
Một xe tải biển số Hà Nội đổ phế thải xuống đất nông nghiệp ở chân cầu Nhật Tân
Tình trạng đổ phế thải (trạc thải xây dựng) trái phép đã diễn ra nghiêm trọng dưới chân cầu Nhật Tân với hàng ngàn m2 đất nông nghiệp bị san lấp.
Người dân xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) lo lắng về ảnh hưởng của việc đổ phế thải đến khu ruộng và môi trường xung quanh.
Ồ ạt san lấp dưới chân cầu Nhật Tân
Nơi đã bị san lấp bằng phế thải rộng hàng ngàn m2 thuộc địa bàn xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội). Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Ngọc khu vực bị đổ trộm phế thải là khu đất nông nghiệp được giao cho các hộ dân trong xã theo nghị định 64 của Chính phủ.
Một số người dân xã Vĩnh Ngọc cho hay tình trạng ngang nhiên đổ phế thải và san gạt mặt bằng đã diễn ra trong một thời gian, tuy nhiên vẫn không được ngăn chặn kịp thời. "Đổ nhiều lắm, ầm ầm suốt ngày.
Họ tạo mặt bằng rộng cả hàng ngàn mét vuông, nhưng không hiểu sao vẫn chưa bị xử lý", ông T. (xã Vĩnh Ngọc) cho hay.
Ngang nhiên san lấp, xây dựng trái phép dưới chân cầu Nhật Tân
Những ngày đầu tháng 5-2025, phóng viên Tuổi Trẻ đi thực tế tại khu vực dưới chân cầu Nhật Tân cho thấy tình trạng san lấp, tạo mặt bằng diễn ra giữa ban ngày. Nhiều ngày, những chiếc xe tải biển số Hà Nội, Bắc Giang,… thay nhau chở đầy phế thải trút xuống khu đất nông nghiệp dưới chân cầu.
Dù xe tải chở đầy phế thải nhưng mỗi khi tiến vào bãi bồi đổ trộm thường diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó, một nhóm người thường xuyên túc trực dưới chân cầu Nhật Tân để "giúp sức" cho xe tải đổ trộm phế thải.
Không chỉ phế thải mà đủ lại rác thải, đất, cát tối màu cũng được tập kết đổ trộm ra khu vực này. Quan sát từ trên cao có ba mặt bằng rộng hàng ngàn m2 đã được quây rào sắt, và một mặt bằng cũng rộng cả ngàn m2 đang bị đổ thải, san lấp.

"Trao đổi" qua lại sau khi chiếc xe tải biển số Hà Nội đổ phế thải xuống khu đất nông nghiệp ở bãi bồi sông Hồng
Một con đường rộng 5-7m, dài cả trăm m2 cũng mới được mở nằm sát chân cầu Nhật Tân, và vật liệu để san gạt mặt bằng cũng chính là phế thải, rác thải cồng kềnh.
Ngày 7-5, bên cạnh việc đổ trộm phế thải thì bên trong một nhà tôn rộng hàng chục m2 cũng đã xuất hiện tình trạng xây dựng trái phép.
Chính quyền địa phương nói gì?
Liên quan việc ồ ạt dùng phế thải san lấp đất nông nghiệp, tạo mặt bằng ở bãi bồi sông Hồng, ngày 10-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Thực - phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc - cho biết UBND xã cũng đã có kiểm tra nhưng chưa kịp thời. Theo ông, đối với công trình vi phạm trên đất nông nghiệp sẽ bị yêu cầu tháo dỡ và khắc phục hậu quả.
"Thời gian vừa rồi có phát sinh ngoài bãi, mới phát sinh, một số hộ gia đình có đất nông nghiệp tự ý làm hợp đồng sau đó cho thuê. Thời gian tới xã sẽ khắc phục, xử lý vi phạm đối với người dựng công trình trên đất nông nghiệp, yêu cầu tháo dỡ trước ngày 15-5", ông Thực cho biết.

Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp đã bị san lấp, quây rào sắt dưới chân cầu Nhật Tân
Tuy nhiên ông Thực cho biết vẫn chưa thể xác định được diện tích đất nông nghiệp đã bị đổ trộm phế thải, san gạt tạo mặt bằng. "Cũng không nhiều lắm... Thực ra tôi cũng chưa ra hiện trường. Chắc mới đổ thêm một phần để tăng diện tích nhưng không nhiều", ông Thực nói.
Theo ông Thực, một cá nhân sẽ bị UBND xã Vĩnh Ngọc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sinh sống ở huyện Đông Anh đã thuê lại đất nông nghiệp của người dân để xây dựng công trình trái phép.
Trong khi đó chiều 9-5, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ phóng viên Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Thùy - chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc - cho biết đã cho cán bộ đi kiểm tra, khu bị đổ phế thải là đất nông nghiệp được giao cho người dân theo nghị định 64 của Chính phủ.
Theo ông, khi ban hành quyết định xử phạt nếu không khắc phục thì cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế. Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng sẽ buộc khắc phục lại đất nông nghiệp như ban đầu.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đất đai
Trước tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký công điện số 04 (ngày 22-4) nhằm tăng cường công tác quản lý.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn và không được để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm phát sinh.
Yêu cầu Công an Hà Nội chỉ đạo công an cấp xã xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng.
Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, chỉ đạo lực lượng thanh tra xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công, đất lấn chiếm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận