẩn dành cho người dân Hàn Quốc sống tại địa phương. Các hầm này là những căn phòng được lắp điều hòa nhiệt độ, chứa thuốc men, thực phẩm và mặt nạ phòng độc.

Cứ vài tháng một lần người dân địa phương phải diễn tập việc di tản đến các hầm trú ẩn. Cuối tuần trước, các hầm này chặt kín người khi Triều Tiên đe dọa nã pháo để phá hủy dàn loa phóng thanh của Hàn Quốc ở biên giới.

Hiện nhiều người dân đã trở về nhà, nhưng tại thị trấn Jung sát khu phi quân sự vẫn còn nhiều người lo sợ, ở trong hầm. Nông dân Eun cho biết hồi tháng 9-2014, khi Triều Tiên đe dọa bắn các khinh khí cầu chở truyền đơn chống chính quyền Bình Nhưỡng, gia đình ông cũng phải chui vào hầm.

Ông cho biết hiện các hầm trú ẩn đã được trang bị cả tivi và tủ lạnh, nên việc phải sống trong hầm không quá khó chịu. Dù vậy, ông hi vọng hai bên sẽ sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình “để chúng tôi có thể trở về nhà”.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên