24/08/2011 08:41 GMT+7

Ngư dân trong nhà tù ở Palawan

ĐÌNH DÂN (từ Palawan, Philippines)
ĐÌNH DÂN (từ Palawan, Philippines)

TT - Chiều 23-8, chúng tôi lên xe ba bánh chạy thẳng vào nhà tù Provincial Jail, Palawan (Philippines), nơi tạm giam 115 ngư dân Phú Quý (Bình Thuận). Trời chiều mưa tầm tã, đường dẫn vào trại giam nằm sâu trong con đường nhỏ được trải nhựa và đầy ổ gà.

Read this on Tuoitrenews.vn

BYTJJd6e.jpgPhóng to
Ngư dân Việt Nam trong trại giam - Ảnh: Đ.Dân

Nơi tạm giam 115 ngư dân Phú Quý là một góc của nhà chờ thăm nuôi, rộng khoảng 70m2, cao 2m, hai bên được ngăn bởi những tấm bạt màu xanh. Trong cái nóng hầm hập và ngột ngạt, các ngư dân nằm ngồi san sát, ngổn ngang. Thấy có người Việt vào thăm, nhiều anh em mừng ra mặt, vài người đứng phắt dậy đầy lo lắng.

Mong ngày về...

Một thuyền viên ngậm ngùi kể: “Buổi sáng mỗi người được phát một ổ bánh mì, đến 11g thì phát một đĩa cơm nhỏ, 17g cũng là đĩa cơm như vậy. Nhiều anh em đói bụng phải nhờ người ngoài mua thêm đồ ăn gửi vào. Đi tắm và đi vệ sinh thì rất hạn chế vì nhà chờ này chỉ có một nhà vệ sinh vừa đi tắm vừa đi cầu. Thấy anh em nóng nực nên anh Thoại (Phan Văn Thoại - giám đốc Công ty Long Hải Long) đã mua một cây quạt và chiếu để chúng tôi nằm”.

Chiều 23-8, luật sư Maricar Misa-Tan và luật sư Hà Hải đã tiếp nhận và xử lý thêm một số chứng cứ chứng minh bảy con tàu của ngư dân đều không phải sở hữu của riêng bảy thuyền trưởng mà là của nhiều người vay mượn ngân hàng góp tiền đóng tàu. Theo luật sư Maricar Misa-Tan, đã có một số chứng cứ xác định ngư dân là những người nghèo khổ và thiếu hiểu biết pháp luật. Các chứng cứ này sẽ được các luật sư đệ trình cho tòa tại phiên điều trần vào hôm nay 24-8.

Phần lớn thuyền viên bị giam giữ là những người ở độ tuổi 18-30. Nhiều người kể họ hay bị cảm sốt, đau đầu và tiêu chảy. Vừa rồi có hai người bị tiêu chảy phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Palawan. Mọi sinh hoạt của 115 thuyền viên đều gói gọn trong gian phòng nhỏ này.

Các thuyền viên cho biết cách đây mấy tuần, nhà tù thấy nơi ở anh em chật chội quá nên nới thêm một góc nhà chờ đủ để chứa thêm 15 người ở. Vật dụng nhiều nhất trong phòng giam này là những chai lọ dùng để đựng nước. Hai bên vách phòng treo đầy quần áo, những bộ quần áo đã sờn rách vì gió biển mà các thuyền viên mang từ dưới tàu lên.

Ngư dân Nguyễn Liêm (50 tuổi) ngậm ngùi: “Đời đi biển của tôi chưa bao giờ vấp phải cảnh này, tôi đã nghĩ đây là chuyến đi biển cuối cùng của mình và hi vọng kiếm được mớ tiền nuôi vợ con, ai ngờ giờ lại gây khổ cho họ. Tụi tui bị bắt chịu khổ đã đành, nhưng tội nghiệp cho ba bốn trăm người ở nhà là vợ con, cha mẹ chúng tôi phải chịu khổ theo do anh em ở đây đều là lao động chính trong gia đình”.

Trong gian phòng này, cứ người nào là hàng xóm với nhau thì nằm cạnh nhau. Tôi hỏi các anh muốn điều gì trong phiên tòa ngày mai? Thuyền viên Trần Văn Thái (42 tuổi) nói: “Chúng tôi muốn được về quê sớm ngày nào mừng ngày đó. Ở đây ba tháng rồi, khổ sở quá, ăn uống thiếu thốn mà tinh thần anh em thì suy sụp”.

Thuyền viên Nguyễn Văn Tài (19 tuổi) cứ níu lấy tay tôi hỏi: “Cha mẹ em ở nhà khỏe không anh. Em muốn về Phú Quý lắm rồi, nhớ cha mẹ lắm rồi...”. Trước ngày đi, gia đình Tài đã cầm cố nhà vay tiền để Tài đi biển. Ngày tôi tới Phú Quý thì cha của Tài hơn 60 tuổi chiều chiều vẫn chống nạng gỗ đi dọc bãi biển ngóng tin con trai quay về...

“Bát cơm cay đắng”

Ngồi chuyện trò được một lúc, anh em thuyền viên xúm lại chỗ tôi ngồi càng đông. Họ hỏi đủ thứ chuyện ở quê nhà. Và tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cuộc điện thoại ngắn của anh Phạm Văn Cường cho người vợ của mình, chị Nguyễn Thị Vũ.

Trong tiếng xì xầm của các ngư dân, tôi thoáng nghe anh dặn vợ: “Ở nhà dù khổ cũng không được để con và mẹ đói khổ. Có lẽ tui sắp được trở về rồi đó, chờ tui về rồi làm ăn trả nợ...”. Rồi bên kia nói điều gì đó khiến anh Cường tắt vội máy cúi mặt vào tường vuốt nước mắt. Tôi hỏi anh Cường bị bắt vào đây ngày nào, Cường ngồi lặng im chỉ vào cánh tay, trên đó anh viết dòng chữ “16.05.2011. Trời ơi, bát cơm cay đắng vô cùng”.

Ở đây, nhiều gia đình có tới 2-3 người cùng bị giam. Như gia đình ông Nguyễn Liêm (50 tuổi) có con trai Nguyễn Thành Luân cũng bị giam, gia đình ông Đặng Thái Hùng có ba người gồm anh và hai người em trai... Họ đều là những ngư dân nghèo và đã chạy vạy khắp nơi để góp tiền mua tàu đi Philippines đánh bắt cá. Như hai anh em Trần Hữu Ni (20 tuổi) đã dốc hết của cải, cầm cố nhà cửa và vay mượn hàng trăm triệu đồng để góp tiền mua tàu. Ni nói: “Mấy đêm nay em trằn trọc khó ngủ, lo lắng không biết phiên tòa ngày mai họ có thả người thả của về hay không”.

Khoảng 16g (giờ Philippines), nhân viên quản ngục gọi các thuyền viên ra điểm danh. Đây cũng là lúc mà tôi phải chia tay các ngư dân. Trên đường ra sân điểm danh, trời vẫn mưa dầm dề, nhiều anh em cứ níu lấy tay tôi quyến luyến hứa hẹn ngày hội ngộ ở đất mẹ Việt Nam...

__________

Tin bài liên quan:

Giải quyết vụ 122 ngư dân Việt Nam bị bắt tại PhilippinesĐại sứ Việt Nam thăm 122 ngư dân bị bắt tại PhilippinesBàn biện pháp hỗ trợ ngư dân bị bắt tại PhilippinesNỗ lực đưa người và tàu trở về

ĐÌNH DÂN (từ Palawan, Philippines)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên