11/05/2015 09:55 GMT+7

Người “chị cả” của xóm nghèo

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Suốt 10 năm làm bí thư chi bộ ấp, bà Nguyễn Thị Mười Hai (65 tuổi) được người dân yêu thương như người chị cả trong gia đình, đơn giản là vì bà luôn sống vì họ.

Bà Mười Hai trò chuyện với một học sinh nghèo mà bà hay cho sách vở đi học - Ảnh: V.Tr
Bà Mười Hai trò chuyện với một học sinh nghèo mà bà hay cho sách vở đi học - Ảnh: V.Tr

Tất cả chuyện lớn, chuyện nhỏ họ đều tìm đến bà, có khi chỉ để trút bầu tâm sự cho nhẹ lòng.

Ông Nguyễn Văn Trọng (giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang, nguyên bí thư Huyện ủy Chợ Gạo) quả quyết: “Thật khó tìm một bí thư chi bộ ấp luôn sống, làm việc tận tụy và hết lòng với dân như chị Mười Hai. Tỉnh ủy Tiền Giang tặng bằng khen biểu dương chị vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là rất xứng đáng”.

Bênh vực người nghèo

Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Mười Hai (ở ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) vào một ngày cuối tuần. Cửa rào đóng kín. Một người hàng xóm cho biết: “Tui mới thấy bả ở tiệm của thằng Doanh kìa”.

Đó là một phụ nữ tóc hoa râm, có gương mặt phúc hậu đang lui cui sắp xếp lại hàng hóa. Mấy hôm nay vợ của anh Hồ Quốc Doanh bị bệnh nặng không thể phụ bán nên lúc nào rảnh thì bà Mười Hai ghé phụ giúp một tay. Vợ chồng anh Doanh không có ruộng đất sản xuất, chỉ sống nhờ thu nhập từ quầy rau cải nho nhỏ ven đường. 

Cuối năm 2014, anh bị rút sổ hộ nghèo. Cũng vì chuyện này mà bà Mười Hai luôn cảm thấy ray rứt bởi đã thiếu quyết liệt trong việc đấu tranh để giữ sổ hộ nghèo cho anh. Bà tâm sự: “Hôm nào thấy tiệm tạp hóa đóng cửa thì tôi biết chắc vợ nó đang ở bệnh viện. Bán rau cải thế này thì mỗi ngày lời bao nhiêu trong khi vợ nó đau bệnh quanh năm, làm sao mà thoát nghèo chứ”.

15 tuổi, bà Mười Hai đã đi làm giao liên rồi sau đó tham gia bộ đội cho đến ngày đất nước thống nhất. Năm 2004, bà được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ ấp Mỹ Thạnh sau khi về quê nghỉ hưu. Nhiệm vụ của tân bí thư là phải đưa 35 hộ trong ấp thoát nghèo.

Thế nhưng suốt hai nhiệm kỳ qua, bà Mười Hai bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ bởi vì chỉ mới cho thoát nghèo được 18 hộ.

Bà giải thích: “Ấp này có 400 hộ, nhưng những hộ nghèo thì phải dùng từ nghèo rớt mồng tơi mới đúng. Tôi là bí thư, cũng có quyền cho họ thoát nghèo đấy, nhưng tôi không làm như vậy. Tôi không bao giờ vì thành tích của mình mà làm cho dân khổ”.

Suy nghĩ của bà khiến cấp trên không hài lòng. Bà kể: “UBND xã nhiều lần đưa hộ ông Nguyễn Văn Minh vào diện cho thoát nghèo vì cho rằng ông này đã có căn nhà kiên cố. Thế nhưng tôi phản đối quyết liệt, bởi lẽ căn nhà do đứa con gái ông đi làm công nhân dành dụm cất nhưng có cửa, chưa xong gì hết thì nó bị bệnh qua đời. Người con trai còn lại thì bị câm điếc. Bản thân ông Minh phải sống nhờ thuốc vì bệnh tim nặng”.

Gần đây bà Mười Hai còn đi vận động được kinh phí tổ chức bếp ăn miễn phí cho người nghèo, học sinh trong xã. Mỗi tháng bà nấu ăn hai lần, mỗi lần có khoảng 400 người được phục vụ.

Dẹp nhạc sống

Bà Mười Hai kể mấy tháng trước karaoke nhạc sống cũng hoành hành dữ dội ở xóm nghèo này. Đám tiệc nào cũng có nhạc sống. Thanh niên nhậu nhẹt cũng rước nhạc về hát ỏm tỏi. Bà họp dân ở 12 tổ tự quản để bàn cách “trị” nhạc sống.

Những thanh niên hay nhậu nhẹt hát hò cũng dự họp. Tất cả mọi người đồng tình ban hành quy ước: “Chỉ có đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, sinh nhật mới được hát tới 22g nhưng chỉnh âm thanh vừa đủ nghe không để ảnh hưởng đến hàng xóm. Còn nhậu nhẹt mà thuê nhạc sống hát thì dứt khoát phải kết thúc lúc 18g”.

Mới đây ông Phan Văn Quyện (tổ trưởng tổ tự quản số 9) được UBND xã tặng giấy khen vì đã làm gương cho dân trong việc tổ chức tiệc cưới cho con mà không thuê nhạc sống. Khi con trai ông thuê dàn nhạc “khủng” mang về thì ông nổi giận: “Kêu người ta chở về ngay. Không nhạc, không hát hò gì hết!”.

Sau đó ông Phạm Văn Học (tổ trưởng tổ tự quản số 10) cũng tổ chức đám cưới cho con không có nhạc sống. Nhiều người dân thấy vậy cũng nói “không” với nhạc sống. Đảng ủy - UBND xã Hòa Định gọi lãnh đạo các ấp còn lại đến chỉ đạo: “Ấp Mỹ Thạnh dẹp nhạc sống được rồi đó, mấy ông tới học tập kinh nghiệm mà làm đi!”.

Bà Mười Hai kể tiếp: “Hôm tết có một cháu trong xóm xin tôi cho hát nhạc sống đến 20g vì có bạn ở xa về chơi. Người này rất mê hát, nếu không thuê nhạc sống về chơi thì sẽ mất mặt với bạn. Vì cháu nó cứ năn nỉ hoài nên tôi xiêu lòng.

Đúng 20g dàn nhạc ngưng chơi như đã hứa. Nhưng hôm sau họp tổ tự quản tôi bị dân phê bình nặng lắm. Tôi phải đứng lên xin lỗi dân về việc này và hứa sẽ không để bất cứ trường hợp nào vi phạm quy ước về karaoke nhạc sống nữa”.

Kiên trì hòa giải 

Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm bà Mười Hai còn được tỉnh đánh giá là một trong số ít hòa giải viên xuất sắc nhất hiện nay. Những vụ xích mích, mâu thuẫn trong ấp bà đều có mặt và kiên trì hòa giải cho đến khi nào thành công mới thôi.

Người dân ấp Mỹ Thạnh ai cũng biết hai hộ Đ.T.K.H. và P.T.T. căng thẳng với nhau rất nhiều năm chỉ vì tranh chấp đường đi. Bà Mười Hai gặp cán bộ địa chính để tìm hiểu vụ việc và xác định đất đường đi này thuộc chủ quyền của chị T..

Việc chị H. tranh chấp là sai. Bà nhiều lần đến nhà chị H. tỉ tê tâm sự, giải thích. Một hôm bà Mười Hai tới nhà chị H. nghiêm giọng: “Hôm nay tao nói với bây chuyện này lần cuối. Nếu bây không nghe thì tao ở đây nấu cơm ăn rồi nói tiếp. Đất đó là của con T., mày tranh chấp là sai”. Cuối cùng chị H. cũng thừa nhận mình sai nên hứa sẽ không tranh chấp gì nữa và chủ động làm lành với chị T.. “Hai đứa nó đã làm lành với nhau rồi. Mỗi lần đi họp tổ tự quản hai đứa đều rủ nhau đi chung rất vui vẻ” - bà Mười Hai cười tươi.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên