Ngày 28-3, ông Gélinas Guy, nạn nhân người Canada trong vụ tai nạn giao thông nêu trên, phản ánh: "Tôi rất băn khoăn vì chúng tôi là người bị hại trong vụ án nhưng lại bị Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa tạm hoãn xuất cảnh...".
Nạn nhân lo ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Theo ông Gélinas Guy, khi Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh với ông khiến cho việc trở về Canada của ông bị trở ngại. Bởi vậy, mục đích trở về để điều trị vết thương sẽ không thể được thực hiện, "sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe sau này".
Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đối với ông Gélinas Guy có hiệu lực từ ngày 17-3 đến ngày 16-7-2023 với mục đích là "để phục vụ việc xác minh, điều tra".
Quyết định này cũng đã được gởi đến Viện KSND tỉnh Khánh Hòa.
Trong khi đó, theo đơn ngày 20-3-2023, ông Gélinas Guy trình bày: "Đến nay, tôi chưa nhận được văn bản tố tụng của cơ quan có thẩm quyền về việc khởi tố vụ án, cũng chưa nhận được văn bản nào về việc tôi là người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố".
Người bị tạm hoãn xuất cảnh có quyền khiếu nại
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - viện dẫn điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự quy định rằng: có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ và bị can, bị cáo.
Ngoài ra, điều luật này cũng quy định, quyết định tạm hoãn xuất cảnh "phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành".
Khi nhận được quyết định đó của cơ quan điều tra, kiểm sát viên phải tiến hành kiểm tra về căn cứ, thẩm quyền. Trong trường hợp xét thấy quyết định tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan điều tra không có căn cứ thì kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo viện kiểm sát ra văn bản yêu cầu cơ quan điều tra hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Trong trường hợp cơ quan điều tra không thực hiện thì viện kiểm sát có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh đó theo quy định tại điều 41 và khoản 5 điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà cũng khẳng định đó là quy định của pháp luật tố tụng hình sự, chủ yếu áp dụng với đối tượng nghi can, bị can, bị cáo. Chứ nạn nhân của vụ án tai nạn giao thông không thuộc đối tượng kể trên.
"Trường hợp công dân, người bị tạm hoãn xuất cảnh xét thấy quyết định tạm hoãn xuất cảnh không đúng các quy định pháp luật, họ có thể làm đơn khiếu nại đến cơ quan ban hành quyết định và đến viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để yêu cầu hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh trái pháp luật", luật sư Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận