Đầu bếp người Ai Cập của nhà hàng Al Sultan - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Người Ả Rập quan niệm đơn giản rằng: ai chuyên tâm, tận tụy với công việc của mình sẽ nhận được kết quả xứng đáng. Họ không quan tâm nhiều đến việc cạnh tranh với người khác.
MOSTAFA HELIL
Đến Hà Nội làm giáo viên tình nguyện dạy tiếng Ả Rập tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng do khó khăn trong tìm kiếm đồ ăn Halal, thầy giáo người Ai Cập quyết định mở nhà hàng đặc trưng Ai Cập ở phố Tô Ngọc Vân và bất ngờ được thực khách đón nhận rộng rãi, cả Tây lẫn ta.
Mở nhà hàng vì không biết ăn… ở đâu
Đi đến "phố Tây" Tô Ngọc Vân, hỏi nhà hàng Al Sultan của ông Mostafa Helil, rất nhiều người biết. Dù nhà hàng chỉ mới mở được 6 tháng nhưng mỗi ngày có hàng trăm lượt khách ghé thăm.
Khi chúng tôi đến, phía ngoài nhà hàng, một nữ thực khách Ả Rập đang múa bụng trên giai điệu các bản nhạc sôi động của Ai Cập trong sự tán thưởng của các thực khách xung quanh.
Còn bên trong, một nhóm khách đa quốc tịch bao gồm Afghanistan, Libăng, và người Việt chuẩn bị gọi món ăn tối.
Nhà hàng của ông Mostafa là nhà hàng Ai Cập đầu tiên ở Hà Nội. Đến Al Sultan, không khó nhận ra đây là một nhà hàng Ai Cập từ kiến trúc đến âm nhạc. Các bức tường phía ngoài in các chữ viết Ai Cập và các xác ướp Ai Cập thời cổ đại đầy màu sắc.
Bên trong, chủ nhà hàng treo ảnh trắng đen của những vị vua Ai Cập cuối cùng trước khi nước này chuyển sang chế độ dân chủ, có cả tranh của nữ hoàng Cleopatra và cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Ai Cập Mohamed Salah, hiện thi đấu cho câu lạc bộ Liverpool.
"Trong thời gian đầu ở Việt Nam, vấn đề lớn nhất của tôi chính là bất đồng ngôn ngữ và thức ăn, bởi vì người Hồi giáo không ăn được thịt heo và chỉ ăn được thực phẩm Halal. Tôi cũng không yên tâm với ẩm thực đường phố và chất lượng đồ ăn trong các nhà hàng của Việt Nam" - ông Mostafa nói.
Chính vì vậy mà ông Mostafa chia sẻ ý tưởng mở một nhà hàng đặc trưng Ai Cập với bạn mình là ông Ibrahim.
Để bảo đảm đúng vị ẩm thực Ai Cập, nhà hàng đã tuyển hai đầu bếp chuyên nghiệp từ Ai Cập sang và thuê sáu nhân viên người Việt. Các loại thịt được nhập từ các đầu mối Halal ở Hà Nội, còn gia vị thì nhập trực tiếp từ Ai Cập.
Ông Mostafa (đứng) trò chuyện với thực khách - Ảnh: Q.TRUNG
Mostafa cho biết đồ ăn Ả Rập rất khác so với đồ ăn Việt Nam, nó là sự pha trộn của rất nhiều loại gia vị khác nhau nên có người thì không hợp khẩu vị nhưng lại có người rất thích thú. Và cũng đừng lầm tưởng đồ ăn Ả Rập với đồ ăn Ấn Độ vì hai thứ này hoàn toàn khác nhau.
Để phù hợp khẩu vị của người Việt, ông Mostafa quyết định sử dụng hai gia vị đặc trưng của Việt Nam là bột canh và xì dầu.
"Bột canh là một gia vị khiến chúng tôi rất ngạc nhiên, nó được trộn giữa đường và muối. Ở Ai Cập, đường là đường và muối là muối - Mostafa nói và khoe - Người Việt thích những món ăn như chim quay, gà quay được chế biến theo phong cách Ai Cập ở nhà hàng của tôi".
Mostafa cho biết lúc mới mở nhà hàng, ông không nghĩ số lượng người nước ngoài đến ăn lại nhiều đến vậy: "60-70% khách của chúng tôi là người Ả Rập và theo đạo Hồi. Người Việt chiếm khoảng 20%. Một số người Việt yêu thích món ăn của chúng tôi và trở thành khách quen".
Anh Medhamza Bovataani (25 tuổi), người Canada gốc Morocco, cho biết mình là một fan của nhà hàng Ả Rập.
"Giá cả ở đây khá hợp lý, đồ ăn sạch sẽ và rất ngon. Nhân viên đối xử với khách rất tử tế" - anh nói.
Ảnh cầu thủ Salah treo trong nhà hàng Al Sultan - Ảnh: Q.TRUNG
"Tôi thích cuộc sống ở đây"
Ông Mostafa Helil đến Việt Nam cùng vợ Shaimaa cách đây ba năm. Khi đó, Bộ Giáo dục Ai Cập tổ chức cuộc thi tuyển chọn tình nguyện viên dạy tiếng Ả Rập ở nước ngoài với mục đích truyền bá tiếng Ả Rập.
Mustafa, khi đó là giảng viên tiếng Ả Rập tại thành phố Alexandria, nộp hồ sơ và không biết rằng mình sẽ đến Việt Nam, đất nước ông chỉ biết qua những trang sách lịch sử.
"Ai Cập cũng từng là một quốc gia bị xâm lược và chúng tôi rất quan tâm đến các quốc gia có hoàn cảnh tương tự. Việt Nam trở thành một hình mẫu đối với chúng tôi về một quốc gia bị xâm lược. Vậy nên tất cả những gì tôi biết về Việt Nam chỉ xoay quanh cuộc chiến tranh giành lại độc lập của đất nước bạn" - Mostafa nói.
Cho đến giờ đã là năm thứ 3 ông sống và dạy học ở Việt Nam.
"Với tôi, cuộc sống ở Việt Nam ổn định về mặt chính trị và văn hóa. Đường phố ở đây đơn giản, con người cư xử với nhau cũng đơn giản. Tôi thích nhất Việt Nam ở một điểm là sự sạch sẽ và hệ thống tương đối tốt so với những gì tôi tưởng tượng về một quốc gia đang phát triển, đặc biệt là vấn đề an ninh" - người đàn ông Ai Cập 41 tuổi nói.
Mostafa cho biết điểm tương đồng về văn hóa giữa Ai Cập và Việt Nam chính là coi trọng mối quan hệ gia đình và gắn kết với các thành viên trong gia đình. Ông cảm nhận rõ điều này thông qua cách đối xử của sinh viên Việt Nam dành cho ông.
Khi mới đến Việt Nam dạy học, một sinh viên trong lớp đã mời Mostafa về quê của mình ở Sóc Sơn. Cậu sinh viên này dẫn ông đến từng nhà họ hàng, cô chú trong gia đình và cả gia đình bên vợ để giới thiệu với mọi người. Tất cả mọi người đều đón tiếp ông rất nhiệt tình.
Ngoài ra, thầy hiệu trưởng của trường đại học nơi ông đang giảng dạy tiếng Ả Rập cũng mời ông đến thăm nông trại trên Hòa Lạc của gia đình đến 3 lần. Điều đó khiến ông cảm thấy người Việt Nam rất hiếu khách và rất thích... mời khách về nhà.
"Tôi vẫn chưa quyết định khi nào sẽ quay trở lại Ai Cập vì tôi rất thích cuộc sống ở đây. Nếu công việc và kinh doanh thuận lợi, tôi sẽ ở đây lâu dài. Tôi cũng muốn giới thiệu thêm nhiều người thân, bạn bè đến với Việt Nam để tham quan và làm việc vì đây là một đất nước rất thân thiện và dễ sống, dễ làm ăn" - Mostafa trải lòng.
Không thể sống ở VN nếu không biết chạy xe máy
Mostafa cho biết trong ba tháng đầu tiên ở Việt Nam, do không biết đi xe máy nên ông phải đi xe buýt một cách khó khăn. Đi taxi thì không thể giao tiếp với tài xế.
"Sau 3 tháng ấy, tôi nhận ra rằng không thể sống ở Việt Nam mà không biết lái xe máy nên tôi đã đánh liều mua một chiếc xe máy. Kể từ khi có nó, tôi có thể hòa vào cuộc sống ở đây một cách dễ dàng, đi đến bất kỳ nơi nào tôi muốn mà không gặp rắc rối gì" - Mostafa nói.
Kỳ tới: Chàng trai Syria học lắp chân tay giả
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận