18/07/2022 20:19 GMT+7

Nghiên cứu mới: Bão Mặt trời có thể làm sai tín hiệu ngành đường sắt

CHẤN PHONG
CHẤN PHONG

TTO - Hiện tượng bão Mặt trời có thể làm gián đoạn tín hiệu thông báo tàu đang di chuyển trên các đường ray. Đây được xem là một hiểm họa mới đối với hệ thống đường sắt khắp thế giới.

Nghiên cứu mới: Bão Mặt trời có thể làm sai tín hiệu ngành đường sắt - Ảnh 1.

Hiện tượng bão Mặt trời có thể đe dọa đến sự vận hành của hệ thống đường sắt trên thế giới - Ảnh: WIRED

Một nghiên cứu của Đại học Lancaster (Vương quốc Anh) công bố tại Hội nghị Thiên văn quốc gia Anh mới đây cho biết hiện tượng bão Mặt trời có thể làm gián đoạn tín hiệu thông báo tàu đang di chuyển trên các đường ray.

Theo nhà vật lý Cameron Patterson của Đại học Lancaster, những hiện tượng thời tiết trong không gian như vậy có thể tạo ra các dòng điện cản trở hoạt động bình thường của hệ thống tín hiệu báo động, khiến chúng chuyển tín hiệu từ màu xanh (không có tàu di chuyển) sang màu đỏ (đang có tàu đi qua) ngay cả khi không có tàu nào gần đó.

Trong ngành đường sắt, tín hiệu thông báo tàu có đang di chuyển hay không được định vị bởi một thiết bị gắn trên một “khối” đường ray. Mỗi “khối” dài từ 1-2km. 

Nếu không có tàu nào đang di chuyển, tín hiệu sẽ chuyển sang màu xanh. Ngược lại, tín hiệu màu đỏ sẽ báo động cho người gác chắn tàu và người dân khi có tàu đi qua.

Theo chuyên trang Phys.org, các vấn đề công nghệ của hệ thống tín hiệu tàu hỏa có thể xảy ra do hậu quả của các cơn bão Mặt trời với nhiều cường độ khác nhau: từ các cơn bão trung bình có cường độ điện trường 2V/km đến các cơn bão mạnh 4V/km.

“Hầu hết chúng ta đã có lúc nghe thấy những thông báo như 'chuyến tàu của bạn tạm hoãn do tín hiệu bị hỏng'. Một số người cho rằng nguyên nhân khiến tín hiệu báo động tàu di chuyển là do mưa, tuyết hay lá cây rơi trên đường. Tuy nhiên, hiện tượng bão Mặt trời có thể là một nguyên nhân tiềm ẩn khác”, báo The Independent dẫn lời nhà vật lý Cameron Patterson phát biểu tại hội nghị.

Theo tạp chí Newsweek, các nhà nghiên cứu tại Đại học Lancaster đang điều tra tác động của hiện tượng bão Mặt trời lên các tuyến đường sắt từ Preston đến Lancaster và Glasgow đến Edinburgh (Vương quốc Anh).

“Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu trường hợp tàu hỏa di chuyển trên một đường ray khi một cơn bão Mặt trời bất ngờ ập đến. Sau đó, chúng tôi sẽ đánh giá độ mạnh của một cơn bão Mặt trời lớn đến mức nào để có thể chuyển tín hiệu từ đỏ sang xanh và ngược lại”, tiến sĩ Cameron Patterson chia sẻ.

Theo NASA, bão Mặt trời là hiện tượng phun trào mang khối lượng và năng lượng từ bề mặt Mặt trời. Bão Mặt trời có thể chỉ kéo dài vài phút đến vài giờ.

Các dấu hiệu cảnh báo một cơn bão Mặt trời bao gồm: pháo sáng từ Mặt trời, điểm sáng phát ra từ Mặt trời, vết đen (vùng tối trên bề mặt Mặt trời) và vết phóng xạ.

Trong thời gian cực đại của Mặt trời, hoạt động trên Mặt trời và các tác động của thời tiết không gian lên môi trường trên cạn của chúng ta là rất cao.

Một cơn bão Mặt trời sẽ Một cơn bão Mặt trời sẽ 'đánh trực diện' vào Trái đất ngày 19-7

TTO - Tiến sĩ Tamitha Skov, được biết đến với biệt danh 'Người phụ nữ thời tiết không gian' nổi tiếng tại Mỹ, thông báo Trái đất sẽ bị 'cú đánh trực tiếp' từ một cơn bão Mặt trời diễn ra vào ngày 19-7.

CHẤN PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên