17/05/2022 09:32 GMT+7

Nghịch lý miền Tây

NGUYỄN VĂN TUẤN
NGUYỄN VĂN TUẤN

TTO - Thật ra có những người nông dân ra đi nhưng trở về, góp phần làm mới làng quê. Làng tôi ngày nay có nhiều nhà mới trông "ngon lành" hơn chính là nhờ đồng tiền của công nhân.

Nghịch lý miền Tây - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG

Vừa rồi tôi có chuyến về thăm quê sau hai năm đại dịch xa cách. Tuy hệ thống giao thông miệt quê đã tốt hơn nhiều, nhưng những người nông dân quê tôi và những người tôi đã gặp đều vẫn nghèo như trước. Điều đáng nói là khoảng 95% lượng gạo xuất khẩu là xuất phát từ miền Tây nhưng nông dân ở miền Tây vẫn nghèo, và vị thế kinh tế của miền Tây đang bị suy giảm.

Để hiểu tại sao nông dân miền Tây nghèo, tôi xin lấy trường hợp của người hàng xóm tôi. Gia đình anh B. có 5 công đất do ông bà để lại. Mỗi năm anh canh tác 2 -3 vụ mùa. Với 3 vụ mùa, sau khi khấu trừ tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu, tiền mướn nhân công, tiền vay ngân hàng mỗi đầu vụ, anh sẽ bỏ túi được chừng 15 triệu đồng. Đó là tình huống may mắn, tức không bị thất mùa hay sâu rầy phá hoại. Nếu thất mùa thì anh bị lỗ và nợ ngân hàng sẽ tích lũy thêm.

Trường hợp của anh hàng xóm tôi khá tiêu biểu ở miền Tây. Người nông dân ở đây quanh năm quần quật trên cánh đồng ông bà để lại để đóng góp vào việc cung cấp gạo nuôi cả nước, góp phần lớn cho xuất khẩu và đem ngoại tệ (hàng chục tỉ USD) về nước nhà, nhưng chính họ vẫn nghèo.

Đó là một nghịch lý.

Có lẽ bạn đọc sẽ hỏi: gia đình anh B. sẽ làm gì để trang trải cuộc sống? Câu trả lời là làm công nhân trong các khu công nghiệp ở Bình Dương, Long An, hay TP.HCM. Lương trung bình hằng tháng của công nhân hiện nay khoảng 8 - 10 triệu đồng, tùy vào tay nghề và trình độ học vấn. Một công nhân chỉ làm 3 tháng là có thể có thu nhập tương đương 1 năm của người nông dân như anh B.

Với một so sánh đơn giản như thế, không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều gia đình bỏ nghề làm ruộng hay cho thuê đất và dắt díu nhau đi các khu công nghiệp để làm công nhân.

Thật ra có những người nông dân ra đi nhưng trở về, góp phần làm mới làng quê. Làng tôi ngày nay có nhiều nhà mới trông "ngon lành" hơn chính là nhờ đồng tiền của công nhân. 

Công nhân miền Tây còn đóng góp vào quá trình hiện đại hóa nông thôn. Những con lộ tráng ximăng tuy chỉ vừa cho 2 chiếc xe gắn máy hay khá hơn chút là cho 2 chiếc ôtô khắp mọi nẻo đường quê đã thật sự nối kết các làng quê và đô thị so với 50 năm trước. 

Từ làng tôi đi Rạch Giá (khoảng 25 cây số) ngày nay chỉ mất 35 phút, thay vì nửa ngày đường sông như nửa thế kỷ trước.

Không chỉ giao thông miệt quê, đường từ Sài Gòn về các tỉnh thành miền Tây cũng đỡ khổ hơn trước. Ngày nay từ Sài Gòn đi Rạch Giá (khoảng 270km) mất 4 tiếng đồng hồ, thay vì 6 - 7 giờ vài năm trước đây. 

Sự rút ngắn thời gian đó là do các cây cầu mới như Cao Lãnh và Vàm Cống cùng với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và con lộ xuyên Á mới được đưa vào sử dụng. Mới đây tôi được biết có thêm nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển giao thông miền Tây, dù muộn nhưng những phát triển mới đó giúp cho miền Tây có cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế.

Trong khi cơ sở hạ tầng ở miền Tây đang được cải thiện thì vị thế kinh tế của miền Tây đang bị giảm dần khi so với các địa phương khác phát triển quá nhanh. 

30 năm trước, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 GDP của các tỉnh miền Tây, nhưng ngày nay GDP của miền Tây chỉ bằng 2/3 GDP của TP.HCM, đó là chưa so với các địa phương khác. 

Trong số 13 tỉnh thành ở miền Tây, chỉ có Cần Thơ tự chủ tài chính, còn 12 tỉnh khác phải được sự hỗ trợ ngân sách trung ương.

Nông dân miền Tây, như anh hàng xóm tôi, góp phần lớn vào xuất khẩu gạo, nhưng vẫn nghèo và sẽ còn nghèo nếu không có một sự thay đổi về mô thức làm ruộng. 

Hàng trăm năm nay, nông dân vẫn làm ruộng theo kiểu cha truyền con nối, quy mô canh tác nhỏ và thiếu liên kết với nhau nên người nông dân rất khó giàu lên. 

Có lẽ cần một "mô thức" canh tác mới với nhiều nông dân liên kết với nhau để tạo nên một diện tích ruộng lớn như ở phương Tây và công nghiệp hóa nông nghiệp thì người nông dân miền Tây mới có thể thoát nghèo.

Xe khách miền Tây kẹt đường không lên được, bến xe cho khách trả vé, hoàn tiền Xe khách miền Tây kẹt đường không lên được, bến xe cho khách trả vé, hoàn tiền

TTO - 'Do có tai nạn trên quốc lộ 1 khiến xe từ miền Tây lên không kịp, nhiều hành khách bị chậm giờ khởi hành so với vé mua, nên các hãng xe cho khách trả vé và được hoàn tiền', ông Trần Nhân Hậu, trưởng phòng điều hành bến xe Miền Tây, cho biết.

NGUYỄN VĂN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên