Theo báo cáo nhanh của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương bình quân của người lao động năm 2024 ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023.
Tiền lương, thưởng Tết đều tăng
Trong đó, công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 9,28 triệu đồng/tháng.
Về thưởng Tết Nguyên đán 2025, thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cụ thể, mức thưởng ở công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 8,24 triệu đồng/người.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 8,6 triệu lượt đoàn viên lao động được công đoàn chăm lo, hỗ trợ với kinh phí hơn 4.750 tỉ đồng.
Trong đó, nguồn tài chính công đoàn hơn 3.000 tỉ, còn lại là kêu gọi xã hội hóa.
Một số hoạt động trọng tâm là chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng, chuyến bay - chuyến tàu - chuyến xe công đoàn hay chợ Tết Công đoàn năm 2025 trực tuyến do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức qua website chotet.congdoan.vn.
Trong đó, có trên 450.000 lao động được tặng vé máy bay, vé tàu, vé xe về quê đón Tết, nhất là nhóm làm xa ở các tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Ngừng việc tập thể giảm
Cũng theo báo cáo, công đoàn các cấp thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tâm tư, nguyện vọng của công nhân. Trong đó, tổ chức công đoàn tập trung theo dõi, nắm tình hình trả lương thưởng của doanh nghiệp và chăm lo, hỗ trợ người bị mất việc, thiếu việc tạm thời.
Đây là nguyên nhân dẫn tới một số vụ ngừng việc tập thể, chủ yếu do người lao động không đồng ý với mức tiền lương, thưởng Tết. Trong tháng 12-2024 và tháng 1-2025, cả nước có 7 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 5 tỉnh thành, giảm 8 cuộc so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cấp công đoàn và chính quyền, sở ngành, công an hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết thông qua đối thoại, thương lượng. Hầu hết yêu cầu của người lao động đã được chủ sử dụng lao động giải quyết toàn bộ hoặc một phần, sau đó công nhân trở lại làm bình thường.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cuộc ngừng việc tập thể tập trung tại các tỉnh thành lớn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, chiếm trên 50% tổng số cuộc.
Công đoàn Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình quan hệ lao động, sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật cũng như chế độ, chính sách, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên lao động, nhất là nơi đông công nhân để chủ động phối hợp, đề xuất với chủ sử dụng lao động.
Có thể là hỗ trợ người lao động trở lại làm việc sau Tết ở các địa phương nhiều lao động như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận