Lì xì đã trở thành phong tục của người việt trong ngày Tết - Ảnh: Tư liệu TTO |
Đó là chia sẻ của bạn đọc Phan Tuyết xung quanh câu chuyện lì xì ngày Tết. Theo bạn đọc này, phong tục lì xì trẻ nhỏ, mừng tuổi người già đã có từ lâu gọi là lấy hên, thì ngày nay lòng tốt của con người được đưa ra đong đếm bằng giá trị phong bao mà họ tặng.
Dưới đây là bài viết của tác giả:
"Đứa con gái lật dở tờ lịch và hồ hỡi reo lên: “A! Gần Tết rồi! Thích quá”. Người mẹ quay lại nói giọng rầu rầu: “Tết với chả nhất, đang rầu hết cả ruột gan. Sinh ra cái Tết làm gì cho tốn kém. Đau hết cả đầu”.
Ngước cặp mắt trong veo, cô bé lớp 3 hỏi mẹ với giọng đầy thắc mắc: “Sao người lớn nào cũng không thích Tết hả mẹ? Bạn con nói mẹ bạn cũng thế?” Người mẹ giọng như chùng xuống: “Ngày xưa mẹ cũng thắc mắc hỏi bà ngoại như thế, bà nói: “Lớn rồi con sẽ hiểu. Giờ thì mẹ quá hiểu rồi con gái ạ”.
Tết đến bao khoản phải chi tiêu, từ tiền đi Tết nội, ngoại, tiền sắm sửa mâm cơm cúng, tiền trang trí nhà cửa, mua cho con đôi giày, bộ đồ mới... Dù cố gắng lắm gia đình chị cũng chỉ có dăm triệu đồng cho mọi khoản phải chi trong dịp Tết.
Nhờ tài vun vén của chị nên dù tiền không có nhiều thì gia đình chị cũng có đủ mọi cái giống thiên hạ. Nào bánh trái, nồi măng kho thịt, nồi thịt kho trứng, nào chả giò, chả thủ, nào chả rán, nem chua, đến vại dưa chua, hủ kiệu muối... Những vật trang trí như chậu hoa khoe sắc, cành mai vàng chờ bung nụ... Tất cả đều đủ đầy.
Bí quyết sắm Tết của gia đình, được anh chị thổ lộ: “Năm nào cũng thế, đêm 30 cả gia đình mới đi chợ hoa và mua về những chậu hoa hạ giá. Chỉ với vài trăm ngàn là có ngay một chậu hoa cúc, một cành mai, bó hoa li mà chỉ vài ngày trước đó muốn mua được phải mất tiền triệu. Nhưng có năm, hoa đêm 30 quá đắt, gia đình chị cũng đành nghỉ chơi hoa Tết một năm.
Tiền quần áo, giày dép cho con thường được mua ở chợ đêm, giá vừa rẻ, mẫu mã lại vô cùng bắt mắt.
Nói chung mua sắm Tết thế nào để vừa có đủ những thứ cần thiết, vừa phù hợp với túi tiền của gia đình chị đều cân đong đo đếm được. Tiền sắm sửa một cái Tết như thế lại chẳng thấm gì với khoản tiền lì xì, mừng tuổi.
Nghe nghịch lý không?
Năm nào cũng vậy, điều làm chị đau đầu nhất là khoản tiền dùng lì xì con cháu, người thân, con cái của bạn bè, đồng nghiệp. Lì xì bao nhiêu cũng được cân nhắc thật kĩ lưỡng.
Ngoài khoản tiền triệu mừng tuổi ba mẹ hai bên, đám cháu ruột ít nhất cũng phải tiền trăm, mấy đứa cháu họ hàng phong bao cũng phải năm chục. Mỗi gia đình cũng có ít nhất vài chục đứa cháu. Nghĩ cho cùng, cả năm mới có một cái Tết, lì xì cháu mỗi đứa dăm bảy chục lẻ nào lại tiếc?
Hết nghĩ suy, cân lên đặt xuống từng mức: Một trăm hay năm mươi? Lẽ nào mình lại lì xì hai chục...? Nhưng cái khó bó cái khôn, cái nghèo đôi khi làm con người ta bần đi là thế.
Trong nhà đã thế, khách đến nhà thường chở theo con nhỏ. Năm mới lẽ nào không mừng tuổi các em?
Tôi đã từng ngượng khi vừa trao cho cậu bé con người bạn chiếc phong bao nói rằng, chúc con năm nay sức khỏe và học giỏi. Cậu bé vội vàng xé toạc chiếc phong bao trước mặt, cầm lên tờ 10 ngàn và dài giọng: “Sao bèo thế bác ơi! Có 10 ngàn thôi à?”
Mẹ cậu bé chữa ngượng bằng cách la nạt con và lảng sang chuyện khác. Về sau, tôi không dám bỏ phong bao tờ 10 ngàn mà tăng lên mệnh giá 2 chục ngàn đồng nhưng vẫn ngại.
Sau vài ngày Tết, dăm triệu bạc coi như hết sạch. Dù muốn đi chơi nhưng cứ nghĩ đến tới đâu cũng phải móc phong bao làm tôi chùn lại, thế là tặc lưỡi: “Ở nhà cho rồi, đi ra tốn kém lắm”.
Cái phong tục lì xì trẻ nhỏ, mừng tuổi người già đã có từ lâu nhưng khác những năm trước đây, phong bao chỉ có vài ba ngàn gọi là lấy hên. Thì nay lòng tốt của con người được đưa ra đong đếm bằng giá trị phong bao mà họ tặng.
Đã có không ít người bị nói: “Trông thế mà keo phải biết. Thời buổi này mà còn lì xì hai chục, số tiền đó chẳng mua được gì”. Hay: “Con đó tệ thiệt, lì xì con mình có 10 ngàn thôi”...
Vì thế, dù muốn dù không, người lì xì cũng phải cố gồng mình để đỡ bị nói này nói nọ.
Phong tục lì xì Tết đang trở thành gánh nặng cho nhiều người, nó cũng là một trong những nguyên nhân làm mọi người sống xa nhau hơn.
Không lì xì tết liệu có được không?"
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Ngày Tết, không lì xì liệu có được không? Nếu là bạn, bạn sẽ xử sự ra sao khi bị ai đó chê số tiền lì xì quá ít ngay mặt? Bạn có nghĩ rằng phong tục lì xì Tết đang trở thành gánh nặng cho nhiều người, nó cũng là một trong những nguyên nhân làm mọi người sống xa nhau hơn? Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận