08/12/2021 13:20 GMT+7

Ngày học xen ngày mót củi của cô gái nhỏ

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Thường xuyên ở một mình trong căn chòi dột nát giữa rừng cao su mịt mùng, bữa đói bữa no, cứng cáp hơn các bạn đồng lứa, hơn 9 năm ròng chong đèn học chữ, đường đến trường của Hiền xen kẽ những ngày vào rừng mót củi, hái ớt thuê, làm gia sư...

Vừa đi học, Hiền vừa đi làm thuê để kiếm tiền - Video: CÔNG TRIỆU - HUỲNH VY

Ngày học xen ngày mót củi của cô gái nhỏ - Ảnh 2.

Hái ớt, bán vé số, làm gia sư, bất kỳ việc gì làm ra tiền thì mẹ con Hiền đều làm để kiếm sống - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đó là câu chuyện của Phan Thị Thu Hiền, tân sinh viên Trường cao đẳng Công thương TP.HCM.

Nghèo mà học lắm thế!

Cơn mưa dông khiến căn chòi thấp lè tè, nằm sâu trong rừng cao su ở ấp Tua Hai (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) của mẹ con Hiền càng thêm ngột ngạt. Hiền mồ hôi đầm đìa, tắt bật chiếc điện thoại cảm ứng cũ rích để kết nối lại 3G cho kịp giờ điểm danh của lớp học online ở trường.

Hiền không cha từ nhỏ. Bà Phan Thị Quá (mẹ Hiền) và con gái được một người dân trong vùng thương dựng cho căn chòi. Bà Quá chật vật đội nắng mưa, ai thuê gì làm nấy, quần quật từ sáng đến tối, từ tháng này qua năm nọ. Lạnh thì kéo củi về đốt lên sưởi ấm, nóng lại dỡ bỏ các mảnh tường làm bằng tranh xung quanh ra.

Mãi đến khoảng năm 2010, thương cảnh ngặt nghèo của hai mẹ con mà một người dân trong vùng đã bán chịu cho bà Quá miếng đất nhỏ, chính quyền hỗ trợ 8 triệu đồng để xây nên căn nhà hiện tại.

Bà Quá ngậm ngùi nói, giọng đầy biết ơn: "Nói là họ bán tui mua nhưng đến giờ vẫn chưa trả được đồng nào. Mình đến miếng ăn còn lo chưa nổi nên họ cũng chẳng hỏi làm gì".

Nghiệt ngã chưa lúc nào buông tha hai mẹ con bởi giờ đây cạnh nghèo đói, bà Quá phải đối diện với căn bệnh thiếu máu tiểu cầu. Không ít lần sau khi tan học về nhà, Hiền thấy mẹ gục ngã bất tỉnh trong bếp, sau vườn... Bệnh của bà phải đi viện theo dõi thường xuyên, chỉ cần làm việc quá sức là lại ngất xỉu. 

Ngặt nỗi vì phải chạy cơm hằng ngày nên bà chẳng dám nghỉ ngơi dù chỉ đôi ba phút. "Nhiều người cứ mắng vốn tui là nghèo mà sao cho con học lắm, nhưng cũng kệ. Đời mình không học giờ mới khổ, nó không học thì làm sao đổi đời được", bà Quá tâm sự.

Ngày học xen ngày mót củi của cô gái nhỏ - Ảnh 3.

Hiền đã quen với những công việc nặng nhọc - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Luôn là học sinh khá giỏi

Hành trình đến trường của Hiền là những đêm chong đèn dầu học bài. Mãi đến năm 2017, cô gái lớp 9 năm ấy lần đầu tiên biết đến cảm giác được nhìn mặt chữ dưới ánh đèn điện.

Cạnh những buổi đến trường thì Hiền cũng phải theo chân mẹ đi bán vé số, đậu phộng dạo. Lớn thêm một chút thì Hiền xin đi hái ớt thuê, rồi vào tận rừng kéo củi về bán. Khi học đến lớp 10, Hiền xin làm gia sư dạy kèm cho các em nhỏ quanh vùng. 

Tùy hứng mà mọi người trả công cho cô. Có buổi thì bằng vài cân gạo, bữa thì con cá, bữa quả trứng hay vài chục ngàn đồng. "Có đợt mẹ ốm liệt giường, hai mẹ con phải sống nhờ vào ít cân gạo mọi người trả công, ăn cùng rau tập tàng ở vườn cầm hơi", Hiền kể.

Trong hoàn cảnh bữa lưng bữa đói nhưng Hiền luôn là học sinh khá giỏi của Trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành). Thương trò hiếu học, hồi đầu tháng 7-2021, các thầy cô ở Tây Ninh đã gom góp nhau sửa lại cái mái nhà dột nát từ lâu cho hai mẹ con.

Nhà không có WiFi, thẻ sim chỉ mua được một khoản dung lượng có hạn, chưa kể đến vì chiếc điện thoại đã cũ, pin yếu nên chuyện Hiền đang học thì "mất tăm mất tích" diễn ra khá thường xuyên trong những buổi học trực tuyến ở trường. 

Ban đầu các giảng viên còn trách mắng, nhưng khi nghe được hoàn cảnh thì thông cảm, các bạn trong lớp cũng hỗ trợ bằng cách chụp lại bài giảng mỗi khi Hiền không thể vào tiết.

Ngày học xen ngày mót củi của cô gái nhỏ - Ảnh 4.

Chiếc xe cũ rích được mẹ mua cho từ nhiều năm trước sẽ là người bạn đồng hành cùng Hiền trên chặng đường tiếp theo khi lên TP trọ học - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Với tôi, mong mỏi lớn nhất vẫn là sớm ra trường và có được một công việc ổn định, từ đó có thể đưa mẹ đi viện mổ lấy khối u. Bác sĩ nhiều lần nhắn mẹ phải mổ, nhưng vì không tiền nên cứ lần lữa mãi" - Hiền nói.

Không dừng lại

Cuộc sống quá khắc nghiệt với hai mẹ con khiến đôi lần Hiền từng tính đến chuyện muốn nghỉ học. Nhưng khi nghĩ về mẹ, nhìn người mẹ lam lũ phải vuốt ngực kìm từng cơn đau thì ý định đó lại tan biến.

Hiền nói bạn sẽ kiếm ngay một việc làm thêm để trang trải tiền ăn học khi lên thành phố. Bạn nói sẽ không dừng lại.

Ngày học xen ngày mót củi của cô gái nhỏ - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thủ khoa Thủ khoa 'kép': 'Trường học là nơi cho phép mình sai, tại sao lại phải giấu, phải sợ sai'

TTO - Lý Ngọc Tuyết Nhi vừa trở thành cử nhân luật với thành tích thủ khoa "kép" tuyển sinh và tốt nghiệp Trường đại học Luật TP.HCM với điểm số xếp loại xuất sắc.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên