Đám cháy tại tòa nhà thuộc Đại học Quốc gia Karazin Kharkiv ở TP Kharkov (Ukraine) vào ngày 2-3. Theo AFP, tòa nhà này được cho là bị trúng đạn trong đợt pháo kích của Nga - Ảnh: AFP
Sau vòng đàm phán đầu tiên không có kết quả hôm 28-2, Hãng tin Tass (Nga) cho biết Nga và Ukraine tiếp tục có vòng đàm phán thứ hai ngày 2-3. Dù dư luận thế giới rất hy vọng đàm phán sẽ giúp mở lối cho xung đột, nhưng ngay lúc này tình hình trên thực địa tại nhiều TP Ukraine vẫn đang rất "nóng".
Lo khủng hoảng tị nạn
Ngày 2-3, quân đội Nga tuyên bố đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn TP Kherson, miền nam Ukraine khi chiến dịch quân sự của họ bước sang ngày thứ bảy. Lính dù của Nga cũng đã đổ bộ xuống Kharkov, TP lớn thứ hai của Ukraine giữa giao tranh ác liệt.
"Thực tế không còn khu vực nào ở Kharkov chưa bị trúng đạn pháo" - ông Anton Gerashchenko, cố vấn bộ trưởng Nội vụ Ukraine, bình luận. Bộ Nội vụ Ukraine cho biết 80.000 người Ukraine từ nước ngoài đã hồi hương để tham gia chiến đấu.
Hôm 1-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hiện ông không có dữ liệu về những tổn thất của phía Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine đến nay. Ông nói sẽ có các thông tin về thiệt hại của Nga sau khi chiến dịch kết thúc.
Trả lời phỏng vấn Đài CNN hôm 1-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo nếu Nga vẫn tiếp tục tấn công vào các TP của Ukraine, các đàm phán giữa hai bên có thể sẽ không mang lại kết quả. Dù vậy, Điện Kremlin xác nhận một phái đoàn Nga đã sẵn sàng cho cuộc đàm phán lần 2 với Ukraine tối 2-3, giờ địa phương.
Lúc này, dòng người tị nạn từ Ukraine sang các nước láng giềng ở Đông Âu đang ngày càng đông. Bà Shabia Mantoo, người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), cảnh báo tình hình hiện nay có thể trở thành "cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này". UNHCR đang huy động các nguồn lực để phản ứng với tình thế đó.
Nguồn: UNHCR, Al Jazeera - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TUẤN ANH
Các nước tăng sức ép
Hôm 1-3, Nghị viện châu Âu (MEP) thông qua dự thảo nghị quyết phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp thêm trừng phạt với Matxcơva, gồm hạn chế nhập khẩu dầu khí từ Nga, cấm tàu Nga cập cảng EU và loại hoàn toàn Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Trong khi đó, trong thông điệp liên bang hôm 1-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là "vô cớ" và "đã được lên kế hoạch từ trước".
Mặc dù Mỹ và các đồng minh NATO đã hỗ trợ vũ khí, khí tài cho Ukraine nhưng đến nay liên minh này vẫn khẳng định không có kế hoạch đưa quân vào Ukraine. Ông Biden cũng nhắc lại lập trường này trong thông điệp liên bang.
Trong phát biểu, Tổng thống Biden cũng tuyên bố Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa không phận với Nga, gây thêm sức ép lên Matxcơva, quyết định có hiệu lực từ cuối ngày 2-3.
Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp lớn của phương Tây thông báo sẽ "đóng băng" hoặc giảm quy mô hoạt động ở Nga, trong đó có Hãng Apple, 3 trong số các công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, các công ty năng lượng Eni và ExxonMobil, Hãng Boeing.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba theo đề nghị của Ukraine hôm 1-3. Ông Vương cho biết Bắc Kinh "cực kỳ lo ngại" về tác động của cuộc xung đột với dân thường.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Kuleba đã nhờ Trung Quốc với tầm ảnh hưởng của mình có thể giúp làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. CCTV cũng thông tin ông Kuleba "đã nhờ tìm kiếm giải pháp ngoại giao".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận