28/11/2018 12:35 GMT+7

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 6: Người mẫu Palestine yêu thơ ca Việt Nam

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Trong cộng đồng người Ả Rập ở Hà Nội có một thanh niên 9X người Palestine khá nổi tiếng nhờ nói thành thạo tiếng Việt, hát ca khúc Việt, thích thơ ca Việt và làm nghề người mẫu, diễn viên tự do.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 6: Người mẫu Palestine yêu thơ ca Việt Nam - Ảnh 1.

Saleem Hammad mặc áo dài khăn đóng truyền thống của Việt Nam Ảnh: NVCC

“Nếu được tạo điều kiện, tôi muốn ở Việt Nam luôn vì đất nước này luôn đem tới cho tôi những trải nghiệm mới mẻ, khó quên.

SALEEM HAMMAD

Đó là Saleem Hammad, một trong những sinh viên người Palestine đầu tiên học tại Việt Nam.

Tìm thấy hạnh phúc đích thực ở Việt Nam

"Nhiều người thường hỏi tôi vì sao lại chọn Việt Nam để học tập và sinh sống, tôi chỉ trả lời đơn giản là chữ "duyên"" - Saleem nói.

Saleem Hammad xuất thân trong một gia đình nghèo ở Palestine. Năm 2011, cậu tốt nghiệp cấp III, đăng ký thi ngành cơ khí - kỹ thuật và Học viện Cảnh sát tại Palestine.

Sau khi thi đỗ cả hai trường, Saleem đã chọn học trường cảnh sát và từ bỏ ý định trở thành kỹ sư vì mức học phí của ngành này quá cao so với thu nhập của gia đình.

Tại trường cảnh sát, cậu bạn 9X đã đạt thành tích học tập xuất sắc và nhận được học bổng sang Việt Nam du học.

"Việt Nam là đất nước anh hùng mà tôi được nghe và biết đến thông qua những bài học lịch sử về các phong trào cách mạng giải phóng. Việt Nam đón chào tôi vào mùa thu se lạnh. Từ sân bay Nội Bài đến trung tâm Hà Nội, tôi thấy rất nhiều cây xanh và hồ nước" - Saleem bồi hồi nhớ lại kỷ niệm khi lần đầu đặt chân đến thủ đô Hà Nội ngày 25-11-2011.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chàng thanh niên Trung Đông toàn tâm toàn ý học tiếng Việt. Sau hơn nửa năm nỗ lực, Saleem đã có thể hát "ngon ơ" những ca khúc truyền thống và cả những ca khúc "hot" của giới trẻ Việt Nam thời bấy giờ.

Saleem là một trong những sinh viên nước ngoài nổi bật tại khoa Khoa Việt Nam học, Đại học Hà Nội. Saleem được bầu làm lớp trưởng trong 2 năm liền.

Cậu nhanh chóng thích nghi với đời sống giới trẻ ở Hà Nội, thích lang thang trên phố cổ, ngồi trà chanh "chém gió" ở phố Nhà Thờ và la cà ở các hàng quán vỉa hè. Tuy nhiên, do là tín đồ Hồi giáo, Saleem không bao giờ tham gia các cuộc "nhậu" cùng những người bạn Việt Nam.

Anh chàng Palestine rất thích tìm tòi văn hóa, lịch sử Việt Nam khi thường xuyên tham quan các địa danh lịch sử, cảnh đẹp nổi tiếng của đất nước Việt Nam cũng như tham gia các hoạt động thiện nguyện để có thể hiểu kỹ hơn về nơi mình đang học tập và làm việc.

"Ở Việt Nam có câu tục ngữ "nhập gia tùy tục", nên tôi cố gắng hết sức hòa nhập vào văn hóa Việt Nam và đã chăm chỉ học tiếng Việt đến khi nó trở thành như tiếng mẹ đẻ.

Càng tìm hiểu sâu về phong tục tập quán của người Việt Nam, tôi càng thấy yêu đất nước, con người nơi đây và muốn gắn bó với nơi này mãi..." - cậu chàng tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam, ngày 10-7-2016, Saleem trở về nước làm việc trong văn phòng quan hệ quốc tế của Trường đại học an ninh Al Istiqlal thuộc Học viện Cảnh sát Palestine, một công việc đáng mơ ước.

Tuy nhiên, nỗi nhớ đất nước và con người Việt Nam đã thôi thúc cậu trở lại Việt Nam chỉ sau 9 tháng.

"Trở về nước, tôi nhớ Việt Nam chỉ sau một tuần. Nhưng tôi không đặt vé quay lại ngay lập tức. Tôi chờ đến tận 9 tháng sau, khoảng thời gian đủ để suy nghĩ thấu đáo - Saleem kể - Tôi đã nghĩ rất kỹ về lý do tôi bỏ công việc đó.

Công việc nhiều người mơ ước, mang đến cho tôi thu nhập cao, gia đình tự hào. Nhưng lúc đó tôi không hạnh phúc một chút nào".

Quyết định quay lại Việt Nam khiến cha của Saleem rất giận, nhưng sau đó ông đã thông cảm khi biết con trai có công việc ổn định ở Việt Nam.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 6: Người mẫu Palestine yêu thơ ca Việt Nam - Ảnh 3.

Saleem Hammad (bìa phải) tìm hiểu về phong tục gói bánh chưng ngày tết ở miền Bắc Việt Nam - Ảnh: NVCC

Muốn làm cầu nối văn hóa

Chàng trai Ả Rập 25 tuổi điển trai cho biết trong khi theo học tiếng Việt, anh cảm thấy yêu thơ ca Việt Nam. Anh có thể đọc làu làu những bài thơ yêu thích như Yêu của thi sĩ Xuân Diệu, hay các câu ca dao lục bát như "Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu".

"Tôi thích thơ Việt Nam bởi vì đó là những chữ tiếng việt sâu sắc nhất ẩn giấu những ý nghĩ lớn. Càng đọc thơ tiếng Việt, tôi càng cảm nhận cái hay của tiếng Việt, cách ghép từ và những nghĩa đen, nghĩa bóng đằng sau mỗi con chữ" - Saleem nói.

Trong 7 năm gắn bó với Việt Nam, Saleem Hammad tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, thực hiện nhiều chương trình, phim tài liệu tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam. Song song đó, anh "bén duyên" với nghệ thuật và hoạt động như người mẫu kiêm diễn viên tự do.

Saleem bày tỏ mong muốn được trở thành cầu nối văn hóa, đưa hình ảnh đất nước Trung Đông của anh đến gần hơn với những người bạn Việt Nam và ngược lại.

Sau khi quay lại Việt Nam từ quê nhà Palestine, hiện tại anh đang làm việc cho Đại sứ quán Qatar ở Hà Nội.

"Dù chưa có duyên làm việc cho Đại sứ quán Palestine, nhưng tôi vẫn có kế hoạch rõ ràng để quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam đến với Palestine nói riêng, thế giới Ả Rập nói chung và ngược lại" - Saleem chia sẻ.

Theo đó, kế hoạch của Saleem trong thời gian sắp tới là xây dựng một kênh YouTube với nhiều chủ đề khác nhau về văn hóa bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Ả Rập. Anh tin rằng những câu chuyện văn hóa này sẽ thu hút sự chú ý của khán giả.

Saleem cho biết trong quá trình học tập ở Việt Nam, anh đã trải qua nhiều nghề để tự nuôi sống bản thân, từ dạy học cho trẻ con đến làm hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, MC, người mẫu, diễn viên, đóng quảng cáo và cả làm chủ nhà hàng...

Anh cho biết đây sẽ là những trải nghiệm sống thú vị để "khoe" với con cháu sau này, cũng như làm nguồn tư liệu sống động cho kênh YouTube của mình.

Một trong 100 người Ả Rập ảnh hưởng nhất thế giới

saleem

Saleem Hammad nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi Khoa Việt Nam học, Đại học Hà Nội năm 2016 - Ảnh: NVCC

Saleem Hammad là người mẫu và MC người Palestine, được trang arabianbusiness.com bầu chọn là 1 trong 100 người Ả Rập có sự ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới năm 2017.

Saleem học ở Việt Nam nhờ 1 học bổng từ Học viện Cảnh sát Palestine. Khi đang học ở ĐHQG Hà Nội, Saleem giành giải nhất cuộc thi tiếng Việt dành cho sinh viên nước ngoài.

Kỳ tới: Người phụ nữ Việt có tên Ả Rập là Khadija

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên