Hơn năm tháng kể từ ngày tàu chìm, vợ chồng ngư dân Võ Văn Kim (33 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu cá QNg 905.27 TS, vẫn chưa được Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long bồi thường số tiền bảo hiểm 2,5 tỉ đồng ghi trong hợp đồng.
"Đánh bắt trên biển thua thì làm lại. Còn chữ nghĩa, pháp luật vợ chồng tôi như cá dính lưới. Quá khổ rồi", thuyền trưởng Kim nói.
Suýt chết ở Hoàng Sa
Những ngày cuối tháng 7, thay vì đi biển Hoàng Sa đánh bắt, thuyền trưởng Kim phải ở nhà chờ giải quyết bảo hiểm.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (vợ thuyền trưởng Kim), chủ tàu cá QNg 905.27 TS, than thở: "Mấy tháng qua, lúc nào tôi cũng photo nhiều bộ hồ sơ, khi bảo hiểm gọi thì mang đi. Nơm nớp như chờ chồng đi biển mùa bão".
Thuyền trưởng Kim kể về chuyến biển kinh hoàng bằng tiếng thở dài. Sáng 22-2, khi anh Kim đang neo tàu cách khu vực đảo Bom Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 7 hải lý để đánh bắt thì nghe tin trên Icom có gió cấp 6, cấp 7 giật cấp 8, anh kéo neo di chuyển tàu đến đảo Bạch Quy né gió.
Khoảng 8h sáng 22-2 sóng dập từng cơn, chiếc tàu như muốn lật úp, anh Kim nhìn xuống khoang máy thấy nước đã tràn vào. Lập tức anh Kim yêu cầu ngư dân Võ Văn Long và Võ Duy Khánh xuống khoang máy kiểm tra, phát hiện vết thủng bên mạn phải rất to, nước tràn vào rất mạnh.
"Vấn đề rất nghiêm trọng anh em chia nhau, người bơm nước, người tìm cách bịt lỗ thủng để cứu tàu. Bởi tàu chìm, bốn anh em cũng khó thoát chết", thuyền trưởng Kim nói.
Sóng vẫn ầm ầm, sức người không lại thiên nhiên. Khoảng 15 phút sau, tàu chết máy, chìm dần.
Thuyền trưởng Kim bám vào "chiếc phao" cuối cùng là máy điện đàm. May mắn thuyền trưởng tàu QNg 906.27 TS Võ Văn Lựu đánh bắt gần đó nghe được thông tin cầu cứu đã hỏi vị trí tàu chìm và cho tàu đến ứng cứu.
"Khoảng 9h tôi lái tàu đến tọa độ mà Kim cung cấp. Lúc này thân tàu QNg 905.27 TS đã chìm xuống nước, chỉ còn phần mũi nhô lên, bốn đứa bám vô đó. Tôi cố tiếp cận nhưng sóng to quá không cập mạn được. Sóng to đến mức, bốn đứa vừa đẩy chiếc thúng xuống biển, sóng đánh úp luôn.
Cuối cùng tôi nghĩ ra cách ném dây thừng cho anh em bên tàu Kim bám vào đu qua tàu tôi. Bốn đứa nó vừa lên tàu tôi xong thì tàu thằng Kim cũng chìm hẳn. Ớn óc, tôi mà không đến kịp bốn đứa nó chết chắc", thuyền trưởng Lựu kể.
"Cuộc chiến" trên bờ
Sau khi cứu ngư dân, ông Lựu lái tàu đến đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) trú ẩn. Ngày 23-2 sóng yên, ông Lựu đưa bốn ngư dân gặp nạn về bờ.
15h chiều 24-2, tàu về đến Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, thuyền trưởng Kim cùng ba ngư dân làm việc với cán bộ biên phòng về tai nạn ở Hoàng Sa.
Tất cả các thủ tục pháp lý liên quan đến vụ tai nạn được vợ chồng anh Kim hoàn tất. Nhưng khi trình hồ sơ lên Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long thì gặp khó.
Dù trong hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên ghi rõ "giá trị tàu 4,17 tỉ đồng; số tiền bảo hiểm 2,5 tỉ đồng; mức phí bảo hiểm 27,5 triệu đồng". Thế nhưng phía Bảo Long bất ngờ thông báo chỉ đền bù hơn 1,8 tỉ đồng.
Lý do mà công ty bảo hiểm đưa ra là đã thuê đơn vị giám định độc lập, thẩm định giá trị con tàu. Trong chứng thư thẩm định giá ghi "Cơ sở thẩm định giá thị trường của một tài sản là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường; cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá thông qua việc so sánh tài sản thẩm định với các tài sản giống hệt hoặc tương tự được mua bán trên thị trường...".
Từ đây bên thẩm định giá ước tính và đưa ra giá trị bồi thường con tàu còn hơn 1,8 tỉ đồng.
Điều này khiến vợ chồng anh Kim choáng váng. Chữ nghĩa sấp ngửa, anh Kim bảo rằng tham gia bảo hiểm cho tàu cá nhiều năm. Với Bảo Long là lần thứ 2 liên tiếp. Giá trị tàu kê khai gần 4,2 tỉ đồng là chi phí bỏ ra đóng tàu, chưa kể bỏ hàng trăm triệu đồng làm cho tàu chắc chắn hơn và mua ngư lưới cụ đánh bắt.
"Trước khi ký hợp đồng, nhân viên bảo hiểm cũng xuống tàu kiểm tra, thẩm định thân và máy tàu. Xong xuôi họ mới thông báo số tiền bảo hiểm cho tàu 2,5 tỉ đồng, tôi nộp phí. 2,5 tỉ đồng họ đưa ra sau khi kiểm tra tàu, chứ không phải vợ chồng tôi yêu cầu. Tôi không hiểu họ thẩm định kiểu gì, khi tàu đã chìm ở Hoàng Sa, tôi trắng tay", anh Kim nói.
Không chấp nhận mức bồi thường phía Bảo Long đưa ra, vợ chồng anh Kim khiếu nại và vụ việc kéo dài. Anh Kim bức xúc: "Công ty bảo hiểm Bảo Long lừa ngư dân hay sao. Nếu từ đầu họ thẩm định, xác định số tiền bảo hiểm chỉ 1,8 tỉ đồng, thì mức phí tôi đóng sẽ thấp hơn.
Nói thiệt, tui đi Hoàng Sa từ bé, luôn tự hào mình là phên giậu Tổ quốc, gặp đủ thứ thiên tai, nhân tai không ngại mà giờ bí rị với bảo hiểm".
Không thể thay đổi cam kết
Luật sư Phạm Thảo, Đoàn luật sư Đà Nẵng sau khi đọc hồ sơ liên quan vụ việc, cho biết ngư dân đã hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý để bảo hiểm chi trả. Về nguyên tắc hợp đồng được ký kết tự nguyện giữa các bên, tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Do đó đảm bảo tính có hiệu lực của hợp đồng, các nội dung của hợp đồng phải được các bên tuân thủ, không thể thay đổi các cam kết.
"Khi các bên xác định giá trị được bảo hiểm là 2,5 tỉ đồng, đã xác lập số tiền được bảo hiểm theo thỏa thuận. Ngoài ra giá trị tàu tại thời điểm ký kết là gần 4,2 tỉ đồng.
Như vậy đã đảm bảo nguyên tắc quy định tại điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm, theo đó số tiền được bảo hiểm thấp hơn giá trị tài sản được bảo hiểm được hai bên thỏa thuận là cơ sở để tính bồi thường. Khoản 1, điều 51 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về căn cứ bồi thường cũng nêu rõ phải tôn trọng thỏa thuận về số tiền bảo hiểm trong hợp đồng", luật sư Thảo nói.
Với kết quả giám định làm cơ sở để bảo hiểm Bảo Long giảm mức bồi thường, luật sư Thảo không đồng tình, bởi tính thiệt hại phải thẩm định từ chính tàu cá được bảo hiểm. Không thể dựa vào một kết quả giám định của tàu khác vì không có tính thực tế.
"Quan trọng nhất là các bên đã đánh giá, thẩm định, ký kết hợp đồng và xác định tiền bảo hiểm trong hợp đồng tại thời điểm ký kết thì phải tuân thủ. Không thể dựa vào một kết quả giám định không có tính liên quan, không thực tế để dùng làm căn cứ đề xuất phương án bồi thường cho người mua bảo hiểm.
Điều 51 Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng không có quy định cho phép lấy kết quả giám định không liên quan như vậy để làm căn cứ bồi thường", luật sư Thảo khẳng định.
Ngư dân cần khởi kiện
Sáng 2-8, đại diện Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long và vợ chồng ngư dân Kim có buổi làm việc về mức bồi thường. Hai bên đã không tìm được tiếng nói chung, phía Bảo Long khẳng định làm đúng khi thuê đơn vị giám định một con tàu khác để làm cơ sở đền bù và chỉ chấp nhận đền bù hơn 1,8 tỉ đồng như đã thông báo.
Còn anh Kim tiếp tục không đồng ý, yêu cầu bảo hiểm bồi thường số tiền 2,5 tỉ đồng như giá trị bảo hiểm trong hợp đồng.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Thảo cho rằng việc các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra những căn cứ bồi thường không đúng quy định hợp đồng đã ký kết, thường để kéo dài, trì hoãn hoặc làm cho người mua bảo hiểm mỏi mệt, phải chịu nhượng bộ trong hành trình đòi bảo hiểm. "Các ngư dân cần sớm có yêu cầu bảo hiểm bồi thường.
Nếu không thể thỏa thuận, cần khởi kiện ra tòa để buộc công ty bảo hiểm bồi thường", luật sư Thảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận