25/11/2018 10:43 GMT+7

Người Ả Rập ở Việt Nam - Kỳ 3: Chàng sinh viên Yemen 'bén duyên' Việt Nam

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Theo lời kể của đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, trước năm 1975 có một cộng đồng khoảng 5.000 người Yemen sống tại miền Nam Việt Nam. Nhưng sau sự kiện 30-4-1975, chính quyền Yemen đã đưa những người này về nước.

Người Ả Rập ở Việt Nam - Kỳ 3: Chàng sinh viên Yemen bén duyên Việt Nam - Ảnh 1.

Đám cưới của Adel tại Hà Nội năm 1994

Hiện có rất ít thông tin về cộng đồng người Yemen ở miền Nam và hiện nay người Yemen ở Việt Nam cũng đếm trên đầu ngón tay.

Tôi có những người bạn Ả Rập nhưng rất ít khi liên lạc với nhau, tuy nhiên lại có rất nhiều người bạn thân thiết là người Việt Nam

ADEL ABDULLAH

Qua Việt Nam học luật

Chúng tôi gặp ông Adel Abdullah, người Yemen, tại căn hộ của gia đình ông ở khu đô thị Times City, Hà Nội. Adel Abdullah từng là đảng viên Đảng Cộng sản dưới thời Cộng hòa dân chủ nhân dân Yemen (miền Nam Yemen) và được nghe ông kể về cơ duyên đặc biệt của mình với đất nước hình chữ S, nơi ông lập gia đình với một người phụ nữ Hà Nội và có với nhau hai con chung và một con nuôi.

Năm 1988, ở tuổi 22, chàng sinh viên trẻ Adel Abdullah rời Yemen sang Việt Nam học khoa luật tại Đại học Luật đóng ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ) theo học bổng toàn phần của Chính phủ Yemen. Em gái của ông thì rời Yemen sang Hàn Quốc năm 1994. Hiện cha mẹ và người thân của ông vẫn còn ở Yemen. "Tôi từng là đảng viên của Đảng Cộng sản Yemen, nhờ đó mà có học bổng du học sang Việt Nam. Tôi rất tự hào về điều đó và vẫn còn giữ chiếc thẻ đảng viên đến tận bây giờ" - Adel, nay đã 51 tuổi, chỉ vào tấm thẻ đảng viên đã ngả màu theo thời gian với những dòng chữ Ả Rập.

Adel cho biết khi ông mới sang Việt Nam, ông không gặp khó khăn gì nhiều vì hoàn cảnh Việt Nam và Yemen đều khó khăn như nhau. Trong lúc Adel đang ở Việt Nam, quê hương Yemen của ông vẫn bị chia rẽ và giằng xé bởi nội chiến. 

Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Aden ngày 22-5-1990, sau nhiều năm thương thuyết, các bên nhất trí thống nhất đất nước và tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Yemen. Ali Saleh trở thành tổng thống. Những căng thẳng giữa hai miền Nam và Bắc đã làm bùng nổ cuộc chiến tranh năm 1994. Chiến thắng của lực lượng miền Bắc củng cố thêm quyền lực tổng thống và đảng do ông Ali Saleh cầm quyền.

Adel kể sau năm 1994, Yemen thay đổi thành đất nước Hồi giáo thì không còn Đảng Cộng sản nữa. "Từ khi thay đổi chế độ, sự phân biệt dân tộc giữa miền Bắc và miền Nam Yemen trở nên sâu sắc, người miền Bắc có điều kiện kinh tế tốt hơn, số lượng đông đảo hơn nên sau năm 1994, miền Bắc tiến vào miền Nam Yemen và người Nam Yemen trở thành hạng dân cấp 2, bị mất rất nhiều quyền lợi" - Adel nhớ lại.

Người Ả Rập ở Việt Nam - Kỳ 3: Chàng sinh viên Yemen bén duyên Việt Nam - Ảnh 3.

Thẻ đảng viên cộng sản Yemen của ông Adel

Bước ngoặt... lấy vợ Hà Nội

Trong thời gian học tập ở Việt Nam, Adel Abdullah gặp bà Lưu Thị Lan Phương, người Hà Nội, vào năm 1989, người sau này trở thành vợ của ông và sinh cho ông hai người con: con trai Rami Adel Yassin và con gái Aida Adel Yassin. "Những ngày tuổi 23 ấy tôi không nghĩ người phụ nữ này sẽ thành vợ mình. Vợ tôi lúc đó làm việc ở Trường đại học Kinh tế quốc dân, còn tôi sống ở ký túc xá dành riêng cho sinh viên nước ngoài tại Trường đại học Bách khoa. Chúng tôi quen nhau do hay đến một quán cà phê" - Adel kể.

Cũng trong năm 1994, năm mà Đảng Cộng sản không còn ở Yemen, Adel đã ra một quyết định hệ trọng nhất cuộc đời là sẽ định cư hẳn ở Hà Nội, nơi ông xem như là quê hương thứ hai sau khi lấy vợ. "Bản thân tôi là người lai Ấn Độ và Yemen nên đã có nhận thức cởi mở về văn hóa trong gia đình. Bố mẹ tôi không phản đối khi tôi kết hôn với người Việt Nam. Các con của tôi cũng không bị hạn chế phải hẹn hò với người quốc tịch nào, chỉ cần hiểu được điều đúng, điều sai là đủ. Khi lấy vợ Việt Nam, tôi cũng gặp một số vấn đề, để sống với nhau 25 năm cũng không phải chuyện dễ dàng" - người đàn ông người Yemen tâm sự.

Adel có rất nhiều ký ức đẹp về Hà Nội những năm đầu thập niên 1990. "Hà Nội trong ký ức của tôi rất yên bình, chỉ có vài chiếc ôtô trong thành phố, người dân chỉ có xe đạp và rất thân thiện, tôi vẫn có những người bạn từ khi ấy đến bây giờ" - Adel hồi tưởng. 

Do biến động chính trị ở Yemen, khi đang học tại Đại học Luật năm thứ ba Adel bị cắt tài trợ học bổng và cũng không có tiền để tiếp tục học. Sau đó, ông bắt đầu đi làm cho một tổ chức chuyên về nhận con nuôi của Mỹ do được bạn bè giới thiệu.

Làm việc ở tổ chức này được bốn năm, đến năm 1997 Adel chuyển sang làm quản lý đóng gói và vận chuyển hàng cho một công ty sản xuất thép của Saudi Arabia ở Việt Nam. Năm 2004, Adel làm quản lý phát triển dự án cho công ty vận tải biển của Đức. Năm 2007, ông làm vị trí quản lý hậu cần ở tập đoàn đa quốc gia International Mascot chuyên về đồng phục.

"Tôi đến Việt Nam từ năm 22 tuổi, nay đã 51 tuổi, nghĩa là tôi đã sống ở Việt Nam nhiều hơn Yemen, dù vẫn còn nói ngọng và hình thức khác biệt nhưng có thể nói tôi đã bị Việt hóa đến 40%. Chất Việt Nam của tôi được thể hiện qua cách sống, làm việc, nói tiếng Việt với toàn bộ nhân viên. Chất Yemen còn lại trong tôn giáo, bản sắc do ở Yemen hơn 20 năm. Tôi có những người bạn Ả Rập nhưng rất ít khi liên lạc với nhau, tuy nhiên lại có rất nhiều người bạn thân thiết là người Việt Nam" - Adel chia sẻ.

Sinh sống ở Việt Nam, Adel vẫn theo đạo Hồi và tin vào thánh Allah nhưng không có thời gian để cầu nguyện hay lên thánh đường vào mỗi ngày thứ sáu. Trong bữa ăn hằng ngày của gia đình Adel luôn có hai món chính là đồ ăn Việt và Ấn. "Tôi không còn ăn đồ Halal (thực phẩm riêng cho tín đồ Hồi giáo) nữa nhưng điều này tôi phải giữ kín đối với gia đình bên Yemen của mình vì đây là một vấn đề rất căng thẳng" - Adel cho biết.

Người Ả Rập ở Việt Nam - Kỳ 3: Chàng sinh viên Yemen bén duyên Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Adel và vợ cùng hai con hiện nay - Ảnh: NVCC

Từng dịch thuật cho sứ quán Yemen

Trước đây Adel từng làm công việc dịch thuật cho Đại sứ quán Yemen ở Việt Nam khi chưa đóng cửa. Việt Nam và Bắc Yemen thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 16-10-1963, với Nam Yemen ngày 27-7-1968. Sau khi Yemen thống nhất (1990), Việt Nam và Yemen tiếp tục thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Từ tháng 4-1971 đến tháng 4-1995, Việt Nam có sứ quán thường trú tại Yemen, nhưng nay thì Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Yemen. Tháng 5-1990, Yemen mở đại sứ quán tại Hà Nội nhưng do khó khăn về kinh tế, năm 1993 Yemen đóng cửa sứ quán ở Hà Nội. Hiện Đại sứ quán Yemen tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam.

_________

Kỳ tới: Nhà hàng Ai Cập của ông Mustafa

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên