Quân đội Hàn Quốc triển khai hệ thống phóng tên lửa ở gần biên giới liên Triều - Ảnh: Reuters |
Hơn 11 năm trước, chính quyền Hàn Quốc tắt hệ thống loa phóng thanh được sử dụng để phát các thông điệp tuyên truyền chống chế độ CHDCND Triều Tiên, tin tức hằng ngày và nhạc pop vang vọng khắp khu vực phi quân sự (DMZ).
Sự kiện đó mở đường cho chính sách “Ánh dương” nhằm mục tiêu hàn gắn sự khác biệt giữa hai quốc gia anh em. Nhưng gần ba tuần trước, hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng do mìn khi tuần tra trong DMZ, Seoul bật lại dàn loa phóng thanh ở biên giới.
Phản ứng lại, CHDCND Triều Tiên giội pháo sang bên kia biên giới và Hàn Quốc đáp trả dữ dội. Sau đó, Bình Nhưỡng đe dọa mở cuộc tấn công sang miền nam. Tại sao CHDCND Triều Tiên phản ứng quyết liệt đến vậy với dàn loa phóng thanh?
Từ trước đến nay, Bình Nhưỡng vẫn luôn tỏ ra rất nhạy cảm với các chiến dịch tuyên truyền của Seoul, đặc biệt trong thời điểm hàng loạt vụ đào ngũ trong quân đội xảy ra suốt năm qua.
Đe dọa “chiến tranh”, “tấn công phủ đầu” cũng là cách CHDCND Triều Tiên phản ứng với các cuộc tập trận giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên.
Quan trọng hơn, động thái cứng rắn của Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Washington. Cần nhớ rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đạt bước tiến bộ ngoại giao lịch sử với hai cựu thù Iran và Cuba.
Mà mục tiêu của CHDCND Triều Tiên luôn được thừa nhận là một quốc gia hạt nhân. Và Bình Nhưỡng coi Washington, chứ không phải Seoul, mới là đối tác đàm phán xứng đáng.
Trên thực tế, một số nhà phân tích về quan hệ liên Triều cho rằng Hàn Quốc có thể đã phản ứng quá mức cần thiết khi khởi động lại dàn loa phóng thanh ở biên giới.
Bởi ngay cả sau khi dư luận Hàn Quốc phẫn nộ với vụ tàu Cheonan bị bắn chìm khiến hàng chục thủy thủ thiệt mạng và đảo Yeonpyeong rơi vào hỗn loạn vì hứng đạn pháo, chính quyền Seoul vẫn không trả đũa bằng cách bật lại dàn loa phóng thanh.
Vấn đề là cả quân đội Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều gài mìn tại khu DMZ. Các chuyên gia cho biết do trời mưa và đất dịch chuyển, rất có thể những quả mìn cũng bị dịch chuyển theo.
Tất nhiên phía các quan chức Seoul lên tiếng bác bỏ khả năng này. Nhưng rõ ràng động thái có phần vội vàng của Hàn Quốc đã tạo cơ hội cho CHDCND Triều Tiên dấn thêm một bước thể hiện sự cứng rắn nhằm nhiều mục đích, đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.
Bất chấp những đe dọa đầy huyên náo và cuồng nộ, hầu như chắc chắn cuộc đối đầu giữa hai miền Triều Tiên sẽ không dẫn tới đụng độ và căng thẳng sẽ sớm lắng dịu.
Cả hai bên đều đã chấp nhận lùi một bước khi đồng ý đàm phán tại làng Bàn Môn Điếm ở khu DMZ. Dù đàm phán không đạt được kết quả nào hôm 22-8 và phải kéo dài tới hôm qua thì đó vẫn là tín hiệu tích cực.
Và kể cả khi đàm phán đổ vỡ thì thực tế sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hề leo thang tới mức nghiêm trọng như những năm trước.
Bằng chứng rõ nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn đang hoạt động êm ả tại khu công nghiệp chung Kaesong ở CHDCND Triều Tiên. Khu công nghiệp này từng bị đóng cửa trong những lần đối đầu trước đây giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Một nhóm cầu thủ bóng đá Hàn Quốc vẫn tới Bình Nhưỡng thi đấu an toàn. Có đủ lý do để tin rằng cuộc đàm phán ở làng Bàn Môn Điếm sẽ ít nhất mang lại một kết quả nào đó để hai nước cùng giữ được thể diện và tháo ngòi căng thẳng.
Bình Nhưỡng triển khai thêm thiết bị quân sự Theo AFP, hôm qua Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cáo buộc quân đội CHDCND Triều Tiên triển khai thêm 50 tàu ngầm và tăng gấp đôi số lượng pháo cối ở biên giới liên Triều dù đàm phán đang diễn ra. “Số tàu ngầm được triển khai cao gấp 10 lần bình thường. Chúng tôi coi đây là diễn biến nghiêm trọng", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng chỉ trích: “CHDCND Triều Tiên đang thể hiện thái độ hai mặt”. Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc rằng đây là lần triển khai tàu ngầm lớn nhất của CHDCND Triều Tiên kể từ chiến tranh Triều Tiên. “Không ai biết liệu họ có tấn công tàu chiến và tàu thương mại của chúng tôi hay không. Chúng tôi đang huy động toàn bộ nguồn lực giám sát để truy lùng các tàu ngầm này” - quan chức trên nhấn mạnh. Bình Nhưỡng có khoảng 70 tàu ngầm, so với 10 tàu của Seoul. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận