Hôm nay (2-1), sau ngày nghỉ lễ Tết dương lịch, 41 phường mới tại TP.HCM sẽ lần đầu đi vào hoạt động sau khi sắp xếp từ 80 phường.
Một băn khoăn của người dân các phường thuộc diện sáp nhập ở TP.HCM là việc đổi lại giấy tờ có thuận tiện, dễ dàng. Việc này đã được các lãnh đạo thành phố, các quận, huyện và bản thân các phường sáp nhập quán triệt từ sớm, tạo sự thuận tiện nhất cho người dân khi đổi giấy tờ.
Ông Tô Trung Chính - chủ tịch UBND phường 19, quận Bình Thạnh (mới sáp nhập từ phường 19 và phường 21, TP.HCM) - cho biết ngoại trừ một số phường ở quận 8 sáp nhập lấy tên mới bằng chữ, lần sáp nhập này hầu hết theo nguyên tắc phường có tên là số lớn nhập vào phường số nhỏ và lấy tên mới theo phường số nhỏ.
Do vậy, số lượng người dân phải đi đổi giấy tờ thường chỉ gói gọn trong một phường. Ví dụ ở phường 19 mới của quận Bình Thạnh, trước đây phường 19 cũ có khoảng 41.000 người, nay nhập thêm gần 26.000 người từ phường 21.
Như vậy sau sáp nhập lấy tên phường 19 (mới) chỉ có gần 26.000 người dân thuộc phường 21 phải đổi lại giấy tờ. Hiện ở phường chỉ thực hiện xác nhận các thông tin về hộ tịch, còn các loại giấy tờ khác như giấy tờ nhà đất, giấy phép kinh doanh... do các cơ quan chuyên môn của quận thực hiện.
"Người dân trước hết cũng chỉ nên sửa đổi giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, các loại giấy tờ liên quan hộ tịch cần thiết trước, những giấy tờ như giấy tờ nhà đất khi nào giao dịch cần thiết mới đi sửa đổi để thuận lợi hơn cho việc giải quyết của cơ quan chức năng", ông Chính gợi ý.
Bà Phạm Thị Thanh Nhàn - bí thư Đảng ủy phường 1 (quận Gò Vấp) - cho biết từ chỉ đạo của quận, các phường đã thực hiện công tác tuyên truyền từ lâu về việc sáp nhập phường, và người dân đã được thông báo rõ ràng về các thủ tục hành chính.
Phường 1 có diện tích lớn hơn các phường khác khi sáp nhập ba phường, nên bộ máy cũng sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, phường sẽ ưu tiên tổ chức bộ phận "một cửa" để phục vụ nhân dân. Tất cả thủ tục hành chính của người dân ba phường có thể được thực hiện tại phường mới mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
"Phường cũng sẽ vận động người dân sắp xếp, chuyển đổi giấy tờ tùy thuộc vào thời gian thuận tiện nhất cho họ, và không yêu cầu phải hoàn thành chuyển đổi ngay lập tức hay phải chuyển đổi đúng địa chỉ mới có thể thực hiện thủ tục hành chính", bà Nhàn nói.
Ông Nguyễn Trí Dũng - chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho rằng sau sắp xếp là khối lượng công việc lớn và nhiều nhiệm vụ quan trọng. Do đó, quận yêu cầu các đơn vị cần lập tức bắt tay vào thực hiện một số nội dung công việc trọng tâm.
Trong đó, các phường mới khẩn trương chỉ đạo việc kiện toàn bộ máy công chức, viên chức, và người hoạt động không chuyên trách để hoạt động bộ máy được liên tục và thông suốt. Bên cạnh đó, các phường cũng phải đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hiện các giao dịch hành chính, chuyển đổi giấy tờ thuận lợi, kịp thời.
Không thu các loại phí, lệ phí thay đổi giấy tờ của người dân ở phường thuộc diện sắp xếp
Chỉ đạo trước đó, UBND TP.HCM chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, các sở, ban, ngành thuộc TP hướng dẫn các quận và các phường có liên quan thực hiện tốt công tác điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan cho tổ chức, cá nhân do thay đổi tên đơn vị hành chính và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động đất đai và hồ sơ sử dụng đất. Sở Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của tổ chức, cá nhân.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn việc rà soát, điều chỉnh, lập mới đồ án quy hoạch phân khu tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết.
Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc điều chỉnh dự án đầu tư, xác định địa bàn ưu đãi đầu tư khi thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Cùng với đó hướng dẫn việc thay đổi thông tin giấy chứng nhận đăng ký: doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Sở Giao thông vận tải hướng dẫn việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép lái xe, các phương tiện giao thông cơ giới… của tổ chức, cá nhân. Công an TP hướng dẫn cá nhân, tổ chức trong việc điều chỉnh, chuyển đổi các loại giấy tờ thuộc ngành công an phụ trách.
UBND các phường sau sắp xếp tổ chức việc điều chỉnh, chuyển đổi, chỉnh lý biến động trên các loại giấy tờ thuộc thẩm quyền. Có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn việc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, chuyển đổi, chỉnh lý trên các loại giấy tờ khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận