11/05/2016 09:14 GMT+7

Ngòi bút có độc

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Một viên đạn lạc có thể chỉ làm bị thương một người, nhưng một ngòi bút có độc viết ra một bài báo đều có thể làm vô số người lâm vào cảnh khốn cùng.

Hàng ngàn nông dân trồng xoài ở đồng bằng sông Cửu Long đang điêu đứng vì giá xoài rớt thảm hại. Nông dân phải đội nắng bán xoài, xoài đổ đống vì khó bán làm mọi người xót xa.

Các cơ quan chức năng chỉ rõ một số cơ quan truyền thông đưa tin thất thiệt khiến người tiêu dùng e ngại mua xoài.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, thông tin sử dụng túi bao trái xoài có nguồn gốc Đài Loan có độc xuất hiện lần đầu vào tháng 5-2015 trên một tờ báo chính thống. Lần đó nông dân điêu đứng vì không bán được xoài.

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp phải lấy mẫu kiểm nghiệm cả túi lẫn trái xoài và làm việc với nhà sản xuất là Công ty Access của Đài Loan xác định thành phần cấu tạo túi bao trái.

Cùng lúc đó quản lý thị trường, ngành nông nghiệp và khoa học - công nghệ tỉnh Tiền Giang cũng vào cuộc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc túi bao trái Đài Loan. Kết quả không như báo đăng.

Nhưng cái họa vẫn đổ xuống đầu người nông dân. Tháng 1-2016, khi nông dân bắt đầu bao trái xoài cho vụ mới thì một tờ báo lại đưa tin nông dân Cái Bè, Tiền Giang sử dụng túi Đài Loan bao trái xoài làm cho xoài đổi màu nhưng họ không dám ăn.

Một số tờ báo khác và một số trang tin điện tử đã đăng lại bản tin này.

Đỉnh điểm là tháng 4-2016, phát súng trí mạng nhằm vào hàng ngàn hộ nông dân trồng xoài được “bắn” ra từ một tờ báo, cũng có nội dung tương tự bản tin hồi đầu năm nhưng lại trúng vào thời điểm nông dân bắt đầu thu hoạch xoài.

Thông tin này “độc” đến mức giá xoài cát chu loại 1 từ 30.000 đồng/kg lao xuống còn 13.000 - 15.000 đồng/kg. Những ngày qua, giá chỉ còn 10.000 đồng/kg nhưng cũng bán không được.

Chỉ riêng Đồng Tháp và Tiền Giang hiện có 16.000ha xoài, năng suất trung bình vụ này khoảng 10 tấn/ha. Ước tính số tiền nông dân bị thiệt hại do xoài mất giá 50% lên tới 2.400 tỉ đồng, con số khổng lồ, nhất là trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt.

“Ngòi bút có độc” có lẽ là cụm từ đúng nhất để nói về bài báo ấy.

Không chỉ có xoài, thời gian qua nông dân trồng bưởi, mít, sầu riêng... cũng liên tục bị “lên bờ xuống ruộng” bởi những thông tin giật gân, không đúng sự thật của một số người cầm bút. Không rõ cơ sở nào để đưa tin “ăn bưởi bị ung thư”.

Rồi tới chuyện thương lái nhúng mít, sầu riêng vào dung dịch “lạ” cho mau chín. Không cần tìm hiểu chất đó là gì, người viết gọi đại đó là chất “lạ”. Mà người tiêu dùng thường dị ứng với những gì có chữ “lạ” đi kèm nên không ăn mít và sầu riêng nữa.

Chưa có con số thống kê thiệt hại từ những thông tin thất thiệt, vô trách nhiệm của một số người cầm bút, nhưng ai cũng hình dung được nó lớn như thế nào.

Trong thời buổi mạng xã hội phát triển mạnh và gần như không thể biết đâu là thông tin đúng thì vai trò, trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí trong việc đưa tin chính xác, trung thực, khách quan để định hướng dư luận là rất quan trọng.

Phải hiểu rằng một viên đạn lạc có thể chỉ làm bị thương một người, nhưng một ngòi bút có độc viết ra một bài báo đều có thể làm vô số người lâm vào cảnh khốn cùng.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên