20/02/2010 07:01 GMT+7

Nhà có bốn "người cha"

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Bốn người đàn ông, “già” nhất 38 tuổi, “trẻ” nhất 25 tuổi cùng nhau “hùn vốn” xây một mái nhà cho những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, tật nguyền. Tự tay các “ông bố” chăm lo cho những “đứa con” từng giấc ngủ, bữa ăn, dạy nghề cho chúng.

7OkdXeYc.jpgPhóng to
Thầy Cường (bìa phải) dạy các em học vẽ - Ảnh: Đoàn Cường

Hơn 8g sáng, trong căn nhà nhỏ ở khối phố Mỹ Hòa (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam), Nguyễn Thị Liên (bị câm điếc) cùng Võ Nhật Minh (bị thiểu năng trí tuệ), Trần Minh Nhất (bị tật hai tay) và Phạm Hồng Hải (bị động kinh) xoay tròn bên chiếc bàn gỗ, em thì tô màu, em cầm bút vẽ...

Cạnh đó là thầy Nguyễn Thanh Quyền (giáo viên dạy mỹ thuật Trường THCS Phù Đổng) vừa ngồi gảy đàn vừa quan sát mấy đứa trẻ.

Gần một giờ sau các em “ú ớ” gọi thầy để khoe tác phẩm bình hoa mai mới hoàn thành.

Cha!

Người “cha cả” - anh Nguyễn Đức Cường - nhìn cảnh “thanh bình” này mà mỉm cười bởi công sức bấy lâu đã mang lại hiệu quả.

Đêm đầu tiên anh nhận Phạm Hồng Hải từ tay cha mẹ em ở huyện Thăng Bình mang ra là một đêm dài dằng dặc. Dù đã được cha mẹ Hải “cảnh báo” trước nhưng võ sư karatedo này cũng khiếp đảm. “Gần 22g tôi nghe cái bịch, rồi tiếng gào thét... chạy đến phòng ngủ của các em thì thấy Hải sùi bọt mép, trợn ngược mắt khiến tôi và gia đình rất sợ. Nhưng rồi đã thành quen” - anh Cường kể.

Sau này có thêm thầy Quyền, thầy Văn Tuấn, thầy Đức Tuấn, vậy là cả bốn “người cha” thay nhau canh giấc ngủ, chăm lo từng miếng ăn cho những đứa con...

Đừng nói nhiều về chúng tôi

Đó là lời đề nghị của bốn “người cha”, bởi các anh chỉ mong giúp được những đứa trẻ tật nguyền có cuộc sống tử tế như người bình thường. Lý lịch bốn “người cha”: Nguyễn Đức Cường (sinh năm 1972, võ sư karatedo), Nguyễn Thanh Quyền (1985, giáo viên Trường THCS Phù Đổng), Võ Văn Tuấn (1984, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thành Hãn) và Nguyễn Đức Tuấn (1981, giáo viên Trường THCS Trần Cao Vân).

Những tưởng có lúc những người thầy ở đây phải bỏ cuộc vì “sự nghiệp” dạy các em quá gian nan, thử thách.

“Nhưng bù lại các em rất chăm ngoan và hiền lành, điều đó khiến chúng tôi không muốn rời xa các em” - thầy Quyền chia sẻ.

Ngày đầu tiên những đứa trẻ ở đây được phát mỗi đứa một tờ giấy vẽ cũng là ngày “tai họa” theo cách nói vui của những người thầy. Giấy vừa được đưa đến tay lũ học trò đặc biệt là lập tức... rách tả tơi bởi chúng tì vẽ quá mạnh tay. Vậy là thầy lại chạy vội ra chợ mua thêm giấy vẽ.

“Đó là thời kỳ mà giấy vẽ chủ yếu được đưa vào sọt rác là nhiều” - các thầy chia sẻ chung như vậy.

Gần tết vừa rồi, bốn “người cha” lại bàn nhau lấy hoa nhựa về dạy các em cách cắm hoa cho quen tay, bán được cái nào thì bán. Nhưng bình hoa mới đưa vào tay chúng là lập tức “xoảng, xoảng”, lại bể, lại bỏ vào sọt rác và lại làm lại từ đầu...

Cứ vậy cần mẫn cho đến lúc những bàn tay cong queo của các em nhuần nhuyễn với công việc này.

“Chúng tôi chỉ mong đến khi ra đời các em có thể tự kiếm sống bằng chính bàn tay của mình, bằng chính nghề được học, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội” - anh Cường hi vọng.

Chạy ăn cho “con”

Những ngày giữa mùa hè 2008 vẫn còn ám ảnh Cường, khi đó anh gặp một cậu bé ngồi trên xe lăn lang thang ngoài đường rồi xuất hiện trong các đám ma, đám cưới để xin ăn... Từ đó anh quyết định cưu mang những đứa trẻ này để các em có chỗ nương tựa, được học nghề để sống tử tế với đời.

“Tôi bàn với gia đình về ý tưởng của mình và ngay sau đó lấy 200m2 đất vườn làm nhà, vay ngân hàng gần 20 triệu đồng. Bạn bè tôi mỗi người góp viên gạch, cây gỗ, mái ngói... cứ vậy cho đến ngày có một mái nhà thật sự” - anh Cường nói.

Chia sẻ ý tưởng với những người bạn là ba thầy giáo dạy mỹ thuật và đón nhận được cái gật đầu cùng vào cuộc. Các anh lại lặn lội khắp các vùng Duy Xuyên, Thăng Bình... để tìm và đưa những đứa trẻ tàn tật về lo ăn, dạy nghề cho các em.

Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động dựa vào quán cà phê mang tên Cội Nguồn và những đồng lương từ công việc dạy võ của Cường.

“Nếu tháng nào thu được dưới 6 triệu đồng thì cả nhà cùng “đói”, bởi chỉ riêng tiền giấy, bút vẽ, mực... cho chín đứa trẻ ở đây cũng gần 2 triệu đồng/tháng. Chưa kể tiền ăn uống, áo quần cho các em” - anh Cường nhẩm tính.

Cường cùng các bạn lặn lội về Hội An mang tranh của các em đi ký gửi nhờ bán. “Nhưng kết quả vẫn chưa được tốt vì tranh các em vẽ chưa thật đẹp” - anh cho hay.

Nỗi lo chung của bốn “người cha” vẫn là tìm được đầu ra cho sản phẩm mà những “đứa con” tật nguyền kỳ công vẽ ra.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên