22/10/2019 11:30 GMT+7

Nghị trình và ưu tiên của quốc gia

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TTO - Hôm qua 21-10, Quốc hội đã khai mạc kỳ họp thứ 8. Mặc dù đây là kỳ họp cuối năm, các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách chỉ chiếm khoảng 40% nghị trình, các vấn đề về lập pháp lại chiếm đến khoảng 60%.

Tỉ lệ trên cho thấy trọng tâm của kỳ họp có vẻ như đang lệch sang phía hoạt động lập pháp. Và điều này quả thực là không thật đặc trưng cho các kỳ họp cuối năm.

Thông thường tại các kỳ họp cuối năm, trọng tâm của nghị trình phải là các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đặc biệt là các vấn đề về ngân sách. Ngân sách là bản chất của chính sách.

Các chính sách không có được sự phân bổ ngân sách đi kèm sẽ chỉ là những tuyên ngôn trống rỗng. Chính vì vậy, nghị viện của các nước trên thế giới đều phải dành từ nửa năm đến 8 tháng để xem xét quyết định các vấn đề về ngân sách.

Do không hoạt động thường xuyên, Quốc hội nước ta không thể dành nhiều thời gian như vậy để quyết định ngân sách được. Tuy nhiên, với 60% nghị trình dành cho hoạt động lập pháp, thời gian cho việc xem xét, quyết định ngân sách tại kỳ họp này quả thật sẽ rất ít.

Nghị trình của Quốc hội phản ánh ưu tiên của quốc gia. Một vấn đề của đất nước không được đưa vào nghị trình thì cho dù có quan trọng đến đâu chăng nữa cũng sẽ không bao giờ được giải quyết.

Để phản ánh đúng ưu tiên của quốc gia, Chính phủ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác lập nghị trình của Quốc hội.

Ở hầu hết các nước trên thế giới, công việc của chính phủ phải là ưu tiên của nghị trình. Nghị trình còn được hình thành trên cơ sở kiến nghị của các đại biểu quốc hội. Đây là cơ chế để nghị trình phản ánh được các quan tâm của cử tri.

Kiến nghị của một đại biểu phải được một đại biểu khác ủng hộ để được quốc hội xem xét về việc có đưa nó vào nghị trình hay không.

Nếu được đa số các vị đại biểu ủng hộ, kiến nghị của một đại biểu vẫn có thể trở thành một nội dung của chương trình nghị sự.

Đây là lúc chức năng đại diện của quốc hội thật sự tác động lên nghị trình, lên việc xác lập ưu tiên của quốc gia.

Kỳ họp cuối năm của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh bộn bề những vấn đề người dân đặc biệt quan tâm, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, những vấn đề bức xúc nảy sinh từ cuộc sống, vấn đề chống tham nhũng...

Những vấn đề đáng bàn đó không thể không có trong nghị trình kỳ họp. Nghị trình của kỳ họp lần này phản ánh đúng ưu tiên của quốc gia đến đâu phụ thuộc không chỉ vào sự chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, mà còn vào sự gắn bó chặt chẽ của các vị đại biểu Quốc hội với dân và năng lực đại diện cho dân của họ.

Quốc hội bắt đầu kỳ họp thứ 8 dài kỷ lục Quốc hội bắt đầu kỳ họp thứ 8 dài kỷ lục

TTO - 9h sáng nay 21-10, Quốc hội chính thức khai mạc kỳ họp thứ 8 khóa XIV - một kỳ họp có thời gian dài kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ (dự kiến 27-11 mới bế mạc) với nhiều nội dung quan trọng.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên