Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 6-5 có 2.804 ca mắc COVID-19 mới, có 141 ca nặng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.573.931 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.963 ca nhiễm).
Trong ngày, có 686 ca được công bố khỏi bệnh, không ghi nhận ca tử vong.
Về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong ngày 5-5 có 5.008 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm, tổng số liều vắc xin đã được tiêm 266.271.596 liều.
Về biến chủng COVID-19 đang lưu hành tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cũng vừa có báo cáo về kết quả giải trình tự gene thời gian qua.
Cụ thể, từ tháng 4 đến nay thành phố đã lấy 58 mẫu bệnh phẩm nhiễm SARS-CoV-2 để giải trình tự gene. Kết quả 100% mẫu thuộc chủng Omicron.
Tháng 4 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã công bố kết quả giải trình tự gene cho thấy Omicron là chủng lưu hành phổ biến.
Các chuyên gia đánh giá biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn, tuy nhiên chưa có nghiên cứu cho thấy độc lực gia tăng. Người dân cần chủ động tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên để phòng chống dịch.
COVID-19 sẽ chuyển sang giai đoạn quản lý lâu dài?
Ngày 5-5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesusrong tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Quyết định được đưa ra sau khi WHO có thời gian lên kế hoạch, phân tích dữ liệu cẩn thận.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định tuyên bố của WHO là cơ sở quan trọng trong việc xem xét đánh giá tình hình dịch ở nước ta.
"Chúng ta có thể dựa trên những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trong kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025, được thiết kế để hướng dẫn các quốc gia chuyển đổi sang quản lý COVID-19 lâu dài.
Kế hoạch vạch ra các hành động quan trọng để các quốc gia xem xét cho năm lĩnh vực giám sát hợp tác, bảo vệ cộng đồng, chăm sóc an toàn và có thể mở rộng, tiếp cận các biện pháp đối phó và phối hợp khẩn cấp", ông Phu nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận