02/01/2025 16:11 GMT+7

Ngày đầu đi làm giấy tờ ở phường mới tại TP.HCM: 'Tui lên làm hồ sơ thấy vẫn như mọi khi'

Sáng sớm 2-1, các phường mới sau sáp nhập tại TP.HCM rộn ràng công tác tiếp đón nhân dân, khởi đầu một năm mới hoạt động 'tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả' hơn.

TP.HCM: ngày đầu sau sáp nhập phường, chủ tịch phường trực tiếp hỗ trợ tiếp dân  - Ảnh 1.

UBND phường 1, quận Gò Vấp ngày đầu hoạt động sau sáp nhập - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Hơn 9h sáng, trụ sở UBND phường 1, quận Gò Vấp đông đúc người dân đến làm thủ tục giấy tờ, người công chứng, sao y, người đến xin giấy xác nhận độc thân… và rất nhiều người đến để hỏi về thủ tục bảo hiểm y tế (BHYT) khi chuyển đổi sang phường mới. Tất cả đều được cán bộ, công chức hướng dẫn tận tình.

Dù chưa hoàn tất hết các công tác bố trí tại trụ sở mới nhưng từng cán bộ, công chức phường 1 đã bắt tay ngay vào việc, dồn hết lực lượng hỗ trợ nhân dân.

Đến trụ sở UBND phường 1 để công chứng hồ sơ, ông Thanh Tuyền (người dân ngụ phường 7 cũ) cho biết ban đầu cứ lo lắng việc sáp nhập phường có thể ảnh hưởng việc công chứng hồ sơ thiết bị kinh doanh của ông, nhưng khi đến phường mới mọi quy trình vẫn diễn ra thuận lợi và nhanh chóng như trước đây. 

“Nhập phường dân đông hơn, nhưng tui lên làm hồ sơ vẫn nhanh như mọi lần hay làm”, ông Tuyền nói.

Ngày đầu đi làm giấy tờ ở phường mới tại TP.HCM: 'Tui lên làm hồ sơ thấy vẫn như mọi khi' - Ảnh 2.

Khó nhận ra trong số cán bộ, công chức đang miệt mài ngồi tiếp công dân lại chính là chủ tịch UBND phường (áo trắng) - Ảnh: CẨM NƯƠNG

UBND phường 1 mới được thành lập trên cơ sở nhập phường 4 và phường 7 vào. Phường 1 mới có diện tích tự nhiên 1,93km² (đạt 35,09% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 91.995 người (đạt 613,30% so với tiêu chuẩn). Đây cũng là một trong những phường đông dân của TP.HCM sau khi sáp nhập.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Dương Văn Kim - chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp - cho biết sau khi sáp nhập, phường 1 chọn trụ sở của UBND phường 7 cũ để làm trụ sở mới của UBND và Đảng ủy phường.

Còn trụ sở UBND phường 1 và 4 (cũ), Quận ủy và UBND quận đều đã có kế hoạch bố trí. Như trụ sở phường 4 cũ sẽ làm trụ sở Công an phường 1. Còn các trụ sở khác sẽ tiếp tục được bố trí, chứ không để lãng phí.

Chủ tịch UBND phường 1 cho rằng bộ máy thu gọn lại, dân đông lên, chắc chắn có áp lực, nhưng chính vì vậy mỗi cán bộ phải thể hiện trách nhiệm hơn trong công việc và đối với nhân dân.

“Thực tế việc sáp nhập phường không gây ra nhiều khó khăn cho người dân. Bởi người dân có thể giữ nguyên giấy tờ, chỉ những trường hợp như mình tính toán xây nhà thì lúc đó mình xin phép cập nhật hoàn công, mình đổi sổ. 

Khi đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ đổi sổ thành phường 1. Chứ địa phương không bắt buộc người dân phải đổi ngay”, ông Kim giải thích thêm.

TP.HCM: ngày đầu sau sáp nhập phường, chủ tịch phường trực tiếp hỗ trợ tiếp dân  - Ảnh 3.

Hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến luôn sẵn sàng để người dân thuận tiện thực hiện - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Tại Bình Thạnh, các phường cũng giữ công tác tiếp đón và thực hiện thủ tục hành chính cho dân được liên tục, xuyên suốt. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - phó chủ tịch UBND phường 1, quận Bình Thạnh - cho rằng người dân địa phương không cần lo lắng khi sáp nhập phường vì sẽ không có nhiều xáo trộn.

Việc thay đổi giấy tờ có phần bất tiện hơn với người dân phường 3 khi phải nhập vào phường 1 nhưng sau sáp nhập, các thủ tục hành chính vẫn được thực hiện bình thường cho người dân.

“Với tên phường cũ, người dân vẫn sẽ được thực hiện các thủ tục hành chính bình thường, không cần thiết người dân phải đổi giấy tờ thì mới thực hiện được. Không ai từ chối, gây ách tắc cho người dân”, bà Hồng khẳng định. 

Sau đó khi TP.HCM có hướng dẫn việc thay đổi giấy tờ, khi nào người dân có nhu cầu thì hãy thay đổi, không cần phải thực hiện ngay.

Người dân quận 8 vui vì tên phường mới mang đặc trưng riêng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập phường 1, 2, 3 của quận 8 thành phường Rạch Ông, bà Phạm Thị Ngọc Dung (người dân phường 1) cho biết địa phương đã triển khai truyền thông cho từng nhà, từng hộ thông tin về việc sáp nhập phường.

Đa số người dân đều đồng tình bởi trước đây nơi này đã có tên phường Rạch Ông, sau đó tách ra và lại nhập lại. Với tên phường mới, người dân cũng rất mừng vì đây là một địa điểm nhắc đến rất dễ nhận ra, có đặc trưng riêng.

Địa phương cũng vận động người dân trước mắt không có gì phải lo khi sáp nhập phường. Nếu người dân cần hỗ trợ bất cứ giấy tờ gì cứ việc đến UBND phường mới để liên hệ.

Khi sáp nhập lại, dân số phường Rạch Ông sẽ có hơn 80.000 người, cũng là một trong những phường đông dân nhất TP.HCM. “Như vậy sáp nhập lại sẽ không còn phân chia địa giới hành chính nữa, không phải phường này có trường điểm, phường kia lại không.

Như ngày xưa muốn vào Trường Âu Dương Lân học đâu phải dễ, vì phải thuộc phường 1. Cho nên việc sáp nhập sẽ không còn sự phân biệt, chia cách. Người dân rất đồng thuận, vui vẻ”, bà Dung nói.

TP.HCM: ngày đầu sau sáp nhập phường, chủ tịch phường trực tiếp hỗ trợ tiếp dân  - Ảnh 4.Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM dự lễ công bố sáp nhập phường tại quận 11

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đề nghị sau sáp nhập phường các đơn vị phải duy trì hoạt động để đảm bảo không làm gián đoạn công việc của các cá nhân và tổ chức, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên