Trong hơn 500 bài viết gửi tới, ban tổ chức đã chọn ra 10 tác phẩm đặc sắc để trao lộc xuân - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Hơn 500 bài viết, 3 triệu lượt xem
Từ 28-1 đến 11-2 (23 tháng chạp đến mùng 7 tết), diễn đàn Đường về quê ăn Tết của tôi do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines đã nhận được hơn 500 bài viết tham dự từ đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.
Mỗi câu chuyện chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì mức 2 triệu đồng. Ban tổ chức đã chọn ra 10 bài viết đặc sắc để trao "Lộc xuân 2019" với mức 5 triệu đồng/tác giả tại lễ tổng kết.
Danh sách bài viết và tác giả nhận "Lộc xuân 2019" của chương trình:
1. Cơm tù, ám ảnh kinh hoàng một thời đường về quê ăn Tết - tác giả Hữu Chơn
2. Về quê ăn Tết: Con đường đẹp nhất cuộc đời - tác giả Phạm Thư
3. Tết rồi, về ăn ổ bánh mì chan nước tương cùng má - tác giả Thi Văn Chương
4. Tôi là người Việt Nam, xin chỉ đường cho tôi về quê - tác giả Đỗ Thị Minh Thùy
5. Ngày 30 chộn rộn lặt vặt của tôi: một osin - tác giả Nguyễn Thị Cẩm Vân
6. Chuyến tàu Tết ngậm ngùi của hai cha con - tác giả Minh Hiển
7. Trên chuyến tàu về quê ăn Tết muộn - tác giả Thu Thủy
8. Nhói lòng đường về quê ăn Tết với những chú khỉ cụt tay - tác giả Trương Quốc Phong
9. Điện thoại chỉ nghe tiếng nước chảy: Mẹ đang lau nhà thuê - tác giả Thu Trần
10. Tôi dân Sài Gòn quê đâu mà về ? - tác giả Tô Văn Lộc
Sáng 3-3, chương trình tổng kết Đường về quê ăn Tết của tôi diễn ra tại báo Tuổi Trẻ. Tết đã qua gần một tháng, hôm nay những tác giả đoạt giải ngồi lại trải lòng.
Những tay viết không chuyên vừa ngạc nhiên, vừa mừng vui khi câu chuyện của riêng mình được mọi người đón nhận.
Tết là "phải về"
Một cụ bà sang Úc định cư cùng con gái, Tết đến chỉ có một khát khao duy nhất là được trở lại quê nhà. Nhưng làm sao đây, với một thân già nhà quê, một chữ tiếng Anh không biết mà đường bay từ Úc về phải quá cảnh ở Philippines?
Có hề chi khi quyết tâm về quê quá lớn, bà cụ chuẩn bị sẵn một tấm bìa cứng ghi dòng chữ: Tôi là người Việt Nam, xin hãy giúp đỡ chỉ đường cho tôi về quê. Và những người Việt ở sân bay đã đến bên bà, giúp bà như ý nguyện.
Đó là câu chuyện của chị Đỗ Thị Minh Thùy, tác giả bài viết "Tôi là người Việt Nam, xin chỉ đường cho tôi về quê". Năm nay bà cụ đã 86 tuổi, sức khỏe đã kém rồi, chỉ có khát khao về quê là luôn bỏng cháy.
Chị Cẩm Vân chia sẻ câu chuyện đến với duyên viết lách của mình - Ảnh: TUYẾT KIỀU
"Phải về thôi" - có lẽ là tâm trạng thôi thúc nhiều người trong những ngày giáp Tết. Nó lý giải cái sốt ruột đứng ngồi không yên của cô giúp việc khi trưa 30 Tết rồi mà chủ vẫn chưa về để giao con, điện thoại từ quê nhà Long An thì cứ réo vang thúc giục.
Cô giúp việc ấy - chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, 51 tuổi - tác giả bài viết Ngày 30 chộn rộn lặt vặt của tôi - một osin là một người thú vị, khiến mọi người phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chị kể nhà nghèo từ lúc sinh ra, lấy chồng tưởng hết nghèo ai dè còn nghèo hơn, vợ chồng bán từng bó rau kiếm từng xu lẻ.
Nhưng chính cái niềm say mê đọc sách báo đã đưa chị đến với "nghiệp viết lách". Đi chăn bò mà trong túi lúc nào cũng có tờ giấy với cây viết để có ý tưởng gì thì ghi lại ngay. Rồi chị đoạt giải thưởng viết truyện ngắn, trở thành cộng tác viên của nhiều báo đài.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân - cô giúp việc chia sẻ niềm đam mê đọc báo và viết báo - Video: TUYẾT KIỀU
Ngồi tủm tỉm cười nghe vợ chia sẻ với quan khách câu chuyện kỳ lạ của nhà mình, anh Nguyễn Thành Tông nhớ lại ngày 30 ấy: Sốt ruột lắm chớ, xóm giềng người ta đi làm ăn về hết rồi, nhà mình chỉ đợi bả về nữa là đủ tết mà chờ hoài chưa thấy…
Có lẽ ai có người thân đi xa mới hiểu cái cảm giác mong ngóng một người về sum họp nữa là đủ đầy cái Tết như gia đình anh Tông.
Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đánh giá chương trình Đường về quê ăn Tết của tôi rất thành công, chạm đến trái tim của người đọc. "Có nhiều người chia sẻ, họ vì đọc những bài viết này mà thay đổi kế hoạch giờ chót, quyết định rời thành phố để về quê đón Tết".
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trao quà cho ông Thi Văn Chương - tác giả bài viết Tết rồi về ăn bánh mì nước tương cùng má - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Về nhà làm gì? Để ăn bánh mì nước tương cùng má, vậy thôi – đó là câu trả lời của anh Thi Văn Chương, quê Đức Hòa (Long An). Cha mất sớm, mẹ anh tảo tần nuôi ba con khôn lớn, dạy các con dù cuộc sống khấm khá vẫn không quên quá khứ khó nghèo năm xưa.
Tới tận bây giờ người mẹ vẫn giữ thói quen cũ lúc đợi giao thừa: vẫn là bánh mì chan nước tương, có kẹp thêm tép rong và cá trắng từ dòng sông Vàm Cỏ Đông.
"Mấy chục năm cuộc đời mà gói gọn trong mấy trăm chữ quả là khá khó khăn với người viết lách nghiệp dư như tôi", anh Chương thiệt tình chia sẻ.
Câu cuối trong bài, anh viết: Má ơi, con muốn má ngồi với chúng con ăn bánh mì thêm vài chục cái tết nữa. Má hứa vậy với ba anh em con nghen má. Chỉ vậy thôi mà dưới bài viết của anh, hàng chục bạn đọc khác để lại những dòng bình luận đẫm nước mắt nhớ thương mẹ…
Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần xe khách Phương Trang tặng quà cho các tác giả - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Mở lòng với những người dưng
Trong số hơn 10 tác phẩm được chọn để trao lộc xuân, có những câu chuyện không chỉ của người trong cuộc.
Trong Chuyến tàu Tết ngậm ngùi của hai cha con, tác giả Minh Hiển (Quảng Trị) kể câu chuyện về hai hành khách ngồi chung khoang tàu. Người cha ở Nam Định phải mang "trả" đứa con trai cho mẹ nó ở Sài Gòn.
Gia đình họ chia lìa cũng từ một chiều 30 Tết năm nào đó, người chồng đi nhậu về đánh vợ. Vợ giận, ôm con bỏ đi rồi ly hôn, lập nghiệp, lập gia đình mới nơi đất khách… Tác giả đã lắng nghe và chia sẻ với cha con họ, lì xì cho cháu bé trước khi xuống tàu…
Anh Trương Quốc Phong - tác giả bài viết "Nhói lòng đường về quê ăn Tết của những chú khỉ cụt tay" - kêu gọi mọi người thương lấy những chú khỉ, đừng đặt bẫy chúng, bởi tình yêu thương với động vật cũng quan trọng như tình yêu thương với con người - Ảnh: TUYẾT KIỀU
"Tôi dân Sài Gòn, quê đâu mà về" câu nói chẳng biết có phần nào "ghen tị, tủi thân hờn trách" của chàng trai trẻ người Sài Gòn Tô Văn Lộc hay không, nhưng nếu có một chút nào cũng thật dễ thương.
Bởi chàng trai ấy vì không có quê, đã chọn cách đón Tết ở một nơi xa trên hành trình đạp xe từ Sài Gòn tới Vũng Tàu. Trên hành trình ấy, cậu đã không ngại ngần "sà" vào xóm trọ công nhân, đón Tết với những người xa lạ rồi nhận ra: "Tết ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam đều thú vị".
Vậy là trên hành trình về quê ăn Tết của mình, nhiều người đã chọn cách lắng nghe và sẻ chia với những người xung quanh - những câu chuyện mà đôi khi ngày thường hối hả thật khó đủ thời gian và tĩnh lặng để lắng nghe…
Chàng trai 30 tuổi Tô Văn Lộc với quan niệm hiện đại về Tết, "nhưng dù thế nào cũng yêu Tết cổ truyền" - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Tết sum vầy, không thể khác
Ông Đặng Trọng Hiền, tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, chia sẻ ông đọc hết những bài viết "Đường về quê ăn Tết của tôi" trên báo Tuổi Trẻ, thấy rất cảm xúc, từng bài viết đều chạm vào trái tim người đọc.
"Những câu chuyện dọc đường về quê ăn Tết, qua nhiều năm phục vụ chúng tôi đã gặp rất nhiều và cũng rất thấm thía rồi. Truyền thống người Việt, ngày Tết là ngày sum vầy toàn thể anh em gia đình, là ngày hạnh phúc nhất nên dù đi đâu làm gì mọi người ai cũng muốn tìm về với gia đình như vậy.
Chúng tôi luôn cố gắng để có những chuyến xe thuận tiện, an toàn cho mọi người không chỉ trong dịp tết mà trong cả năm", ông Hiền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận