Từ một vài đứa, ngôi nhà của ông trở thành mái ấm che chở bình yên và đưa những phận đời bất hạnh bay vào đời.
Người đàn ông này bảo rằng ông chỉ muốn làm một công việc gì đó có thể cưu mang, bớt nhọc nhằn và thay đổi số phận của những người kém may mắn chứ không có mục đích được ai biết hoặc nhận sự tán thưởng nào. Hành trình ấy đã âm thầm, lặng lẽ suốt hơn 15 năm qua.
Người cha nuôi giàu lòng thương
Một ngôi nhà cấp 4, mái lợp bằng ngói, tường xây vữa đơn sơ nằm bên đồng lúa gần như được tận dụng từng mét vuông đất để làm chỗ vui chơi, gian học tập, phòng ngủ cho những đứa trẻ. Từ sáng tới tối tiếng trẻ con luôn chộn rộn, những bảo mẫu và ông Hùng không lúc nào ngơi tay chăm sóc những đứa con không máu mủ ruột rà của mình.
Trưởng khu phố Tân Thịnh, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh Nguyễn Đình Vững nói rằng cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng - người nhận nuôi những đứa trẻ cơ nhỡ ở Tân Thịnh - là "người đàn ông kỳ lạ".
Câu chuyện của ông Hùng bắt đầu từ cách đây chừng 15 năm. Một phụ nữ sống đơn thân trong vùng vì phải đi làm xa mà ít có điều kiện nuôi nấng đứa con đau yếu nên tìm tới gửi nhờ ông Hùng chăm sóc vì thấy ông yêu trẻ con. Người này ban đầu cũng bảo tìm tới ông vì thấy nét mặt ông phúc hậu, tử tế.
Thấy ông nhận nuôi trẻ, nhiều người khó khăn cứ tìm tới gửi con. Ban đầu họ chỉ để trẻ từ sáng rồi đi làm, tới tối đón về nhưng lâu dần thấy trẻ quấn ông, tới tháng ông cũng chẳng lấy tiền chăm trẻ nên nhiều người tới rỉ tai ông về những đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi ở đâu đó, mong được ông giúp đỡ.
Ông Hùng bảo rằng mình từng là một người lính, chiến đấu và trở về từ Campuchia. Khi về cuộc sống đời thường, ông cố gắng sống thật tử tế, giúp người khó khăn bằng nhiều cách trong khả năng của mình bù lại cho những mất mát mà đồng đội ông đã nằm lại. Trước khi lập trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, ông đã dành thời gian và tiền bạc để xây nhà tình thương cho người nghèo khó.
Ông không một tiếng la, một lời quát nạt mà luôn từ bi, bao dung, âu yếm và thương yêu chiều chuộng các con của mình dù lũ trẻ có quấy khóc, quậy phá đến bao nhiêu. Tất cả các con ông đều gọi ông là ba, đứa nhỏ hơn thì gọi là "ông" dù chúng chẳng hề biết mình có phải con hay cháu ruột của người đang nhận nuôi mình hay không.
Nhường hết yêu thương cho các con
Chúng tôi khá bất ngờ khi giữa một cơ sở nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có nhiều dãy phòng - từ nhà ăn, sân khu vui chơi cho đến phòng học, nhà nghỉ ngơi, phòng đọc sách cho trẻ - nhưng chỉ có một căn phòng nhỏ như phòng trọ làm nơi để ông Hùng nghỉ ngơi.
Ông nói rằng chủ yếu dành cho các con ông những gì tốt đẹp nhất, còn ông thì đã quá già, sống ngoài 60 tuổi là đã quá đủ rồi nên ông không có nhu cầu nhiều. Căn phòng của ông chỉ kê một tấm nệm để nằm, một chiếc quạt tường được mắc để xua tan cái nóng oi bức mùa hè, còn máy lạnh, nệm êm, phòng đẹp ông đều nhường cho lũ trẻ.
Đặc biệt ở mái ấm, nhiều người cũng đã tìm tới tự nguyện giúp việc, nhận nấu ăn, dọn dẹp, làm sổ sách, chăm sóc trẻ mà không nhận tiền công.
Chị Đinh Thị Hồng Đức - bảo mẫu tại cơ sở của ông Hùng - nói đã nghe bà con kể nhiều về mái ấm của ông Hùng nhưng năm 2014, khi đứa con của chị khó nuôi, ốm đau liên tục khiến chị không thể đi làm việc được thì chị đem con đến gửi ông Hùng.
Bằng kỹ năng trò chuyện tuyệt vời với trẻ con, ông Hùng đã giúp con của chị Đức khỏe mạnh, vui vẻ, ăn uống đều đặn và thích đi học như những đứa trẻ bình thường khác. Nhiều lần lui tới thăm con, chị xúc động khi thấy người đàn ông dành hết năm tháng tuổi già chăm sóc cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nên chị xin ông Hùng vào phụ giúp hằng ngày mà không nhận tiền công.
Ngoài chị Đức còn có hai bảo mẫu, người chăm trẻ khác cũng tìm đến phụ ông Hùng cùng vợ lo cho những đứa nhỏ. Thương cha mình, các con của ông Hùng ở Đà Nẵng, sống ở các nơi cũng dành thời gian về chăm lũ trẻ, dành tiền bạc để mua gạo, áo quần, sách vở để trẻ được ăn no, được mặc đủ quần áo và đến trường mỗi ngày.
Những đứa trẻ đi học hằng ngày ở các trường phổ thông như những trẻ khác. Nhiều em thành sinh viên đại học, trưởng thành rồi quay lại mái ấm tìm cách giúp ân nhân của mình nuôi những đứa trẻ khác.
Đề xuất khen thưởng ông Tấn Hùng
Ngày 28-11, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công văn giới thiệu câu chuyện của ông Hùng gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề xuất khen thưởng gương điển hình tiên tiến phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025.
Trong hồ sơ có nêu: Từ khi thành lập trung tâm đến nay có khoảng 200 trẻ đến được một thời gian thì người thân đón về, hơn 200 em ở lại trung tâm đến khi trưởng thành. Ở tại trung tâm các em được tạo điều kiện để đến trường đi học và có việc làm. Đến nay có bốn em đã tốt nghiệp đại học ra trường đi làm. Ngoài ra, ông Hùng còn giúp đỡ rất nhiều gia đình và người nghèo tại địa phương.
Ông Huỳnh Tấn Hùng và vợ vốn không khá giả gì, cũng không có lương bổng, sống dựa vào mấy sào lúa cùng công việc loanh quanh thị trấn đắp đổi qua ngày. Nhưng vợ ông Hùng cũng đồng ý khi nghe chồng trình bày phương án. Việc nuôi dạy trẻ sẽ tùy thuộc vào khả năng kinh tế của gia đình, có ít thì nuôi ít, có thêm ai đó giúp thì nhận nuôi thêm.
Vào mái ấm đặc biệt này có thể dễ dàng cảm nhận sự quan tâm, thương yêu và dành tình cảm đặc biệt của ông với những đứa con không máu mủ của mình. Dù không biết ông từ trước, không chung họ hàng hay dòng máu nhưng khi được sống dưới bàn tay ông, những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đều quấn ông như chính cha đẻ của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận