Ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1, cho biết:
- Chúng tôi quan tâm nhất là văcxin ngừa type virút EV71. Virút gây bệnh tay chân miệng EV71 có nhiều type gen, A có từ A1-A5, C có C4-C5, VN trước đây chủ yếu type C5, nay có C4 - giống như ở Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào nghiên cứu văcxin này từ năm 2010, khi dịch tay chân miệng chưa thật sự nóng bỏng như hiện nay. Nhóm chọn chủng virút lưu hành ở VN là C4.
Ngoài VN, hiện có năm nhà sản xuất văcxin tay chân miệng ở khu vực châu Á, trong đó Trung Quốc chọn chủng C4, Singapore chủng B3, Đài Loan (Trung Quốc) chủng B4. Tại VN, nghiên cứu đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm trên động vật và đang cố gắng để cuối năm 2013 có thể tiến hành thử nghiệm trên người. Hiện vẫn còn rất nhiều hồ sơ cần chuẩn bị để có thể tiến hành thử nghiệm trên người.
* Ông đánh giá hiệu quả của văcxin ngừa bệnh tay chân miệng như thế nào?
- Các nghiên cứu phát triển văcxin tay chân miệng ở Trung Quốc đã qua giai đoạn thử nghiệm trên người. Họ thử nghiệm giai đoạn 1 trên thanh niên, sau đó là giai đoạn 3 thử nghiệm trên nhóm trẻ 6-35 tháng tuổi. Kết quả thử nghiệm theo công bố của họ hiệu quả bảo vệ đạt 95,4%. Tại VN, nghiên cứu trên chuột cho thấy 100% có đáp ứng miễn dịch. Tôi cũng nói thêm rằng hiện nay có nhiều virút đường ruột gây bệnh tay chân miệng, nhưng nghiên cứu văcxin chỉ ngừa chủng EV71 là gây tỉ lệ tử vong cao (gần 80% ca tử vong do tay chân miệng ở VN do EV71). Nghiên cứu của chúng tôi vẫn sử dụng chủng virút cũ và sử dụng chủng thử thách là chủng độc lực cao năm 2011-2012, qua thử nghiệm trên chuột cho thấy văcxin chủng cũ vẫn có tác dụng bảo vệ nhiễm chủng độc lực cao.
* Theo ông, với những kết quả kể trên thì tương lai của văcxin ngừa tay chân miệng ở VN như thế nào?
- Dịch tay chân miệng nặng nhất và tử vong cao nhất là ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Phát triển văcxin cũng là nhằm cho nhóm tuổi này. Chúng tôi cũng hi vọng nghiên cứu sẽ hoàn tất trong hai năm tới và tương lai khi có văcxin, văcxin ngừa tay chân miệng có thể được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đứng đầu 10 bệnh truyền nhiễm có số mắc cao nhất Theo thống kê của Bộ Y tế, ba tháng đầu năm 2013 có trên 14.200 ca mắc tay chân miệng, bốn trường hợp tử vong. Dịch tay chân miệng xuất hiện tại VN từ năm 2003, nhưng gia tăng mạnh từ năm 2011 và hiện đang đứng đầu trong danh sách 10 bệnh truyền nhiễm có số mắc cao nhất và đứng thứ ba trong nhóm 10 bệnh có số tử vong cao nhất ở VN (năm 2012 có trên 170.000 ca mắc bệnh và 45 ca tử vong). Năm 2013, dịch được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, với cao điểm dịch từ tháng 4 đến tháng 9. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận