26/05/2018 11:52 GMT+7

Ngân sách có hạn, đội vốn vô hạn

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Vài chục năm trước, do nghèo khó, cả đời may ra mới cất nhà một lần nên ông bà ta truyền nhau kinh nghiệm: cất nhà phát sinh dữ lắm, liệu mà xoay tiền, lựa cơm gắp mắm. Gọi đúng tên, đó là "làm mò, đến đâu hay đến đó".

Ngân sách có hạn, đội vốn vô hạn - Ảnh 1.

Ngày nay, được hỗ trợ bởi khoa học tính toán, vậy mà lớp con cháu khi thực hiện dự án đầu tư công cũng chẳng khác gì ông bà xưa, thế mới có vấn nạn đội vốn gây nhức nhối.

Mọi người bức xúc trước thông tin dự án nạo vét, xây kè và bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn… 36 lần, từ 72 tỉ lên 2.595 tỉ đồng. 

Đó là điển hình của nạn đội vốn - căn bệnh kinh niên trong đầu tư các công trình sử dụng vốn nhà nước, kéo dài nhiều năm và diễn ra ở khắp nơi.

Danh sách dự án tăng vốn, đội vốn rất dài. Tại TP.HCM, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên được xem là chuẩn mực cũng tăng vốn 2,7 lần, tăng thêm… 30.000 tỉ đồng, hiện phải tạm ứng vốn thi công. 

Còn ở Hà Nội, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn, khiến nợ công tăng thêm 340 triệu USD, nhưng mãi dân vẫn chưa được đi lại bằng đường sắt đô thị…

Các dự án tăng vốn, đội vốn không do người tay ngang thực hiện, đó là những ban quản lý công trình chuyên nghiệp, được thẩm định bởi đội ngũ những người am hiểu chuyên môn, được phê duyệt bởi những người có thẩm quyền với đầy đủ ban bệ tư vấn, vậy mà… vốn vẫn tăng.

 Vì thế, dù người liên quan dự án đội vốn có đưa ra ngàn lý do thanh minh cũng không thể khỏa lấp được nguyên nhân chính, đó là thiếu vắng trách nhiệm khi thực thi công vụ.

Còn đội vốn là nguồn lực hạn hẹp của đất nước còn bị phung phí. Chấp nhận cứu các dự án đội vốn là còn thừa nhận cách làm việc vô trách nhiệm.

Vậy cách nào chấm dứt vấn nạn này? Luật đầu tư công, đã được ban hành, quy định dự án phải được thẩm định và xác định nguồn vốn, với kỳ vọng kiểm soát nạn đội vốn. 

Nhưng bất kể luật thế nào cũng không thể bịt hết các kiểu lắt léo để có tên trong danh mục dự án, nhằm moi tiền ngân sách dẫn đến đội vốn. Chỉ có truy đến cùng trách nhiệm những người đã cố tình vẽ ra dự án đội vốn mới có thể giải quyết tận gốc vấn nạn này.

Có một điểm chung ở các dự án đội vốn là chẳng mấy ai gây ra nạn đội vốn bị truy trách nhiệm, bị xử lý, phải bồi thường… 

Còn điểm khác cơ bản ở dự án đội vốn, với dự án của Nhà nước thì kiểu nào cũng được Nhà nước - không địa phương thì trung ương - ra sức cứu. Mà cứu thì chỉ có cách duy nhất là bơm thêm tiền. 

Còn với dự án của tư nhân, nếu đội vốn, chủ dự án phải đối mặt mất tất cả tiền đã bỏ ra, phải phá sản, ngân hàng quay lưng…

Cả điểm chung và điểm khác cơ bản ở dự án sử dụng vốn nhà nước bị đội vốn nếu còn được duy trì thì nạn đội vốn còn đất sống dài dài. 

Đất nước khó phát triển khi ngân sách chỉ có hạn, đội vốn mãi vô hạn, tiền cứ miệt mài đổ vào thùng không đáy ở các dự án đội vốn.

Xã hội vẫn bức xúc về chi tiêu ngân sách thất thoát, lãng phí Xã hội vẫn bức xúc về chi tiêu ngân sách thất thoát, lãng phí

TTO - Tại buổi họp báo về kỷ luật, kỷ cương ngân sách chiều 25-5, Bộ Tài chính đã thừa nhận tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên