20/11/2018 21:53 GMT+7

Nghề nào đang sống khỏe, nghề nào đang chết dần ở Đông Nam Á?

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Công nghệ, tự động hóa và tình trạng phân rã. Tất cả những từ ngữ này dường như chỉ cho thấy thị trường nghề nghiệp Đông Nam Á sẽ rất khó đoán định.

Nghề nào đang sống khỏe, nghề nào đang chết dần ở Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Muốn bắt nhịp thay đổi, Đông Nam Á sẽ cố gắng chuyển đổi các ngành nghề từ nông nghiệp sang dịch vụ trong vài năm nữa - Ảnh: AFP

CNBC ngày 19-11 dẫn ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho rằng trong bốn năm tới, 75 triệu việc làm sẽ bị mất, và 133 triệu việc làm mới được tạo ra trên toàn cầu.

WEF cho rằng động lực chính cho những thay đổi này là sự tiến bộ trong công nghệ, và Đông Nam Á chính là nơi sẽ chứng kiến thay đổi mạnh mẽ nhất.

Để bắt kịp tốc độ thay đổi này, Đông Nam Á sẽ cố gắng chuyển đổi các ngành nghề từ nông nghiệp sang dịch vụ trong vài năm nữa. Đây dẫu sao cũng là diễn biến đã xuất hiện vài thập kỷ nay nơi các nền kinh tế phát triển.

Sự chuyển đổi ấy sẽ dẫn tới 28 triệu việc làm mất đi tại 6 nền kinh tế đầu tàu của Đông Nam Á trong vòng một thập kỷ tới, theo báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu Oxford Economics và công ty công nghệ Mỹ Cisco.

Con số ấy tương ứng với khoảng 10% tổng dân số lao động của các nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Sự thay đổi trên sẽ dẫn tới sự bùng nổ cho những nghề mới trong các ngành công nghiệp phát triển, nhưng cũng đồng thời mang tới nguy cơ mất đi 6,6 triệu nghề đối với người lao động ít kỹ năng, và họ sẽ phải chuyển sang vai trò mới. Thách thức và thời cơ này sẽ chỉ ra những nghề nào được kỳ vọng sẽ nắm vai trò quan trọng trong tương lai, và những kỹ năng nào cần thiết để chớp lấy cơ hội.

Chủ tịch Cisco phụ trách Đông Nam Á, ông Naveen Menon, chỉ ra những nghề nghiệp sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tương lai, và những nghề sẽ mất đi.

Ngành nào sẽ "hot"?

Theo ông Menon, khi công nghệ áp dụng sâu hơn vào các ngành công nghiệp, hoạt động sản xuất sẽ có chi phí thấp hơn, dẫn tới giá hàng hóa và dịch vụ giảm xuống. Điều này tiếp tục làm tăng sức chi, thúc đẩy nhu cầu và tạo ra việc làm.

Các ngành đang hứa hẹn tạo ra cơ hội nhiều nhất vì vậy sẽ là buôn bán sỉ - lẻ, sản xuất, xây dựng và giao thông. Các lĩnh vực nhỏ hơn ở Đông Nam Á như công nghệ thông tin, tài chính và nghệ thuật vì vậy cũng phát triển kéo theo.

Vì đa số các ngành trên đều cần kỹ năng và thường phải tương tác với khách hàng, ông Menon lưu ý rằng người lao động cần tập trung xây dựng năng lực ngay từ bây giờ, kể cả chuyên môn lẫn kỹ năng mềm - bao gồm giao tiếp và tư duy phản biện.

Ngành nào sẽ "mất"?

Ngược lại diễn biến nêu trên, các ngành nghề dần mất sức hút sẽ tập trung vào nhóm ít kỹ năng và thiếu khả năng đáp ứng với tự động hóa.

Cụ thể, những nhóm ngành có nguy cơ mất hút sẽ tập trung vào nông nghiệp và các khâu sử dụng lao động thủ công, như công nhân vệ sinh, công nhân vận hành máy hoặc giao dịch viên. Báo cáo của WEF cho rằng trong khi đây là xu hướng toàn cầu, khu vực Đông Nam Á sẽ gánh tác động mạnh hơn vì lâu nay khu vực này vẫn phụ thuộc vào ngành nông nghiệp.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên