Theo nghiên cứu mới nhất của Google và Temasek, thị trường gọi xe Việt Nam đang có quy mô khoảng 500 triệu USD và sẽ sớm cán mốc 2 tỉ USD trong tương lai gần.
Tăng trưởng thần tốc nhưng sẽ thế nào khi "cuộc chơi" chỉ dựa trên việc giữ tài xế bằng tiền thưởng và giữ khách hàng bằng khuyến mại chứ không dựa vào những giá trị khác để phát triển bền vững?
Tiền thưởng của các app gọi xe sẽ tạo động lực lên cả hai khi tài xế muốn có thu nhập cao và công ty muốn giữ tài xế để mở rộng thị phần.
Nhưng sẽ thế nào nếu sau giai đoạn đầu đi giành thị phần, app cắt thưởng và những chính sách ràng buộc khiến tài xế phải "đâm lao"?
Cách đây 4-5 năm, app gọi xe bắt đầu xuất hiện trên thị trường với đầy rẫy các câu quảng cáo về thu nhập cao 15-20 triệu đồng/tháng, thời gian chủ động...
Thực tế, không ít tài xế xe công nghệ có mức thu nhập khủng khi được các hãng tung ra các gói hỗ trợ tài xế, cộng thêm tiền cước và tiền thưởng; mỗi tài xế có thể mang về túi mình 1,5-2 triệu đồng/ngày, tương đương khoảng 40 triệu đồng/tháng vào thời điểm năm 2015.
Cuộc chạy đua mở rộng thị trường, cạnh tranh giữa các hãng gọi xe công nghệ trong năm sau đó đã khiến cho nhiều tài xế chuyển hãng để có thu nhập cao nhờ tiền thưởng, với hàng ngàn chuyến đi miễn phí cho khách hàng.
Khi một tay chơi mới xuất hiện trên thị trường, các chương trình đồng giá và hỗ trợ cho tài xế lại xuất hiện.
Tuy nhiên khi các cuộc "xâm lấn" thị phần đạt được ở mức độ nhất định, các chính sách thưởng lập tức được thắt lại. Khi chính sách thưởng đột ngột bị cắt, tài xế xe công nghệ bị chơi vơi, không ít người điêu đứng.
App nào mới cho tài xế một công việc bền vững?
Anh Thành Trung (Củ Chi) tiết lộ mức thu nhập thực tế của một tài xế bike đến thời điểm hiện nay khi không có chính sách tặng thưởng: thường tài xế chạy thu về khoảng 420.000 đồng/28 cuốc xe/ngày.
Trừ đi 60.000 đồng xăng xe, 90.000 đồng/chiết khấu, số tiền còn lại thực nhận khoảng 270.000 đồng/ngày, tương đương khoảng 8,1 triệu đồng/tháng.
Số tiền phải trừ đi chi phí khấu hao: mỗi tuần phải thay một bình nhớt, bể bánh là thường xuyên... Nên số tiền thực nhận chỉ còn khoảng 6 -7 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó để chạy được 28 cuốc cũng đã là điều không dễ dàng. Nếu tài xế xe ôm không có thưởng thì thu nhập coi như thấp hơn lương công nhân.
Tương tự như vậy với app car trung bình chạy khoảng 12 tiếng liên tục sẽ có doanh thu khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Trừ 300.000 đồng thuê xe, xăng xe khoảng 300 - 400 ngàn đồng, app thu chiết khấu khoảng 450.000 đồng và số tiền thực nhận còn lại 400.000 đồng/ngày, tương đương 12 triệu đồng/tháng.
Chưa kể tiền bể lốp, dầu, nhớt phải thay mỗi tháng thì tiền chẳng con bao nhiêu.
"Đến giây phút này, anh em chúng tôi mới nhận ra rằng thu nhập tốt ai cũng mong muốn nhưng quan trọng hơn vẫn là một công việc có tính ổn định, bền vững. Tài xế công nghệ là một nghề, không phải là công việc bán thời gian nữa, vì thế chúng tôi cần chính sách ổn định hơn của doanh nghiệp để yên tâm gắn bó với nghề", anh Trung nói.
Tài xế, Trần V. Tâm (Gò Vấp) cho hay nhiều tài xế đã từng hi vọng với tiềm lực là một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vận tải với mạng lưới xe khách trải rộng khắp toàn quốc của hãng xe Phương Trang - FUTA Bus Lines sẽ giúp VATO có thể trở thành app lớn mạnh để các anh em tài xế tin tưởng đồng hành.
Thế nhưng từ năm 2018 đến nay các chính sách VATO đưa ra khá chừng mực.
TS. Lưu Minh Tùng - CEO VATO cho biết, VATO được công ty mẹ đầu tư phát triển ứng dụng để hoàn thiện như một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của tập đoàn.
Chính vì thế, VATO tập trung vào nhân lực, phát triển nhiều dịch vụ cộng hưởng để gia tăng tiện ích cho khác hàng - đó là bước đi song hành vì sự phát triển bền vững của công ty.
Với một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho phép VATO có mức thu chiết khấu ổn định với các tài xế dù không có khuếch trương rầm rộ như các ông lớn khác.
Hiện VATO Car giữ mức thu chiết khấu 15%, VATO Bike 5% và chương trình đồng giá 8.000 đồng/cuốc xe. Không ít tài xế chạy VATO Car có thu nhập khá ổn định từ khoảng 20-25 triệu đến 30 triệu đồng/tháng và VATO Bike thu nhập 17-18 triệu đồng/tháng.
Ông Tùng cũng tiết lộ tới đây trên ứng dụng VATO sẽ cho phép khách hàng gọi xe qua app, gọi taxi, gọi thức ăn, mua vé xe khách trên toàn quốc, gửi hàng hoá trên toàn quốc…
Hiện công ty mẹ mỗi ngày trung bình có 15.000 đơn hàng và dịp lễ, tết số lượng hàng hoá tới 25.000 đến 30.000 đơn hàng, trong đó số lượng hàng hoá tại TP.HCM chiếm 2/3 đơn hàng/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận