Nhân viên y tế tại một trạm y tế phường trên địa bàn TP.HCM ghi mã số, tên người dân về từ Đà Nẵng để lưu mẫu trước khi họ được lấy dịch phết mũi họng - Ảnh: XUÂN MAI
Tối 11-8, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 và công tác phòng chống dịch tại địa bàn trong ngày.
Về việc giám sát người dân về từ Đà Nẵng từ ngày 1-7, tính đến chiều 11-8, TP.HCM đã có 51.664 người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 đến khai báo y tế tại 24 quận, huyện.
Trong đó, có 51.103 người đã được lấy mẫu xét nghiệm (còn 561 người đang tích cực rà soát để hoàn tất lấy mẫu trong ngày hôm nay) với 45.390 mẫu có kết quả âm tính, 6 người có kết quả dương tính (đã được Bộ Y tế công bố).
Như vậy TP.HCM còn hơn 5.700 mẫu chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19. Sở Y tế TP.HCM cho biết, số mẫu này sẽ chạy xét nghiệm dứt điểm trong ngày 11 và 12-8.
Chiều cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo, những người dân về từ Đà Nẵng trên 14 ngày có một lần kết quả xét nghiệm âm tính vẫn tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và thực hiện các hướng dẫn phòng bệnh của ngành y tế.
Trước đó, từ ngày 27-7, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM triển khai khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại 24 quận, huyện đối với người về từ Đà Nẵng từ ngày 1-7.
Kích hoạt khám bệnh tại nhà cho người trên 60 tuổi
Mới đây, trong cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM thực hiện nghiêm quy trình Bệnh viện an toàn do Bộ Y tế ban hành, có phương án phân luồng, phân nhóm điều trị, bảo vệ an toàn cho bệnh nhân trên 60 tuổi có bệnh lý nền như tim mạch, suy thận mãn, ung thư…
Đồng thời, kích hoạt chương trình khám tại nhà cho người trên 60 tuổi và công khai danh sách các bệnh viện khám tại nhà.
Đặc biệt, tuyệt đối không lơ là, chủ quan để xảy ra dịch bệnh tại bệnh viện. Huy động các y bác sĩ giỏi để điều trị cho các ca nhiễm, không để xảy ra tử vong, không để lây nhiễm chéo cho cán bộ y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận