02/04/2018 16:41 GMT+7

Nhiều nước Đông Nam Á đưa Grab vào tầm ngắm

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Thương vụ đình đám Uber bán thị trường Đông Nam Á cho Grab đã được chốt hạ giữa hai công ty nhưng chính quyền nhiều quốc gia ở khu vực đã khẳng định sẽ xem xét kỹ thương vụ này nhằm tránh tình trạng độc quyền.

Nhiều nước Đông Nam Á đưa Grab vào tầm ngắm - Ảnh 1.

Mũ bảo hiểm của Grab và Uber trong cửa hàng bán mũ đã dùng rồi ở thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 2-4 - Ảnh: REUTERS

Theo đài Channel NewsAsia, hôm nay (2-4), Ủy ban Cạnh tranh của Philippines cho biết đang theo dõi thương vụ bán phần thị trường của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Philippines, cho công ty Grab có làm ảnh hưởng đến nguyên tắc cạnh tranh hay không.

Trong thông cáo phát đi, Ủy ban Cạnh tranh của Philippines (PCC) cho biết: "Thương vụ mua lại của Grab-Uber dường như có ảnh hưởng sâu rộng đến các dịch vụ vận tải công cộng. Do vậy, PCC đang xem xét hợp đồng này một cách chặt chẽ".

Ủy ban PCC cho biết sẽ gặp đại diện của hai công ty Uber và Grab để nắm thêm thông tin về khả năng xảy ra độc quyền trên thị trường vận tải khi Grab nắm luôn thị trường đã xây dựng của Uber.

"Vụ sát nhập hoặc mua lại xem xét dưới góc độ cạnh tranh sẽ quyết định xem liệu cuộc sát nhập của hai doanh nghiệp trong thị trường chia sẻ xe có làm giảm đi tính cạnh tranh nhiều hay không", thông cáo của PCC cho biết.

"PCC nhìn nhận rằng việc Uber rời khỏi Philippines sẽ giúp đối thủ Grab có được thế độc quyền trong thị trường chia sẻ xe cho tới khi có các doanh nghiệp mới tham gia cuộc chơi", Ủy ban của Philippines nêu rõ.

Nhiều nước Đông Nam Á đưa Grab vào tầm ngắm - Ảnh 2.

Trụ sở văn phòng của Grab tại Singapore - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, hôm nay (2-4) Bộ Giao thông Indonesia cũng đưa ra yêu cầu đăng ký kinh doanh đối với hai hãng Go-Jek và Grab: trong vòng 2 tháng, hai hãng xe sử dụng công nghệ này phải đăng ký hoạt động như công ty vận tải để đảm bảo rằng họ đáp ứng các yêu cầu về an toàn trong dịch vụ vận tải công cộng, về khả năng tăng phí và giám sát của các công ty đi xe.

Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi cho biết chính quyền Jakarta đã hoàn tất một quy định mới yêu cầu các công ty thuê xe phải xin giấy phép từ Bộ để được hoạt động kinh doanh giao thông công cộng. Các quy tắc mới sẽ được thảo luận với tất cả các bên liên quan "trong vòng một hoặc hai ngày", ông Sumadi khẳng định trong cuộc họp báo ngày hôm nay.

Cùng ngày, chính quyền Malaysia cũng thông báo sẽ đưa hãng công nghệ vận tải Grab vào danh sách giám sát chống cạnh tranh sau khi hãng này tiếp nhận mảng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của đối thủ Uber.

Thông báo cho biết Ủy ban Cạnh tranh của Malaysia sẽ kiểm soát Grab, đặc biệt nếu hãng này có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hoặc tăng phí đột ngột. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Nancy Shukri khẳng định việc giám sát là cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong mảng dịch vụ vận tải này để gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.

Bà Shukri nhấn mạnh rằng trong trường hợp có hiện tượng chống cạnh tranh, Đạo luật Cạnh tranh sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Theo Bộ trưởng Shukri, tại cuộc họp diễn ra tuần trước, Grab - công ty được định giá khoảng 6 tỉ USD, đã đưa ra đảm bảo rằng trong quá trình chuyển giao, sẽ không xảy ra chuyện giá không hợp lý cũng như không có chuyện tăng phí vận chuyển.

Nhiều nước Đông Nam Á đưa Grab vào tầm ngắm - Ảnh 3.

Quảng cáo của dịch vụ Grab tại bến xe lửa Sudirman ở thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 26-3 - Ảnh: REUTERS

Malaysia là nước tiếp theo tại Đông Nam Á đưa thương vụ giữa hai "đại gia" đình đám Uber-Grab vào tầm ngắm. Trước đó, ngày 30-3, Singapore thông báo sẽ điều tra về thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh nói trên với lý do lo ngại thỏa thuận này có thể tạo thế độc quyền cho Grab, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và giới tài xế.

Ủy ban Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore đã ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp tạm thời cho Uber và Grab, yêu cầu hai công ty này không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra.

Thông báo của ủy ban cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp giữ nguyên các chính sách về giá cũng như các loại hình phục vụ như trước khi đạt được thỏa thuận, đồng thời không được phép chia sẻ cho nhau mọi thông tin mật liên quan đến vấn đề định giá, hay số liệu về khách hàng cũng như tài xế.

Singapore cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh giữa Uber và Grab vi phạm điều khoản 54 của Đạo luật Cạnh tranh, theo đó cấm việc sáp nhập và thâu tóm về cơ bản làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường.

Nhiều nước Đông Nam Á đưa Grab vào tầm ngắm - Ảnh 4.

Hai văn phòng của Uber và Grab cạnh nhau ở Singapore - Ảnh: REUTERS

Theo thỏa thuận đạt được ngày 26-3, Uber sẽ chuyển nhượng toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đổi lại công ty đặt trụ sở ở Mỹ này sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab.

Thương vụ này đánh dấu lần rút lui thứ 2 của Uber tại thị trường châu Á. Trước đó, Uber cũng đã bán các hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc cho đối thủ địa phương là Didi Chuxing.

Công ty Grab cho biết sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại 8 nước Đông Nam Á mà Uber hiện diện, đồng thời sẽ mở rộng dịch vụ giao đồ ăn.

Grab đi vào hoạt động từ năm 2012 và nhanh chóng đầu tư nhiều tiền bạc vào phát triển thị trường tại các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.

Đến nay, ước tính có tới 2,1 triệu tài xế tại Đông Nam Á tham gia mạng lưới của Grab. Hãng cũng được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber tại khu vực này.

Nhiều nước Đông Nam Á đưa Grab vào tầm ngắm - Ảnh 5.

Buổi khai trương dịch vụ xe Grab ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 19-12-2017 - Ảnh: REUTERS

Theo công ty phân tích dữ liệu di động App Annie, trong năm 2017, Grab đứng thứ 5 trong số các ứng dụng hàng đầu dựa trên số người sử dụng dịch vụ hàng tháng ở Singapore, còn Uber đứng vị trí thứ 7.

Cạnh tranh giữa các hãng cung cấp dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng là các ứng dụng kết nối tại Đông Nam Á đã nóng lên rất nhanh khi thị trường tiềm năng này được dự báo sẽ phát triển gấp 5 lần, lên mức 13,1 tỉ USD trong năm 2025.

Mặc dù Uber vẫn là doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực này với sự hiện diện ở hơn 600 thành phố trên toàn thế giới, nhưng công ty này hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vướng phải hàng loạt bê bối và làn sóng phản đối của các hãng taxi truyền thống ở cả châu Á và châu Âu.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên