06/02/2019 13:25 GMT+7

Chuyến tàu tết ngậm ngùi của hai cha con

MINH HIỂN (Quảng Trị)
MINH HIỂN (Quảng Trị)

TTO - "Thành thử không có cái tết nào vui nữa cô chú ạ, cứ đến tết lại nhớ chuyện cũ, lại buồn. Tưởng tết năm nay có nó sẽ vui hơn – anh nhìn con trai ánh mắt đẫm yêu thương - Ai ngờ…".


Chuyến tàu tết ngậm ngùi của hai cha con - Ảnh 1.

Khung cảnh mùa xuân bên ngoài ô cửa sổ tàu lửa chúng tôi đi - Ảnh: MINH HIỂN

Ngoài chúng tôi, trên toa cũng có vài hành khách đã lên tàu từ trước đó và đều đang ngủ say. Đối diện ghế chúng tôi là hai người, trông rõ cha con. Còn quá sớm, sắp đặt xong xuôi vợ chồng tôi chìm vào trong giấc ngủ khi nào không biết.

Tàu phanh gấp khiến chúng tôi giật mình thức giấc, trời đã sáng. Phía bên kia người đàn ông đã dậy từ bao giờ, chỉ còn đứa nhỏ vẫn gác lên đùi anh ngủ ngon lành. Bàn tay to lớn của anh đã giữ chặt thằng bé không để nó phải giật mình.

"Cô chú dậy rồi đấy à:" Anh nói.

"Vâng, tàu mình đến đâu rồi anh?" – Tôi nhìn về phía người đàn ông và hỏi. 

Anh có vẻ mặt khắc khổ nhưng không gợi cho người khác cảm giác khó gần cùng dáng người cao lớn: "Đâu đó ở Quảng Bình rồi em, tàu vừa qua ga Đồng Lê".

Chuyện trò cùng anh được một lúc thì tàu chuyển bánh. Thằng bé tỉnh giấc, anh đưa cháu về cuối toa vệ sinh cá nhân. Lúc sau quay lại mời vợ chồng tôi cùng ăn sáng. Vợ  tôi cũng mở gói hành lý và lấy xuống một cặp bánh chưng, vậy mà ấm cúng.

Qua trò chuyện, tôi khá ngạc nhiên khi thấy anh nói giọng Bắc, trong khi thằng bé con anh lại nói tiếng miền Nam. Tôi hỏi, anh ngần ngừ trả lời: "Thằng bé con anh nhưng sống ở miền Nam với mẹ. Vợ chồng anh ly hôn".

"Tết này hai bố con vào Nam ăn tết hay sao anh?" – "Không, chỉ có thằng bé thôi, anh mang nó vào cho mẹ rồi ra lại nhà ngay"

Sợ chạm vào nỗi buồn của anh, chúng tôi không hỏi gì thêm nhưng chốc chốc anh vẫn kể bằng từng đoạn ngắt quãng, có lẽ như anh đang muốn có người nghe tâm sự của mình.

Quê anh Nam Định, thằng bé sống với mẹ ở Sài Gòn. Trước tết anh xin chị đón thằng bé ra quê chơi vài ngày. Công việc cuối năm bận rộn nên chị cũng đồng ý. Anh tính để thằng bé ở lại hết tết rồi mới đưa vào, không ngờ chị làm căng quá, thành ra đến sát ngày 30 tết anh buộc phải đưa thằng bé vào lại với mẹ nó.

"Tội nghiệp nó, nó có vẻ thích tết ở quê, nhưng hai bố con xin mãi mà mẹ nó không đồng ý, thôi đành vậy - anh bảo – Chỉ thương con phải đón giao thừa ở trên tàu, sáng mồng 1 mới vào đến Sài Gòn".

"Chắc chị ấy lo lắng cho thằng bé anh ạ".

"Ừ, cô ấy cũng chỉ có mình nó, ngày cô ấy đi vào Nam, nó chưa thôi nôi".

Và với giọng trầm đều, anh lại tiếp tục câu chuyện đời mình. Hơn mười năm trước khi anh chị vẫn còn trẻ, anh vẫn còn ham chơi, rượu chè cờ bạc đủ thứ thành ra cưới nhau về anh chị cãi nhau liên tục.

Chiều 30 tết, anh đi nhậu với bạn về, thấy nhà cửa nhếch nhác, lại nghe tiếng con dâu và mẹ chồng cãi nhau, anh không nói không rằng lao vào đánh chị. Thế là chị bồng thằng bé mới được vài tháng về nhà ngoại. Anh say quá , ngủ đến hôm sau mới tỉnh.

"Do anh sĩ diện quá, nghĩ vợ đi vài ngày thôi rồi về. Ai ngờ hết tết, anh sang nhà thì bố mẹ vợ quát anh một trận và đuổi về anh mới biết vợ mình thì đã vào Nam tìm việc làm theo bạn bè, anh gọi điện bảo về thì muộn mất rồi".

Nửa năm sau thì trở lại, nhưng không phải để quay về với anh mà để hoàn thành nốt thủ tục ly hôn, tòa xử con trai theo mẹ. Chị lập nghiệp nơi đất khách quê người, rồi lập gia đình lần nữa.  Anh mất vợ, chia tay con.

"Thành thử không có cái tết nào vui nữa cô chú ạ, cứ đến tết lại nhớ chuyện cũ, lại buồn. Tưởng tết năm nay có nó sẽ vui hơn – anh nhìn con trai ánh mắt đẫm yêu thương - Ai ngờ…".

Tiếng thở dài của anh tan vào cái rét ngày cuối năm, chỉ còn nỗi buồn như đọng lại trong khoang tàu.

Tàu về đến Đông Hà, hành trình về quê đón tết của vợ chồng tôi đã đến chặng cuối. 

Anh giúp vợ chồng tôi mang hành lý xuống sân ga. Chúng tôi nói lời tạm biệt và chúc mừng năm mới như những người thân thuộc khi tàu chuyển bánh.

Tôi dúi vào tay thằng bé con anh phong bao lì xì, chúc cháu học giỏi và ngoan ngoãn. Thằng bé cười thật hiền. Có lẽ ngày mai, nó sẽ vui đón năm mới tại thành phố hoa lệ. Còn anh chắc sẽ đón một chuyến tàu xuân nào đó, lặng ngắm mùa xuân qua những ô cửa tàu lửa trong chuyến hành trình từ Nam ra Bắc...?

Chuyến tàu tết ngậm ngùi của hai cha con - Ảnh 2.

Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết

Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm.

Đến hẹn lại lên, hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và cũng không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?...

Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Đừng ngần ngại gửi về cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: vequeantet@tuoitre.com.vn từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).

Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.

Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!



MINH HIỂN (Quảng Trị)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: về quê ăn tết