07/05/2025 20:26 GMT+7

Chính quyền hạ quyết tâm ngăn chặn đổ bậy phế thải vào đất nông nghiệp

Trước tình trạng đổ bậy phế thải xây dựng (trạc thải) vào đất nông nghiệp, chính quyền địa phương ở huyện Hoài Đức và Quốc Oai (Hà Nội) cho biết đã vào cuộc ngăn chặn và đang dần khôi phục nguyên trạng.

Chính quyền hạ quyết tâm ngăn chặn đổ bậy phế thải vào đất nông nghiệp - Ảnh 1.

Phế thải đổ bậy xuống khu đất nông nghiệp ở xã An Thượng (huyện Hoài Đức) đang được thu dọn - Ảnh: DANH KHANG

Trước đó ngày 3-5, Tuổi Trẻ Online có bài phản ánh trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, hai xe ba bánh tự chế chở theo phế thải từ ngôi nhà đang phá dỡ đổ thẳng ra khu đất nông nghiệp (ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức), gây bức xúc cho người dân.

Ngoài ra, dù khu đất nông nghiệp của xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) đã được quy hoạch trồng cây ăn quả nhưng đã "mọc" lên bãi vật liệu xây dựng, bên trong có cả phế thải xây dựng.

Ngày 7-5, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thịnh, phó chủ tịch UBND xã An Thượng (huyện Hoài Đức), cho biết sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh, lãnh đạo xã đã xuống tận nơi để kiểm tra.

"Ngày hôm qua (6-5) chúng tôi đã mời bốn hộ dân có liên quan tới việc tập kết trạc thải đến xã làm việc, hiện chưa xử phạt nhưng đã yêu cầu cam kết không tái diễn đổ bậy. Xã đã yêu cầu chuyển hết số trạc thải ra khỏi khu đất nông nghiệp trước ngày 8-5, kinh phí do người đã đổ thải chịu trách nhiệm", ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, khu đất nông nghiệp này của người dân được giao theo nghị định 64 của Chính phủ, tuy nhiên do bị trũng thấp nên nhiều năm để hoang, không cấy lúa. Do bỏ hoang nên đã xuất hiện ba điểm đổ trạc thải với diện tích 200-300m2/điểm.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng đổ thải vào đất nông nghiệp, ông Thịnh cho hay: "Sau khi vận chuyển hết trạc thải ra khỏi khu đất, xã sẽ dựng hàng rào thép lưới B40, cắm biển cấm và giao lại cho Công an xã An Thượng tiếp tục giám sát".

Chính quyền hạ quyết tâm ngăn chặn đổ bậy phế thải vào đất nông nghiệp - Ảnh 2.

Quan sát cho thấy phế thải được đổ trộm từ lâu ở xã An Thượng cũng đang được múc lên để khôi phục nguyên trạng - Ảnh: D.KHANG

"Sẽ xử lý nghiêm nếu những cá nhân nào tiếp tục đổ trộm ra khu đất nông nghiệp. Bên cạnh ngăn chặn xử lý trường hợp cố tình vi phạm thì xã sẽ tuyên truyền cho người dân phải tập kết, vận chuyển trạc thải đúng nơi quy định", ông Thịnh nói.

Chiều cùng ngày, ghi nhận của phóng viên cho thấy một khối lượng lớn phế thải đã được múc đi, hoàn trả diện tích đất nông nghiệp ở xã An Thượng từng bị san lấp.

Trong khi đó, trước tình trạng đổ thải và sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích, trao đổi với phóng viên, ông Vương Duy Hùng, chủ tịch UBND xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai), cho biết: "Nhận được thông tin, xã nhanh chóng vào cuộc, mời các cá nhân đổ trạc thải, san lấp đất nông nghiệp đến trụ sở làm việc. Sau khi yêu cầu viết cam kết, một số khu đất được trồng cây trở lại".

Theo ông Hùng, trường hợp Tuổi Trẻ Online mới phản ánh (ngày 3-5) được giao khu đất rộng khoảng 3.000m2 trồng cây ăn quả nhưng đã tự ý san gạt một phần, tập kết vật liệu xây dựng.

"Trường hợp này xã cũng đã yêu cầu trước ngày 15-6 phải hoàn thành việc thu dọn mặt bằng, đưa cây ăn quả vào trồng theo đúng quy hoạch đã được huyện phê duyệt. Người vi phạm cũng đã phối hợp, cam kết thực hiện theo biên bản làm việc với UBND xã (chiều 6-5) về việc khắc phục như hiện trạng ban đầu", ông Hùng nói.

Tập trung xử lý các vi phạm liên quan đến đất nông nghiệp

Ông Hùng cho biết thêm UBND xã Đồng Quang đang tập trung xử lý các vi phạm liên quan đến đất đai, đặc biệt trên đất nông nghiệp.

"Vừa xử lý vi phạm, xã sẽ tập trung tuyên truyền cho người dân trước và trong dịp sắp xếp các đơn vị hành chính không nên lợi dụng làm trái các quy định của pháp luật liên quan đến trật tự xây dựng, cũng như vi phạm trên đất nông nghiệp.

Xã đã thành lập tổ kiểm tra thường xuyên hằng ngày trên địa bàn, kịp thời xử lý các vụ việc mới phát sinh, ngăn chặn không tạo thành điểm nóng trên địa bàn", ông Hùng cho hay.

Chính quyền hạ quyết tâm ngăn chặn đổ bậy phế thải vào đất nông nghiệp - Ảnh 3.Đất nông nghiệp ở Hà Nội bị đổ thải 'tan nát', san gạt nham nhở như công trường

Theo quy định, phế thải xây dựng (trạc thải) phải được đưa đến nơi tập kết rồi mang đi xử lý, nhưng nhiều người bất chấp đổ trộm ra đất nông nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên