24/11/2018 20:17 GMT+7

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 2: Chuyện Anh Mã

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - M’hammed Ben Aomar Lahrech, cán bộ Đảng Cộng sản Morocco, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Việt Nam là "Anh Mã".

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 2: Chuyện Anh Mã - Ảnh 1.

Ông Ben Aomar và vợ Camille - Ảnh tư liệu của GS Abdallah Saaf

Trong khi phân phát những đồ vật còn sót lại của tướng De Castries, Ben Aomar đã lấy ra một chiếc bút chì tặng tôi khi ông trở về Morocco từ Việt Nam. Tôi vẫn còn giữ chiếc bút đó cho đến bây giờ.

ALI YATA (một lãnh đạo của Đảng Cộng sản Morocco)

Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Đảng Cộng sản Morocco cử một cán bộ đến Việt Nam để tập hợp đội ngũ các hàng binh, lính đào ngũ và tù binh Bắc Phi của quân đội Việt Minh.

Đồng chí M’hammed Ben Aomar Lahrech được chỉ định, và đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Việt Nam cho đồng chí là "Anh Mã".

Thu phục hàng binh Bắc Phi

Theo tư liệu của giáo sư người Morocco Abdallah Saaf (khoa luật - kinh tế và xã hội học của ĐH Mohammed V, Rabat, Morocco), năm 1951, khi đến Việt Nam, Anh Mã - Ben Aomar được một phái đoàn Việt Minh tiếp đón chính thức, sau đó được dẫn đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng rất có ít thông tin về cuộc gặp này.

Lúc mới đặt chân đến Việt Nam, Anh Mã thực hiện một chuyến đi vòng quanh các trại tập trung người Bắc Phi. Tình trạng của những người lính Bắc Phi có vẻ thảm hại.

Những người Morocco cũng như người lính Bắc Phi, châu Phi hay châu Âu đào ngũ khỏi quân đội viễn chinh của Pháp tại Đông Dương được lựa chọn và phân thành từng nhóm: họ được ghi tên, đánh giá và gửi đến các trại đặc biệt, gần giống với các trại tù binh chiến tranh.

Họ uể oải thức dậy mỗi buổi sáng với cơ thể đầy những vết thương ngoài da do mụn mủ và gãi ngứa đến chảy máu da vì bị ghẻ. Ngoài ra, họ còn tràn ngập những lo lắng, buồn tủi và phiền muộn. Cuộc sống rất nặng nề, không giải trí, không trà và luôn tuân theo những kỷ luật khắt khe.

Ngay lập tức, Anh Mã cảm thấy phải có trách nhiệm với những người lính Bắc Phi này. Vì thế, ông đã cho xây dựng những ngôi nhà tranh biệt lập trong các ngôi làng chỉ dành cho tù binh và phân chia họ theo quốc tịch.

Đầu tiên, ông cố gắng tập hợp lại những binh sĩ Bắc Phi bị quân đội Pháp biến thành bia đỡ đạn và đang đánh mất phương hướng.

Mục đích của ông rất rõ là giúp những người này hồi hương càng sớm càng tốt và giúp họ trở thành các cán bộ tham gia phong trào giải phóng dân tộc của đất nước họ.

Anh Mã - Ben Aomar cố tìm cách tránh cho những đồng hương của mình khỏi bị suy sụp về tinh thần, buồn chán, trơ lì cảm xúc và thiếu thốn vật chất. Ông được lãnh đạo Việt Minh cho phép thành lập một trạm y tế trong trại tập trung và chỉ định một tù binh làm bác sĩ tại bệnh viện này.

Để trấn an việc thay đổi chỗ ở của họ, Anh Mã đã cố gắng tái hiện bầu không khí Bắc Phi như cải thiện bữa ăn, điều chỉnh các xưởng sản xuất, thành lập những hợp tác xã nhỏ, tổ chức các cuộc thi bóng chuyền.

Hơn nữa, những tù binh mù chữ sẽ có cơ hội được giáo dục tư tưởng chính trị khi tham gia các khóa học và các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Công việc của Anh Mã khiến các tù binh và hàng binh cảm kích nên họ quay súng chống lại thực dân Pháp.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 2: Chuyện Anh Mã - Ảnh 3.

Ông Ben Aomar (thứ ba từ trái) cùng các sĩ quan Việt Minh tại lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu của GS Abdallah Saaf

Tham gia bắt giữ tướng De Castries?

Cũng theo tư liệu của giáo sư Abdallah Saaf, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động của Anh Mã - Ben Aomar tại Việt Nam.

Anh Mã đã chứng kiến chiến dịch này từ những ngày đầu cho đến khi kết thúc. Nhiều nhân chứng cho biết có thể ông đã tham gia đơn vị phụ trách bắt giữ tướng De Castries - sĩ quan chỉ huy người Pháp tại Điện Biên Phủ.

Bà Camille Lahrech, người vợ (có bà ngoại là người Việt) của Anh Mã, kể lại rằng: "Ông ấy đã mang về cho tôi một chiếc khăn choàng của tướng De Castries. Sau này, tôi đã tặng lại cho Roman Karmen, một nhà làm phim người Liên Xô".

Trong khi đó, ông Ali Yata, một lãnh đạo của Đảng Cộng sản Morocco, nhớ lại: "Trong khi phân phát những đồ vật còn sót lại của tướng De Castries, Ben Aomar đã lấy ra một chiếc bút chì tặng tôi khi ông trở về Morocco từ Việt Nam.

Tôi vẫn còn giữ chiếc bút đó cho đến bây giờ. Ông ấy giữ lại con ngựa của De Castries. Ông cũng nhận nuôi con chó của De Castries".

Sau này Anh Mã - Ben Aomar được Chính phủ Việt Nam trao tặng những huân chương cao quý nhất và cả cấp hàm tướng để ghi nhận những đóng góp của ông.

Tất cả các phần thưởng cao quý này đều được trao cho ông trong năm 1955.

Một thời gian sau đó, tại Hội nghị phong trào cộng sản năm 1960 ở Matxcơva và sau đó tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành lời khen ngợi thành tích của Anh Mã với Ali Yata.

Vấn đề hàng binh Bắc Phi, Morocco

Khi chiến tranh chấm dứt, vấn đề hàng binh trở nên khó khăn hơn. Do những hàng binh này không thể về quê hương được nên Việt Nam phải bố trí chỗ ăn ở, chăm lo cuộc sống của họ cho đến khi họ rời đi. Và công việc này, các lãnh đạo Việt Minh đã nhận được sự trợ giúp đắc lực từ Anh Mã.

Những binh lính Bắc Phi như Morocco, Algeria và Tunisia được bố trí chỗ ở, tham gia các công việc đồng áng tại các hợp tác xã nông nghiệp và được cấp đất.

Họ được tập trung tại các vùng đất phía Bắc Việt Nam. Khoảng 40 người Bắc Phi đã được bố trí vào ở một trại vừa được xây dựng nằm ở phía tây châu thổ sông Hồng.

Sau lệnh ngừng bắn vào năm 1954, lính đào ngũ Bắc Phi đã xây dựng một ngôi làng của mình dưới chân núi Ba Vì, dưới sự chỉ đạo của trợ lý Anh Mã - Ben Aomar.

Sau đó, những người này đã chuyển đến Sơn Tây, mang theo vợ con, nói tiếng Việt chưa sõi, vẫn lơ lớ giọng của người Bắc Phi và làm việc trong hợp tác xã.

Theo lời kể của các tù binh và hàng binh Morocco, nhờ có vai trò tuyên truyền của Anh Mã đồng hương, trong các cuộc chạm trán với Việt Minh, nếu bị buộc phải bắn thì họ tìm cách bắn vào chân để tránh sát hại binh lính Việt Minh.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 2: Chuyện Anh Mã - Ảnh 4.

Một lãnh đạo Việt Minh trao huy chương cho ông Ben Aomar vì lòng dũng cảm - Ảnh tư liệu của GS Abdallah Saaf

Anh Mã rời Việt Nam năm 1959

Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, người con trai đầu của Anh Mã với bà vợ Camille ra đời tại khu du kích Việt Minh và được đặt tên là Fadhel.

Năm 1959, Anh Mã - Ben Aomar cùng vợ con rời Việt Nam sang Bulgaria và Liên Xô, trước khi trở lại quê hương vào một ngày tháng 2-1961 sau hơn một thập kỷ xa quê hương.

Tại Casablanca, thành phố lớn nhất Morocco, Ben Aomar đã gặp lại những người đồng chí, bạn bè cũ của mình. Ông đã được đón tiếp nồng hậu tại nhà riêng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Morocco Ali Yata và một số người khác...

Kỳ tới: Chàng sinh viên người Yemen bén duyên Việt Nam

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên